Ông Vivek Nangia, Trưởng khoa Phổi tại Bệnh viện Max Super Speciality (Ấn Độ), cho biết: "Cải thiện dung tích phổi giúp tăng sức bền, khả năng chịu đựng, chức năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bệnh mạn tính".
Dưới đây là một số mẹo để tăng cường sức khỏe phổi và tăng dung tích phổi, theo trang sức khỏe Onlymyhealth (Ấn Độ).
Tập thể dục thường xuyên
Các bài tập thể dục đi bộ, chạy, bơi lội hoặc đạp xe giúp tăng cường hiệu quả hoạt động của phổi và cải thiện lượng oxy hấp thụ.
Tập hít thở
Hít thở là hành động vô thức, nhưng cũng là chìa khóa cho sức khỏe phổi. Áp dụng các bài tập thở đơn giản như thở bằng cơ hoành giúp tăng cường chức năng phổi và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Luyện tập ngắt quãng (HIIT)
Luyện tập ngắt quãng là phương pháp tập luyện thể dục thể thao xen kẽ giữa các giai đoạn tập luyện cường độ cao và cường độ thấp. Phương pháp này có thể cải thiện dung tích phổi bằng cách thúc đẩy phổi hoạt động hiệu quả hơn trong những khoảng thời gian ngắn với cường độ cao.
Thay đổi tư thế
Giữ tư thế đúng giúp phổi nở hoàn toàn. Ngồi gù lưng hoặc đứng khom lưng có thể chèn ép phổi và giảm dung tích phổi.
Uống đủ nước
Uống nhiều nước giúp lớp niêm mạc trong phổi mỏng hơn, hỗ trợ phổi hoạt động hiệu quả hơn.
Hạn chế tiếp xúc khói thuốc và không khí ô nhiễm
Hút thuốc, tiếp xúc khói thuốc và không khí ô nhiễm có thể gây tổn thương mô phổi và giảm dung tích phổi.
Tuân thủ chế độ ăn lành mạnh
Duy trì chế độ ăn cân bằng, giàu chất chống oxy hóa như trái cây và rau củ để hỗ trợ sức khỏe phổi.
Kiểm soát cân nặng
Việc giữ trọng lượng cơ thể ở mức khỏe mạnh giúp giảm áp lực lên hệ hô hấp và cải thiện chức năng phổi.
Hát hoặc chơi nhạc cụ
Bằng cách hít thở sâu, có kiểm soát, các hoạt động như hát hoặc chơi các nhạc cụ hơi có thể rèn luyện và cải thiện dung tích phổi.
Sử dụng máy đo hô hấp
Máy đo hô hấp là thiết bị đo dung tích phổi, giúp bạn theo dõi tiến trình và cải thiện chức năng phổi.
Bình luận (0)