Bác sĩ giả, dỏm!

Thanh Tùng
Thanh Tùng
22/06/2020 04:31 GMT+7

Trước thực trạng bác sĩ giả, bác sĩ thật nhưng chuyên môn giả, dỏm, đòi hỏi cơ quan quản lý y tế phải cương quyết, quyết liệt trong kiểm tra chấn chỉnh, triệt xóa.

Vụ nữ bác sĩ dùng bằng tốt nghiệp đại học y khoa giả vào làm việc ở Sở Y tế Bà Rịa-Vũng Tàu, để từ "cái mác" này đi học được cấp bằng chuyên khoa cấp 1 về chẩn đoán hình ảnh, chứng chỉ đọc kết quả chụp CT Scanner, rồi làm việc ở nhiều phòng khám, cơ sở y tế khác... mà Báo Thanh Niên vừa phản ánh, cho thấy vấn đề hết sức nghiêm trọng.
Việc bác sĩ giả này tham gia khám chữa bệnh, quyết định tính mạng, sức khỏe của người bệnh chỉ dừng lại khi mới đây Sở Y tế Đồng Nai phát hiện. Trước đó, tại Đồng Nai cũng phát hiện một bác sĩ dùng bằng đại học y khoa giả để vào làm việc ở khoa cấp cứu của bệnh viện đa khoa tỉnh! Nếu không phát hiện, nguy cơ những bác sĩ giả đó sẽ "giết" bao nhiêu bệnh nhân?
Cũng mới đây, tại Đắk Lắk phát hiện một số bác sĩ “chạy” chứng chỉ hành nghề y giá hàng trăm triệu đồng. Đây là những bác sĩ thật nhưng chuyên môn thì giả, dỏm! Nghĩa là, họ chạy tiền mấy trăm triệu đồng/người để được Bệnh viện đa khoa vùng Tây nguyên xác nhận họ có thực hành chuyên môn (chấn thương chỉnh hình) tại bệnh viện này, từ đó họ "chuyển hướng" xin cấp phép hành nghề phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - một lĩnh vực được xem là "hái ra tiền" trong những năm qua.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, có 4 bác sĩ không đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định, trong đó 1 bác sĩ chỉ có thời gian thực hành 1 tháng tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây nguyên, 3 bác sĩ không có thời gian thực hành (trong khi quy định thời gian thực hành là 18 tháng!).
Từ lâu, trong giới y khoa râm ran chuyện ngày càng có nhiều bác sĩ "muốn làm giàu nhanh" đã chạy về một số bệnh viện, cơ sở y tế "dễ dãi" nhằm được chứng nhận có thời gian thực hành về chấn thương chỉnh hình, tai mũi họng... để từ đó họ xin cấp phép làm phẫu thuật thẩm mỹ, hoặc mở cơ sở giải phẫu thẩm mỹ.
Những bác sĩ thật nhưng với suy nghĩ, hành động như thế cũng nguy hiểm không kém cho người bệnh, bởi họ sẽ dùng mọi cách, mánh khóe để moi tiền người bệnh hoặc làm vượt quá chuyên môn chỉ để có nhiều tiền! Và thực tế đã có những trường hợp bị biến chứng, tử vong.
Chưa hết, tại các phòng khám có yếu tố Trung Quốc, có người Trung Quốc hành nghề, cơ quan chức năng cũng từng nhiều lần phát hiện những người Trung Quốc không có bằng cấp chuyên môn hành nghề "chui" tháo chạy khi bị kiểm tra, hoặc làm quá chuyên môn cho phép...
Trước thực trạng bác sĩ giả, bác sĩ thật nhưng chuyên môn giả, dỏm, đòi hỏi cơ quan quản lý y tế phải cương quyết, quyết liệt trong kiểm tra chấn chỉnh, triệt xóa. Nếu để việc này tồn tại sẽ có nhiều người bệnh chết dưới bàn tay của họ. Bên cạnh đó, các bệnh viện, cơ sở y tế khi tuyển bác sĩ cần kiểm tra kỹ bằng cấp. Thời buổi công nghệ 4.0 thì việc kiểm tra từ nơi cấp không có gì là khó cả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.