Ánh sáng từ những bước chạy

05/10/2024 09:00 GMT+7

Ở nơi trang trọng nhất trong nhà chị Bùi Bích Nguyệt là 8 chiếc huy chương khắc tên Nguyễn Trọng Việt - người con khiếm thị, bại não đã giành được trong các giải chạy lớn nhỏ. Với mẹ Nguyệt, không cần con phải đỗ đại học, phải công thành danh toại, chỉ cần Việt mỗi ngày nở nụ cười đã là một niềm vui lớn lao vô cùng.

Một sớm đầu đông ngày thứ bảy, mặc thời tiết lạnh giá, một nhóm các bạn trẻ khiếm thị đều bước chạy về phía ánh sáng bình minh. Nổi bật trong số đó là một cặp mẹ con với hình ảnh người mẹ nắm chặt tay một cậu bé với nụ cười hồn nhiên. Đó là mẹ Nguyệt và Trọng Việt, thành viên đặc biệt của CLB Người khiếm thị yêu chạy (Blind Runners). Đi cuối đoàn chạy là một chàng trai, dù mồ hôi ướt đẫm nhưng vẫn rảo chân cổ vũ mọi người. "Cố lên, cố lên", từng nhịp hô xen lẫn tiếng thở nặng nhọc như truyền thêm động lực để tất cả các bạn khiếm thị kịp hoàn thành cự ly 5 km trước khi nắng bắt đầu gắt. Người luôn đứng sau cổ vũ tinh thần, được mẹ Nguyệt gọi vui là "doping" của cả CLB, không ai khác là Vũ Tiến Mạnh - người sáng lập, cũng là một vận động viên khiếm thị.

Ánh sáng từ những bước chạy- Ảnh 1.

Hai mẹ con Việt chạy về đích

ẢNH: TGCC

Thành lập CLB với xuất phát đơn thuần là tạo ra một nơi để người khiếm thị có thể tham gia các hoạt động vận động, Vũ Tiến Mạnh không ngờ từ những bước chạy đã có nhiều cuộc đời được biến đổi như cái cách thể thao đã thắp sáng cuộc đời của anh.

Trên góc tường nhà trọ loang lổ, sáng lên những vàng, bạc, đồng - đó là nơi lưu giữ những thành tích trong suốt cả chặng đường chục năm thi đấu thể thao của Mạnh. Dù không thể nhìn thấy nhưng bàn tay của Tiến Mạnh chỉ cần lướt qua mặt huy chương, anh đã vanh vách kể ra tấm huy chương ở giải nào, thi đấu ở đâu, cự ly như thế nào.

Sinh ra với đôi mắt đục thủy tinh thể, thị lực của Mạnh gần như bằng không. Ở vùng quê Phú Thọ của Mạnh hồi ấy, thiếu đi ánh sáng chẳng khác gì trở thành một người tàn phế. Ám ảnh với suy nghĩ đó, bố mẹ đã không tiếc tiền bạc, công sức đưa Mạnh chạy chữa từ tây y đến đông y nhưng mọi nỗ lực của gia đình đổi lại bằng những cái lắc đầu bất lực của bác sĩ.

Không thể đem được ánh sáng cho con, bố mẹ tìm cách để Mạnh có một công việc ổn định và lĩnh vực âm nhạc là sự lựa chọn của gia đình anh. "Bố mẹ nghĩ rằng người khiếm thị sẽ chơi nhạc tốt, song đó không phải là điều tôi thực sự muốn. Thay vào đó, tôi tìm thấy niềm vui ở những trò rượt đuổi của bọn trẻ con quanh làng. Dù chỉ có thể nghe tiếng bước chân chạy, nghe tiếng cười đùa mà tôi vẫn tránh né được", anh nhớ lại.

Mạnh và bạn đồng hành đang chạy

Mạnh chạy cùng những bạn đồng hành

ẢNH: TGCC

Bố mẹ phản đối kịch liệt bởi chạy là một bộ môn nguy hiểm, đặc biệt khi con không thể nhìn thấy. Và thực tế, sau mỗi buổi tập là những vết trầy xước có khi rớm máu, thậm chí là những lần chấn thương. "Tôi không ngại những điều đó bởi khi được bứt tốc trên đường chạy, tôi mới thấy mình thật sự đang sống, mình được là chính bản thân mình", Mạnh nói.

Mạnh lặng lẽ giấu đi những vết thương, im lặng trước những lời khuyên can của gia đình, ngày anh trở về, tay cầm chiếc huy chương đầu tiên trong sự nghiệp ở giải chạy toàn quốc cho học sinh khuyết tật năm 2014, bố mẹ đã khóc và thấy được thuyết phục bởi chính khát vọng của anh. Cứ thế, bằng nỗ lực từng ngày của Mạnh, những cột mốc mới được đánh dấu, thành tích cứ dày lên: 6 huy chương vàng, 12 huy chương bạc tại Giải thể thao Người khuyết tật toàn quốc, 3 huy chương bạc Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á, đặc biệt Mạnh cũng là người khiếm thị đầu tiên chinh phục cự ly Full Marathon (42.195km). "Tôi may mắn có cơ hội được sống với thể thao, còn các bạn khiếm thị khác thì sao? Tôi luôn trăn trở làm như thế nào giúp thể thao đi vào cuộc sống của người khiếm thị", Vũ Tiến Mạnh nói.

Năm 2020, Việt Nam giãn cách, Mạnh trở về quê với gia đình. Trong khoảng thời gian cách ly, bố mẹ trở thành người dẫn đường của Mạnh. Cứ chiều chiều gia đình Mạnh lại cùng nhau chạy quanh góc sân nhà.

Thời điểm đó, Mạnh nghĩ nhiều hơn đến những bạn khiếm thị như mình. Các bạn ít có cơ hội được tập luyện thể dục thể thao, phần do sự bất tiện bởi việc mất thị lực, không có ai hướng dẫn, nhưng lớn nhất do các bạn còn tự ti. "Tôi có thể làm được tại sao các bạn khiếm thị khác không làm được, tôi nghĩ vậy và bắt đầu động viên từ chính những người bạn của mình. Đồng thời, cũng kết nối các mối quan hệ của mình có để tuyển thêm người không khiếm thị tạo thành cặp chạy với các bạn", chàng trai Gen Z chia sẻ.

Mạnh cười tươi đứng trên bục nhận huy chương

Mạnh cười tươi đứng trên bục nhận huy chương

ẢNH: TGCC

CLB được thành lập vào một ngày cuối tháng 7.2020, bắt đầu từ con số khiêm tốn gần chục người, ngày đầu mỗi thành viên chạy lõm bõm chưa được 300 m. Lúc về đến đích cả người dẫn đường lẫn người khiếm thị cứ lăn lê mà thở phì phò. "Nhiều bạn lắc đầu bảo tôi là mình không chạy được đâu, nhất là với các bạn khiếm thị nền tảng thể lực chưa tốt do các bạn ít vận động thì buổi đầu về ê nhức chân đến mấy ngày. Tôi cũng động viên các bạn bằng cách cho các bạn sờ những vết sẹo chằng chịt, có vết dài đến cả mấy cm và kể cho các bạn nghe những sự tích về nó từ đó cổ vũ tinh thần của các bạn", Mạnh hài hước chia sẻ.

Đến nay, CLB đã có gần 40 người khiếm thị và người dẫn đường, tham gia luyện tập thường xuyên. Những bước chân không còn nặng nhọc mà đã khoan thai, đều nhịp, ai nấy đều cảm thấy sức khỏe được nâng cao, tự tin hơn trước. Mạnh như bao lần khác vẫn chạy cuối đoàn, chỉ cần nghe tiếng bước chân mạnh đã có thể biết đó là của ai.

"Con chị vừa khiếm thị lại bại não, khuyết tật trí tuệ, liệu cháu có chạy được không", đó là dòng tin nhắn chị Nguyệt gửi tới fanpage CLB. Với tình trạng của Việt, chị đã quá quen với sự từ chối như khi chị liên hệ cho con tham gia các CLB năng khiếu. "Ting... ting...", tiếng tin nhắn trả lời khiến chị giật mình: "Hẹn ngày mai chị và bạn đến sân để xem như thế nào".

Mặc ngoài kia mọi người có nói con chị sẽ không làm được gì cả nhưng chị vẫn tin Việt có thể làm tốt một việc gì đó. Khoảnh khắc thấy hình ảnh người khiếm thị kết nối với người không khiếm thị bởi một sợi dây đeo ở cổ tay cùng chạy, tôi biết đó là cách để Việt tỏa sáng.

Mạnh cùng các thành viên trong CLB

Mạnh cùng các thành viên trong CLB

ẢNH: TGCC

Dậy từ sớm, đến sân lúc 6 giờ sáng, Mạnh đón mẹ con chị từ cổng vào. Vừa nghe chị kể về Việt, Mạnh vừa hướng dẫn cho hai mẹ con một số kỹ thuật chạy cùng người khiếm thị. Không lo lắng phủ nhận, thay vào đó, Mạnh động viên hai mẹ con rằng em Việt có thể làm được.

Mọi người trong CLB cũng xúm lại động viên, cầm tay, vỗ vai Việt. Chưa bao giờ chị thấy mình và con được trân trọng như vậy. Cứ vậy, đều đặn mỗi cuối tuần chị và Việt từ Sóc Sơn lên Hà Nội chạy cùng với các anh chị. Ngày trong tuần hai mẹ con luyện tập ở gần nhà. "Vừa chạy tôi vừa trò chuyện với con, không cần biết Việt có hiểu hay không. Chính những lúc đó, tôi cảm thấy hai mẹ con đang nói chung một ngôn ngữ đó là thể thao", mẹ Nguyệt tự hào nói.

Với mẹ Nguyệt, đằng sau những huy chương, tự hào nhất là sự thay đổi của Việt, dù là nhỏ bé. Còn Mạnh, huy chương lớn nhất là nụ cười, niềm vui sống của mẹ Nguyệt và Trọng Việt, cùng sự thay đổi tích cực của cả cộng đồng người khiếm thị mà anh vẫn từng ngày cống hiến bằng trái tim nóng của mình.

Ánh sáng từ những bước chạy- Ảnh 5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.