Bà Clinton kêu gọi Mỹ chia sẻ vắc xin Covid-19 cho nước nghèo, không để Nga, Trung Quốc giành ảnh hưởng

25/03/2021 10:04 GMT+7

Trong một cuộc phỏng vấn, cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden cung cấp vắc xin Covid- 19 cho các nước kém phát triển khi Trung Quốc và Nga đang ra sức dẫn đầu trong chính sách "ngoại giao vắc xin".

Cựu ứng viên tổng thống Hillary Clinton mới đây đã than phiền với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng ông đã để Nga và Trung Quốc đi đầu trong chính sách “ngoại giao vắc xin” khi hai nước này nhanh chóng gửi vắc xin đến những quốc gia kém phát triển.
“Đây là kiểu lãnh đạo mà Mỹ đã từng được biết đến trong quá khứ, nói thẳng là, chúng ta nên phát huy và thực hiện nó nhiều hơn,” bà Clinton nhấn mạnh hôm 22.3.
“Và điều làm tôi vừa cảm thấy mưu mô, vừa cảm thấy buồn một chút, chính là cách mà cả hai nước Trung Quốc và Nga đang ra sức đẩy mạnh vắc xin của họ,” cựu ngoại trưởng Mỹ chia sẻ.
Bà Clinton lưu ý rằng Nga và Trung Quốc đang sử dụng chính sách “ngoại giao vắc xin”, nghĩa là xây dựng thiện chí với các quốc gia kém phát triển bằng việc giúp đỡ họ tiêm chủng cho người dân phòng ngừa dịch bệnh. “Họ đang đến những nước đó và nói rằng, ‘Chúng tôi sẽ chăm sóc bạn”, bà nói. “Và điều đó khiến Mỹ tụt lại phía sau.”

Bà Clinton than phiền với ông Biden về việc ông đã để Nga và Trung Quốc dẫn đầu trong chính sách "ngoại giao vắc xin".

Chụp màn hình ABC News

Cựu ngoại trưởng Mỹ thừa nhận rằng chính quyền ông Biden buộc phải cân bằng giữa mối lo ngại ngoại giao vắc xin và đảm bảo đủ vắc xin để tiêm chủng cho người dân Mỹ.
“Chúng ta dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt” bà Clinton nói. “Tôi nghĩ khi phần lớn các nước trên thế giới vẫn chưa tiêm chủng vắc xin, đây vẫn như một môi trường thuận lợi để các biến chủng mới phát triển. Nước Mỹ đang tiến triển tốt về tiêm vắc xin. Nhưng đồng thời, hãy làm mọi thứ để cố gắng hỗ trợ vắc xin cho những nơi còn lại trên thế giới nếu chúng ta có thể.”
Hiện tại, Nga đã ký kết thỏa thuận cung cấp vắc xin Covid- 19 Sputnik V cho hơn 40 quốc gia khi những nước kém phát triển gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vắc xin sản xuất từ phương Tây. Sau những hoài nghi từ phía quốc tế bởi việc sản xuất và cấp phép quá nhanh chóng, nhu cầu sở hữu vắc xin Sputnik V tăng nhanh sau khi được tạp chí y khoa Anh The Lancet công nhận an toàn và có hiệu quả kháng virus cao.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.