Ba chàng Nepal đạp xe khắp thế giới bằng tiền túi ngưỡng mộ người Việt tử tế

21/04/2017 20:28 GMT+7

Sau khi chứng kiến trận động đất vào năm 2015 tại quê hương, 3 chàng trai người Nepal đã lên kế hoạch cho cuộc hành trình đạp xe vòng quanh thế giới với thông điệp “Bảo vệ môi trường và hòa bình thế giới”.

Nepal, quốc gia ở vị trí cao nhất thế giới đã bị tàn phá nặng nề bởi trận động đất vào tháng 4.2015. Chứng kiến sự mất mát của mảnh đất quê hương khi đó, 3 chàng trai người Nepal quyết định “phải làm được điều gì đó trong khả năng của mình”.
Vậy là họ rủ nhau thực hiện hành trình vòng quanh thế giới bằng…xe đạp.
VIDEO: Một trận động đất từng xảy ra ở Nepal
3 chàng trai người Nepal trong cuộc hành trình đạp xe vòng quanh thế giới để tuyên truyền "bảo vệ môi trường và hòa bình thế giới" Ảnh: Lưu Trân
"Chúng ta chỉ là khách trên hành tinh này"
Bộ 3 "cua-rơ" đã đến TP.HCM vào trưa 17.4 và Tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức (298 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3) là địa điểm tham quan đầu tiên của họ.
Anish Dhakal (21 tuổi) là một nhà hoạt động vì môi trường, cho biết: “Ý tưởng về chuyến đi đã xuất hiện trong tâm trí tôi sau khi chứng kiến trận động đất làm gần 9.000 người thiệt mạng và khoảng 22.000 người bị thương nặng ở Nepal cách đây 2 năm”.
Theo Dhakal, chính sự thiếu hiểu biết của mọi người trong việc bảo vệ trái đất đã dẫn đến tình huống xung đột giữa con người và Mẹ thiên nhiên, đỉnh điểm là những đợt thảm họa, thiên tai như sóng thần, động đất…
“Nếu chúng ta tiếp tục làm tổn thương trái đất và phá hủy các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thì sẽ rất sớm thôi, tất cả chúng ta sẽ hoàn toàn biến mất", anh nói. Cuộc hành trình đạp xe vòng quanh thế giới bắt đầu vào ngày 30.12.2016 tại thành phố Mahendra (Nepal). Đồng hành với Anish Dhakal là 2 người bạn thân thiết, anh Dilip Chhetri (22 tuổi) sinh viên ngành kinh doanh và anh Nirmal Baral (39 tuổi), một nhà hoạt động xã hội tại Nepal.
Hành lý mỗi người đem theo vô cùng đơn giản gồm vài bộ quần áo, lều, hộp cứu thương và socola Ảnh: Lưu Trân
Nói về lý do lựa chọn xe đạp leo núi làm phương tiện trong chuyến đi, Chhetri vui vẻ nói: “Xe đạp là phương tiện giao thông thân thiện nhất với môi trường. Chúng tôi không sử dụng nhiên liệu và việc đạp xe cũng đồng thời giúp chúng tôi có thể tập thể dục đều đặn, cơ thể cũng khỏe mạnh hơn rất nhiều”.
Bộ 3 chụp hình lưu niệm tại các địa điểm nổi tiếng của quốc gia mà họ ghé thăm Ảnh: Lưu Trân
Cho đến nay, bộ 3 đã đi qua 7 quốc gia bao gồm: Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam là quốc gia thứ 8 họ đặt chân đến.
"Cuộc sống đã cho chúng tôi biết rằng mình chỉ là khách trên hành tinh này. Chúng tôi cũng nhận ra một điều là cuộc sống sẽ chỉ thật sự ý nghĩa nếu chúng ta có thể làm điều gì đó cho Mẹ thiên nhiên", anh Nirmal Baral chia sẻ.
Ăn socola và sống trong chùa
Các thành viên chụp hình khi vừa đến Tây Ninh Ảnh: NVCC
Bộ 3 không có bất kỳ một nguồn tài trợ nào, toàn bộ chuyến đi đều được lên kế hoạch và họ đang sử dụng chính đồng tiền của mình cùng với sự hào phóng của những người họ gặp trên đường đi..
Để tiết kiệm chi phí, cả nhóm xin ở trong chùa và các đền thờ Ảnh: NVCC
Họ mang theo thức ăn, một bộ sơ cứu và lều. Baral nói: "Chúng tôi muốn thân thiện với môi trường trong suốt hành trình với mong muốn những người tương tác với chúng tôi có thể hiểu được về tầm quan trọng của việc cứu Trái Đất".

Vừa rồi khi đạp xe từ Củ Chi lên trung tâm TP.HCM, khi sắp tới nơi thì nước dự trữ của chúng tôi hết sạch nên cả 3 ghé vào mua nước ngọt tại 1 quầy hàng nhỏ. Vì quên mất chưa kịp đổi sang tiền Việt Nam, chúng tôi đang lúng túng không biết làm thế nào thì bà chủ cười vui vẻ và nói tặng chúng tôi như món quà đón khách phương xa

Dilip Chhetri xúc động kể

Trong suốt chuyến đi, để tiết kiệm chi phí cũng như muốn thân thiện với môi trường một cách tốt nhất, các thành viên hạn chế ăn thịt, tôm, cá…Món ăn chủ yếu của họ chính là socola. Họ không vạch ra sẵn nơi ở tại các quốc gia mà họ tới. “Ban ngày chúng tôi đạp xe, đến tối thì có thể dừng chân và ngủ ở bất cứ nơi nào. Đôi khi chúng tôi ở trong đền thờ và thi thoảng ngủ trong lều mà chúng tôi mang theo”.
Để thông điệp của nhóm được truyền bá rộng rãi, các thành viên đã chủ động liên hệ với các báo đài địa phương.  "Nếu câu chuyện của chúng tôi được phổ biến rộng rãi thì nó sẽ thúc đẩy được nhiều người cùng tham gia. Giống như việc 1 người có thể ảnh hưởng đến 10 người khác, 3 người chúng tôi có thể ảnh hưởng đến 30 người khác và cứ thế con số sẽ tăng lên, như một hiệu ứng domino", Chhetri hào hứng phân tích.
Anh cũng nói thêm, mỗi khi đi đến một quốc gia, các thành viên sẽ lựa chọn những địa điểm nổi tiếng để tham quan, chụp hình lưu niệm. Họ cũng đến các trường đại học, cao đẳng và cố gắng nói chuyện với mọi người, giới thiệu về bản thân và mục đích chuyến đi của họ cho mọi người biết.
"Mọi người chưa ý thức được vấn đề môi trường và hòa bình thế giới. Chúng ta hãy thử xác định tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường bằng cách nói về vấn đề quá tải dân số, nạn phá rừng, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí và sự nóng lên toàn cầu", Baral nói.
3 lon nước miễn phí và câu chuyện về sự tử tế của người Việt 
Mặc dù cuộc hành trình trên chiếc xe đạp vô cùng vất vả, nhưng bản thân những chàng trai kia dường như đã tận hưởng mọi khoảnh khắc của nhiệm vụ tương tác với những con người, những nền tảng văn hóa và dân tộc khác nhau.
Nirmal Baral (39 tuổi) là thành viên duy nhất đã lập gia đình, dù có vợ và 2 con nhưng anh cho biết gia đình vẫn hết sức ủng hộ mình trong chuyến đi này Ảnh: Lưu Trân
"Chúng tôi đã rất ấn tượng với cách cư xử của những con người mà chúng tôi được may mắn gặp gỡ. Ở những vùng xa xôi hẻo lánh, mọi người có chút nghi ngờ về hành lý mà chúng tôi mang theo. Tuy nhiên, khi biết về mục đích chuyến đi, mọi người đều tỏ vẻ hài lòng và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều”, Dhakal chia sẻ.
Dilip Chhetri (22 tuổi) là sinh viên ngành kinh doanh và cũng là một nhà hoạt động xã hội tại Nepal Ảnh: Lưu Trân
"TP.HCM vẫn là một hệ sinh thái với nhiều cây xanh ở những con đường lớn. Đường phố ở đây cũng sạch sẽ, chỉ duy nhất việc xe cộ quá đông đúc vào buổi chiều thực sự khiến tôi rất ám ảnh”, Chhetri nói.
Bộ 3 đến giao lưu tại các trường học... Ảnh: NVCC
Chia sẻ về những vấn đề gặp phải trên đường đi và những kỷ niệm khiến bộ 3 ấn tượng nhất, các thành viên cho biết tại Ấn Độ, Dhakal đã gặp tai nạn xe buýt nhưng may mắn anh chỉ bị thương nhẹ. Họ cũng nói thêm, có lẽ kỷ niệm vui nhất và khiến bộ 3 cảm động nhất chính là tại Việt Nam.
3 chàng trai giới thiệu với học sinh, sinh viên về bản thân và mục đích chuyến đi  Ảnh: NVCC
“Vừa rồi khi đạp xe từ Củ Chi lên trung tâm TP.HCM, khi sắp tới nơi thì nước dự trữ của chúng tôi hết sạch nên cả 3 ghé vào mua nước ngọt tại 1 quầy hàng nhỏ. Vì chưa kịp đổi tiền Việt Nam, chúng tôi đang lúng túng không biết làm thế nào thì bà chủ cười vui vẻ và nói tặng chúng tôi như món quà đón khách phương xa”, Chhetri xúc động kể.
Nhóm 3 người đang đạp xe trên đường phố Việt Nam Ảnh: Lưu Trân
Dhakal cho biết, nhóm sẽ lưu lại TP.HCM trong khoảng 4 đến 5 ngày, sau đó sẽ lên đường sang Singapore. Theo lời anh, tại TP.HCM họ đã gặp rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, những người thực sự quan tâm đến câu chuyện về chuyến đi của họ.
Các chàng trai trẻ vô cùng hào hứng và thích thú khi được thưởng thức các món ăn vặt của giới trẻ Sài Gòn Ảnh: Lưu Trân
“Điều đó đã giúp chúng tôi truyền bá thông điệp của nhóm về bảo vệ môi trường và hòa bình thế giới. Thông qua trao đổi, những cuộc phỏng vấn báo chí và giao lưu với người dân, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và tình yêu trên trái đất này”, Dhakal khẳng định.
Các thành viên cũng nói rằng cuộc hành trình có thể sẽ kéo dài trong khoảng 5 năm. Và khi chuyến đi kết thúc, họ hy vọng sẽ viết ra một cuốn sách chia sẻ trải nghiệm của chính bản thân để gửi đến mọi người. "Chúng tôi không tuyên bố rằng mình có thể thay đổi cả thế giới nhưng chúng tôi tin rằng hành trình của chúng tôi sẽ truyền bá thông điệp đến những người chúng tôi gặp về tầm quan trọng của việc bảo vệ hành tinh của tất cả chúng ta", Anish Dhakal nhấn mạnh.
Hình ảnh chụp tại các địa điểm mà bộ ba đã ghé thăm trước khi đến Việt Nam Ảnh: NVCC
Anish Dhakal (21 tuổi) là một nhà hoạt động bảo vệ môi trường tại Nepal, anh cũng là người đưa ra ý tưởng và làm trưởng nhóm trong hành trình vòng quanh thế giới Ảnh: NVCC
Trong suốt chuyến đi họ đều đem theo cờ Phật giáo và cờ của quê hương Nepal Ảnh: NVCC

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.