ATM gạo 25 tấn đến với người nghèo giữa mùa dịch Covid-19

An Dy
An Dy
09/07/2021 18:23 GMT+7

Ngày 9.7, tại các máy ATM gạo trên địa bàn quận Liên Chiểu ( Đà Nẵng ), gạo hỗ trợ vẫn chảy đều vào túi của những người dân nghèo mất việc và kiệt sức qua nhưng đợt dịch Covid-19 kéo dài...

Chương trình phát gạo tại Đà Nẵng đợt này của Quỹ từ thiện Thịnh Tâm (gồm công ty CP đầu tư kỹ thuật Berjaya Gia Thịnh và Tổng đại lý xổ số Mai Tâm Anh) với khoảng 10 tấn gạo, chia thành 2.000 suất tặng riêng cho những đối tượng người lao động phổ thông, mất việc do dịch Covid-19, người già neo đơn, khuyết tật... trên địa bàn 2 quận Liên Chiểu và Thanh Khê.

Gạo được phát tận tay cho nhóm người yếu thế, giúp họ vơi bớt khó khăn khi dịch giã kéo dài

ẢNH: A.Q

Tương tự, 15 tấn gạo còn lại đã và đang được trao đến nhóm người yếu thế này tại Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm) và TP.HCM (huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức, quận Gò Vấp). Hoạt động hỗ trợ gạo thông qua máy ATM đảm bảo giãn cách, tuân thủ 5K để chống dịch Covid-19.

Cơm di động phát tận tay người gặp khó khăn ngày giãn cách

“Ngồi ở nhà ngó nhau miết ri thì khổ quá”

Đến xếp hàng từ sớm để nhận suất gạo 5 ký, ông Nguyễn Văn Tiên (ngụ Đà Nẵng) cho biết, dịch giã thế này, có được chút nào hay chút đó để với bớt khó khăn. Rồi ông kể vợ chồng ông bán nước vỉa hè, mà dịch Covid-19 kéo dài không bán được, đã vậy vợ ông thường xuyên đau ốm. Trong khi đó, hai con ông làm trong ngành dịch vụ cũng mất việc, khách sạn đóng cửa vì Covid0-19 nên người lao động cũng phải nghỉ kéo dài. Cả nhà cứ vậy đắp đổi qua ngày, được đồng nào ăn đồng nấy.
“Chỉ mong dịch sớm qua đi để vợ chồng có thể bán lại, con lại có việc làm ở khách sạn chứ cứ ngồi ở nhà ngó nhau miết ri thì khổ quá”, ông Tiên than thở.

Cần nhiều hơn nữa những ATM gạo hỗ trợ người khó khăn do dịch bệnh

ẢNH: AN DY

Không khá hơn, ông Võ Tiến (ở P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) cũng cho biết ông sống bằng tiền trợ cấp. Vợ ông bán chè ở vỉa hè ế ẩm. Dịch bệnh càng không có ai mua. “Con tôi một đứa 31 tuổi bị tâm thần, đứa còn lại làm cho khách sạn mà từ khi có dịch Covid-19 đến giờ mất việc”, ông Tiến tâm sự.
Ôm bịch gạo trong tay, ông Tiến nói ông mừng lắm, nói giờ cho được cái gì cũng mừng. Chứ giờ người lao động ai cũng khó khăn như nhau, quanh tôi toàn những hoàn cảnh khó khăn, trong khi buôn bán thì bấp bênh mà dịch Covid-19 thì kéo dài không biết đến khi nào... “Dù ít dù nhiều thì đây cũng là tấm lòng chia sẻ với bà con nghèo...”, ông Tiến nói.

Mong xin thêm gạo, mở được “siêu thị 0 đồng”

Cùng các cộng sự tham gia chương trình ATM gạo tại Đà Nẵng, ông Phạm Văn Quang, Đại diện quỹ từ thiện Thịnh Tâm, cho biết cùng với ATM gạo, Quỹ cũng vừa trao tận tay 300 suất gạo cho bà con đang sống trong 2 khu vực dân cư (kiệt 382 Tôn Đức Thắng và kiệt 137 Tô Hiệu) đang cách ly kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn quận Liểu Chiểu (Đà Nẵng).

Hỗ trợ 300 suất gạo (5 ký/suất) tại 2 khu dân cư đang bị cách ly ở P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng

ẢNH: A.Q

Ông Quang cho biết những phần quà không nhiều nhưng mong sẽ giúp bà con vơi bớt gánh nặng, đỡ được ngày nào hay ngày nấy vì dịch Covid-19 còn kéo dài và khó lường.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi xin gạo về làm ATM. Vì Đà Nẵng xảy ra dịch bệnh nhiều lần, khó khăn chồng chất. Người lao động nghèo làm nay ăn mai, không có của ăn của để thì mà đình trệ mọi thứ thì khó lắm, đặc biệt là những người neo đơn, mất việc, người khuyết tật... Quà không nhiều vì chúng tôi muốn ai cũng được chia sẻ một ít. Cứ có thêm thì mình lại chia tiếp”, ông Quang tâm sự.
Cũng theo ông Quang, vì mục đích của Quỹ là chia sẻ với bà con, giúp bà con cầm cự trong những ngày dịch giã... nên sau 25 tấn gạo được phát, Quỹ sẽ tiếp tục đi xin thêm các đơn vị để hoạt động này được duy trì và đến được với người dân cần, đặc biệt là ở các địa phương đang có dịch Covid-19.
“Bên cạnh ATM gạo, chúng tôi cũng đang tiếp tục huy động kinh phí từ nhiều nguồn để có thể làm siêu thị 0 đồng cho người dân nghèo ở Đà Nẵng và những địa phương đang có dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ”, ông Quang nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.