Các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập tại TP.HCM tuyển học sinh theo phân tuyến địa bàn cư trú |
đào ngọc thạch |
Mới đây, vấn đề tuyển sinh đầu cấp thu hút sự chú ý của dư luận sau khi báo chí đồng loạt đưa tin về việc phụ huynh ở phường Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai, Thủ đô Hà Nội) phải tham gia bốc thăm, nhờ “may rủi” để có suất cho con em vào học tại Trường mầm non Hoàng Liệt, cơ sở Tứ Kỳ do số lượng hồ sơ đăng ký cao hơn nhiều so chỉ tiêu. Nhiều phụ huynh ở TP.HCM thắc mắc liệu rằng thành phố cũng gặp phải những áp lực tương tự, buộc phải áp dụng hình thức bốc thăm hay không.
Giải đáp thắc mắc của phụ huynh, ông Phan Văn Quang, Phó phòng GD-ĐT Q.Tân Bình (TP.HCM), cho biết việc tuyển sinh đầu cấp ở trường mầm non, tiểu học và THCS của thành phố được thực hiện theo nguyên tắc phân tuyến, cơ bản học sinh cư trú ở địa bàn nào sẽ học tại trường thuộc địa bàn phường đó. Tuy nhiên, do điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp, dân cư, có những trường chỉ tiêu tuyển sinh không đáp ứng hết nhu cầu chỗ học của người dân trong địa bàn thì có thể được phân tuyến sang học tại các trường ở phường, xã lân cận.
Theo ông Quang, ban tuyển sinh của quận do UBND quận thành lập với thành viên là lãnh đạo UBND quận, phòng GD-ĐT, lãnh đạo các phường và ban giám hiệu các trường. Hàng năm, căn cứ vào thống kê học sinh trong độ tuổi đến trường của các tổ dân phố, UBND phường sẽ tổng hợp và họp ban tuyển sinh thực hiện việc phân tuyến theo quy định và điều phối sao cho tạo điều kiện nhất cho phụ huynh và học sinh.
Tương tự, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân cho biết việc thống kê trẻ đến độ tuổi đến trường được tổ dân phố thực hiện đến từng gia đình, từng số nhà. Vì vậy, khi ban tuyển sinh quận họp về kế hoạch tuyển sinh cho năm học mới đều có sự tham gia của đại diện các trường và phường. Các phường và trường sẽ phối hợp, hỗ trợ để phân tuyến, tiếp nhận học sinh trong bối cảnh trường ở địa bàn nào đó không đủ chỗ học cho người dân.
Hay ông Hà Thanh Hải, Phó phòng GD-ĐT Q.7, cũng cho hay ngoài việc xây dựng trường lớp công lập đáp ứng nhu cầu học tập của người dân thì các trường ngoài công lập góp phần giúp phụ huynh có nhiều mô hình để lựa chọn cho con em mình theo học, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh kinh tế. Khi đa dạng về trường lớp thì phụ huynh, học sinh có nhiều lựa chọn, giảm áp lực cho khối công lập.
Vì thế trong tình huống ở một cơ sở giáo dục công lập nào đó mà nhu cầu cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh thì có nhiều giải pháp như kể trên chứ không có chuyện bốc thăm may rủi.
Bình luận (0)