- Này bà Bảy, đám trẻ con nhà cái Bền lại đến nữa kìa! - Bà Sáu bán rau tay vừa phẩy phẩy nước cho đám rau, dưa, hành các loại tươi rói mới bày ra kệ, hếch hếch cái cằm về phía ba đứa trẻ con tay bồng tay bế đang dắt nhau về phía quán tạp hóa.
Con chị ốm nhách, cao ngồng, mặt mày đen nhẻm xốc thằng em ngủ gật gù trên hông, tay kia dắt thêm con bé tầm bốn tuổi đang khóc mếu máo:
- Chị hai, em đói, em muốn ăn bim bim, chị hai mua bim bim cho em đi.
Bà Bảy sửa sửa cái gọng kính lão, mắt nheo nheo vừa đong đường vào bị, miệng lẩm bẩm:
- Tao chưa mở hàng nha tụi bây!
- Dạ con chào bà Bảy, bà Sáu ạ!
Lần này bọn trẻ không ghé quán tạp hóa bà Bảy trước như mọi khi mà đi thẳng sau vào chợ phía hàng thịt, hàng cá. Bà Bảy quắc tay con bé chị lại:
- Bố mẹ mày đã về chưa, sao không để thằng bé ở nhà ngủ mà dắt díu nhau thế kia?
- Dạ bố mẹ cháu gần về rồi bà ạ, sáng cháu kêu con Thìn ở nhà chăm em, cháu đi ra chợ mà nó cứ khóc đòi theo bà ạ.
Đang cau mày nhìn con em tèm lem, túa lụa vì lấy tay quệt nước mắt, con Thìn nghe chị nói vậy thì giãy nảy lên:
- Ứ, em không ở nhà đâu, em đi chợ với chị hai cơ, qua chị hứa mua bim bim cho em rồi cơ mà.
- Thế thằng Dần đâu, sao không ở nhà trông em cho mày đi chợ mà lại đùm túm, dắt díu nhau thế kia?
- Dạ nó đi phụ quán phở từ sáng sớm rồi ạ! Nó mới nhận việc hai hôm nay bà ạ!
- Thôi vào mua thịt đi chứ lát nữa nắng lên, không mũ không nón nắng tụi nhỏ. Lát mua xong ghé tao tao đưa cái này cầm về.
Bà Sáu lúc này nhìn theo ba cái bóng nhỏ xíu, chậc chậc lưỡi:
- Thời buổi nào còn trời sinh voi sinh cỏ, đẻ cho lắm thế kia rồi để bọn nhỏ đói khát, thất học, đến khổ…
- Nó tính làm đủ con giáp bà ạ, khổ, bà không thấy nó đặt tên con chị lớn là cái Tí, thằng Dần, con Thìn, thằng Tị à. Mỗi năm mỗi đứa thế kia có mà ăn cám. Chỉ tội con chị tuổi ăn tuổi lớn mà phải thay mẹ gánh gồng mọi thứ. Tôi là tôi thương cái Tí lắm bà ạ.
Bà Sáu gật gù đồng ý với bà Bảy:
- Nó mới mười bốn tuổi chứ nhiêu, cháu tôi tầm ấy chỉ có ăn học, còn chưa nấu được cho mẹ nó nồi cơm, quét được cái nhà, đi học còn phải chở đi đón về vì sợ theo chúng bạn xấu ăn chơi lêu lổng mà hư đó bà ạ. Thế mà cái Tí…
- Bà Sáu bán cho con một củ cà rốt, một củ khoai lang với một củ khoai tây nha bà! - Bà Sáu chưa nói xong thì cái Tí ở đâu lù lù xuất hiện, tay vẫn ôm chặt thằng nhỏ em còn ngái ngủ. Nó chìa ra tờ mười ngàn đưa cho bà Sáu, tờ mười ngàn cũ kỹ như thể bị ai vò nát, chắc là được nắm kỹ lắm.
- Đây mười lăm ngàn mà bà lấy rẻ đó với mớ rau muống bà cho, đem về mà luộc lấy nước ăn với mắm.
- Cháu cảm ơn bà Sáu ạ!
Bà Bảy thấy cái Tí vội vẫy vẫy tay, ra hiệu chờ bà vì lúc này quán đang có khách. Ba đứa nhỏ hiểu chuyện ngoan ngoãn nép vào một góc chờ bà Bảy.
- Này, qua mày bảo bố mẹ mày sắp về nhưng giờ vẫn chưa thấy, thôi bà đong thêm 2 ký gạo mày về mà nấu cho em ăn. Rồi tao ghi sổ bố mẹ mày về tính sau. Với có ít trái cây, chè cúng rằm hôm qua đem về mà cho em ăn. Nhà tao không có con nít nên không có người ăn - Bà Bảy chêm vào như thể sợ con Tí tự ái không chịu cầm.
- Dạ gạo qua bà Bảy đong cho vẫn còn mà, với bà cứ cho cháu hoài như này cháu ngại lắm ạ - Con bé lí nhí cúi gằm đầu đáp.
- Ui dồi, ngại với ngùng, mày nay cũng văn hoa, vẽ vời lắm nha Tí, bà cho cứ cầm lấy ăn, còn gạo bà ghi sổ không thiếu lần nào, bố mẹ mày đi đợt này nghe đâu trúng mánh, về có tiền trả thôi, đừng lo. Về đi kẻo nắng em.
Nhìn theo bóng bọn nhỏ khuất dần, bà Sáu kéo cái ghế ngồi xuống bên cạnh nhìn bà Bảy, lắc lắc cái đầu.
- Không ai như bà, buôn bán mà cho nợ suốt, cái sớ nhà Bền nợ bà đi vài đợt kinh tế mới chắc cũng không trả nổi. Buôn bán ở quê đã ế ẩm mà bà cho nợ nần kiểu này lấy đâu mà sống hả bà Bảy?
Bà Bảy nhìn bà Sáu cười hiền hòa, tay vẫn cầm cây chổi lông gà quẹt quẹt đám bụi dính vào hàng hóa, bánh kẹo.
- Bà xem tôi ở một mình, có mỗi thằng con thì nó lên thành phố lập nghiệp, sinh sống thì cần gì tiền cho lắm hả bà? Nhìn bọn nhỏ đói tôi không cầm được cái bụng bà ạ, thôi thì tới đâu hay đó. Trả được bao nhiêu thì trả bà ạ, mình cũng chả nghèo thêm được đâu bà.
Bà Bảy ngồi hẳn xuống ghế, lấy trong túi áo chai dầu gió xoa xoa cái chân đau khớp kinh niên, chau mày vì cơn đau nhức hành hạ.
- Đó đến giờ cái chân của tôi nó biểu tình nè bà Sáu, mấy lần thằng con với vợ nó kêu tui về ở với cháu cho vui nhưng tui không cầm lòng rời nơi này bà ạ, còn mồ mả của ông nhà tui, nhang khói cho ổng. Với tui sống ở đây gần cả đời người, giờ nói đi là đi đâu có đặng hả bà? Nhiều khi cô đơn nhớ con nhớ cháu lắm nhưng không nỡ rời xa quê hương…
- Số bà cũng khổ, mà có lẽ đời ai cũng có nỗi khổ tâm hen bà, không khổ này cũng khổ kia không tránh khỏi.
- Khổ mà vui bà ơi, như cái Tí kìa, bà xem nó khổ bao nhiêu, mới bi lớn mà em út nheo nhóc, vừa làm chị vừa làm mẹ mà bà nhìn nó lúc nào cũng vui vẻ, tươi tắn, miệng lúc nào cũng cười rạng rỡ đó bà.
- Bà lúc nào cũng Tí, Tí… - bà Sáu lắc đầu ngao ngán, cũng chả muốn nói gì thêm.
Hai hôm sau, sáng sớm đã thấy chị Bền mẹ của Tí đi chợ, tay xách nào thịt, nào cá, rau củ bánh trái, tạt vào cửa hàng bà Bảy:
- Bà bải ơi bà bải…
Bà Bảy đang ở dưới nhà, nghe tiếng kêu nhưng chân đau di chuyển hơi chậm, từ tốn bước lên.
- Cái Bền về rồi đấy à? - Bà Sáu lúc này nhận ra người quen, sau khi mẹ cái Tí tháo lớp khẩu trang chống nắng, gật đầu chào hỏi bà.
- Bữa giờ làm ăn được không Bền? Không có mày ở nhà bọn trẻ con đến là tội, khổ…
- Dạ ổn bác ạ, cháu cũng vì bọn trẻ nên mới phải đi làm xa ạ, nhưng đi đợt này nữa ổn định cháu về hẳn quê làm ăn bác ạ. Mẹ nào xa con mà chả nhớ hả Sáu, cháu bấm bụng ráng làm cũng vì tương lai bọn nó. Thằng út nhà cháu nhớ mẹ khóc suốt, khổ thân cái Tí.
Lúc này bà Bảy đã lên tới nơi, chân vẫn đau nhức nhưng nhìn thấy bà Bền, Bảy vui phấn khởi ra mặt.
- Mày về rồi đấy à.
Bền nhìn bà Bảy mặt cười bẽn lẽn:
- Chân bà Bảy chưa đỡ đau à, cái Tí nhà cháu kêu cháu đem chai thuốc rượu này sang cho bà bóp thử, thuốc rượu của người dân tộc hay lắm bà ạ, lần nào gọi về nó cũng nhắc có nhiêu đó. Với con bé kêu mẹ làm kiếm tiền trả bà Bảy chứ nợ nhà mình dài như dòng sông rồi - nói đến đây mẹ cái Tí cười ngượng với bà Sáu.
- Cái Tí hiểu chuyện lắm, thảo nào bà Bảy bả thương nó. Không có vợ chồng mày ở đây, thấy chị em nó lăn lóc mà tao xót trong bụng. Mà mày phải biết ơn bà Bảy, không ai tốt, tử tế bằng bả đâu. Nợ nhà mày... - Bà Sáu nói một hơi dài như tàu lửa.
Bà Bảy khua khua cái tay ra hiệu cho bà Sáu bớt nói lại. Như thể sợ Bền ngại vì cứ nhắc tới nợ nần, bà vội chuyển chủ đề:
- Thế đợt này về hẳn không mày, tao là tao thương bọn trẻ không có ba mẹ ở gần, cái Tí nó cũng ra dáng con gái rồi, ở nhà một mình như vậy không ổn đâu. Mày coi tính sao thì tính…
Chị Bền chờm tay nắm lấy đôi tay nhăn nheo của bà Bảy:
- Con nói Bảy mừng cho con, đợt rồi cái rẫy keo trên kinh tế tụi con mua bảy chục triệu á giờ không biết nó làm dự án gì mà mấy người tới hỏi ba nó để lại bốn trăm triệu rồi. Người ta cũng chồng tiền cọc xong rồi ạ. Ba nó đang ở trên đó để đo lại ranh cho người ta ạ. Còn cháu nhớ bọn nhỏ quá về thăm sẵn về trả nợ cho Bảy, mua thêm ít đồ cho bọn nhỏ. Xong đợt này vợ chồng cháu về luôn ạ, chẳng đâu bằng quê hương mình, khổ quá mới phải lưu lạc đi mưu sinh thôi bà ạ.
Nói đến đây chị Bền lại nhìn bà Bảy, mắt ươn ướt lệ:
- Cái Tí nhà cháu được cái ngoan, hiểu chuyện. Nó thương bà Bảy nên nhắc bà Bảy suốt. Lần nào về nó cũng tíu tít kể về bà Bảy. Cháu với ba nó đi làm ăn xa, nhờ hai bà và làng xóm ở gần bảo ban, giúp đỡ bọn trẻ cháu biết ơn lắm.
Chợ giờ cao điểm, tiếng cười nói rộn rã, ánh nắng chiếu xuyên vào quán của bà Bảy, chiếu thẳng vào tấm bảng hiệu cũ kỹ đã bị thời gian làm mờ, lớp sơn cũng đã tróc keo nhưng vẫn đọc được dòng chữ "Tạp hóa bà Bảy". Mọi thứ vẫn vậy, chỉ có lòng bà Bảy là vui khôn xiết cho câu chuyện của mẹ con nhà Bền.
- Đợt này về mày kế hoạch, đừng ra thêm thằng Ngọ, Mùi, Dậu gì nữa nha mày. Cái Tí nó đã khổ lắm rồi đó.
Bà Sáu cười tâm đắc với câu chốt hạ mà bà Bảy không quên chêm thêm vào.
Chị Bền phát phát cái tay.
- Dạ cháu sợ lắm rồi hai bà ạ, đợt này cháu về là tính chuyện cho cái Tí, thằng Dần đi học lại ạ. Tội nghiệp bọn trẻ, thằng Dần đi bán quán thuê cho người ta, nhìn đám bạn đi học cứ khóc với cháu. Cái Tí nữa, nó nhìn bạn bè trang lứa đi học mà mắt nó cứ đượm buồn. Nó biết hoàn cảnh gia đình, hiểu chuyện nên không nói nhưng mình làm cha làm mẹ chả lẽ không nhìn được ước mơ của con trẻ hả bà.
Nghe đến đó đôi mắt già nua của bà Bảy sáng rực, lâu giờ bà cứ tiếc nuối con bé Tí giỏi giang, học giỏi, lanh lợi phải bỏ lỡ ngang, nhưng suy nghĩ mãi chẳng biết cách nào giúp đỡ nó, đến cái ăn cái mặc còn không đủ lấy gì đi học. Rồi không học như nó sau làm gì mà ăn, khéo cũng khổ như ba mẹ nó… Nhưng hôm nay nghe mẹ nó nói vậy, gánh nặng trong lòng bà nhẹ nhõm đi bao nhiêu. Bà thương cái Tí như cháu ruột của mình, nên mỗi lần gặp bà nó đều dành cho bà nụ cười tươi rói nhất. Mà không chỉ cái Tí, cả đám trẻ ở làng quê này đều yêu mến bà, "Tạp hóa bà Bảy" là cả tuổi thơ của con trẻ nơi đây.
Bình luận (0)