Cần nói ngay, đã suốt một thời gian dài, bà Nguyễn Phương Hằng đã "châm ngòi" cho những cuộc "khẩu chiến" gay gắt trên mạng giữa "nữ đại gia" này với: các nghệ sĩ của showbiz Việt, một số nhà báo, các YouTuber, và cả những người mà bà Hằng cảm thấy "chướng tai gai mắt".
Bà Nguyễn Phương Hằng đã bị bắt |
Trong những cuộc sừng cồ 'nổ' ra, dân mạng, nhất là giới trẻ đã 'theo sát' diễn biến những đôi co giữa hai bên. Để rồi giờ đây, khi bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam, nhiều người 'té ngửa' khi thấy... 'có bóng dáng mình'.
Tập trung trước cổng biệt thự khi nghe tin Nguyễn Phương Hằng bị bắt |
Từng xúc phạm và từng bị xúc phạm
Theo tìm hiểu của người viết, hiện nay có một bộ phận dân mạng thể hiện những lời 'kém duyên', khó nghe, dẫn tới việc bình phẩm xúc phạm người khác trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Đáng chú ý, những lời xúc phạm này không có, hoặc thiếu căn cứ.
Nhiều lý do dẫn đến câu chuyện này như Nguyễn Hữu Tình, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thú thật từng đốp chát với những người lạ vì cảm thấy đối phương nói không đúng về thần tượng (ca sĩ, diễn viên) của mình nên tìm cách 'bảo vệ' bằng... những bình luận 'không hay'.
Trần anh Tuấn, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cho biết từng chứng kiến nhiều người nổi tiếng trong giới showbiz 'có vẻ lươn lẹo', không thừa nhận sai với những hành động không chuẩn, nên không ngần ngại để lại những bình luận 'hơi quá', nội dung chủ yếu để công kích người nổi tiếng ấy.
Mạng xã hội là nơi xuất hiện nhiều vụ xúc phạm, vu khống người khác |
shutterstock |
Bên cạnh đó, có những người thừa nhận việc đã từng hơn một lần tham gia 'hùa' với nhau để 'ném đá hội đồng' một người mà họ cho là 'thấy không ưa'. "Ngẫm lại, thấy có những nội dung từng chửi họ là không đúng, mang tính xúc phạm họ", Hà Thu Hằng, sinh viên Trường ĐH Văn Hiến, kể lại.
Ngoài ra, có trường hợp lập những hội, nhóm kín chỉ để nói xấu người khác...
Ngược lại, cũng nhiều người trẻ cho biết họ từng rơi vào tình cảnh bị vu khống, bị xúc phạm một cách vô cớ. Nguyễn Thị Minh Nguyệt (28 tuổi, nhân viên cửa hàng Viettel H.Đức Hòa, Long An) kể từng bị những người lạ ẩn danh bằng những 'nick ảo' nói xấu, đặt điều, thiêu dệt, vu khống về cuộc sống cá nhân khiến bản thân cảm thấy bị xúc phạm nặng nề.
Người thông minh là người biết điểm dừng
Dưới góc độ tâm lý, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Trường ĐH Văn Lang, cho rằng trong mỗi người ai cũng có một 'cái tôi' bên trong và khi 'cái tôi' ấy bị xúc phạm, đe dọa thì thường sẽ phản ứng lại bằng nhiều cách: có thể lờ đi trong im lặng, có thể cãi lại, có thể tìm một cách nào đó để hạ bệ làm giảm uy tín 'cái tôi' của người khác… Tuy nhiên, những cách này không thể giải quyết được mâu thuẫn, thậm chí nó sẽ làm cho tình hình càng trở nên căng thẳng.
"Vì lẽ đó, khi bị vu khống đặt điều, nên xem xét cẩn thận lại những điều người khác nói liệu có đúng hay không, có sự hiểu lầm nào đó diễn ra không. Nếu đó chỉ là sự hiểu lầm bạn nên bình tĩnh trao đổi lại với người đã đưa ra những nhận định không đúng về mình. Đồng thời cũng nên rút kinh nghiệm trong lúc phát ngôn, hành động để tránh gây hiểu lầm dẫn đến những tình huống không mong muốn. Còn trong trường hợp những nội dung bị phát tán hoàn toàn bịa đặt làm ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình thì nên thu thập đầy đủ bằng chứng nhờ pháp luật và cơ quan chức năng can thiệp", bà Lưu chia sẻ.
Cũng theo bà Lưu, hiện nay một bộ phận người trẻ vẫn có những người tranh cãi tay đôi, đấu tố qua lại với những người xúc phạm mình trên mạng xã hội. "Hết sức tránh đôi co, cãi vả nhau, đặc biệt là trên mạng xã hội vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân của mình", bà Lưu nói và giải thích: “Giận quá sẽ mất khôn”, càng tranh cãi thì sẽ càng muốn tranh cãi và khi đó rất dễ có những hành vi, lời nói thiếu chuẩn mực. Mà lời nói đi rồi sẽ không rút lại được nữa. Đặc biệt, phát ngôn trên mạng xã hội thì không những không rút lại được mà nó sẽ lan truyền một cách chóng mặt. Nhiều người không chứng kiến, không nghe đầy đủ câu chuyện, họ chỉ chứng kiến lúc chúng ta phát ngôn những lời này thì sẽ càng có nhiều người nhận định sai về chúng ta. Người thông minh là người biết điểm dừng, biết phân tích thiệt hơn. Đích đến cuối cùng của mỗi cuộc tranh luận là xem ai hơn ai vì vậy dừng lại đúng lúc chính là chúng ta đã chiến thắng".
Người dân TP.HCM kéo đến nhà bà Nguyễn Phương Hằng livestream |
Nên kiện để đẩy lùi cái xấu ra khỏi mạng xã hội
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hữu Lộc (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết hiện nay tình trạng nhiều người lên mạng xã hội để vu khống, xúc phạm đến người khác diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt là việc lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, lập group chat để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, sử dụng ngôn ngữ phản cảm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác...
"Thế nên tôi cho rằng, khi bị xúc phạm, vu khống, cần chuẩn bị hồ sơ, thu thập chứng cứ để kiện người xúc phạm ra tòa án. Đó là cách hành xử vừa đúng pháp luật, vừa bảo vệ danh dự, uy tín của bản thân, lại vừa văn minh và góp phần đẩy lùi cái xấu ra khỏi mạng xã hội, giúp cho cuộc sống công bằng hơn", ông Lộc nói.
Ông Lộc cũng cho biết, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có thể bị xử phạt hành chính, có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Cũng có thể bị phạt theo Điều 155, tội làm nhục người khác với mức phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Còn theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì phạm tội vu khống sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm...
Bình luận (0)