Bác sĩ trẻ 66 lần trao đi giọt máu đào

20/06/2024 09:00 GMT+7

27 tuổi, bác sĩ Lê Bá Huỳnh Đức (công tác tại Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã tham gia hiến máu 66 lần để cứu chữa người bệnh.

Với nghĩa cử ấy, bác sĩ Đức vinh dự được nhận giải thưởng Thanh niên sống đẹp 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng.

Bác sĩ trẻ 66 lần trao đi giọt máu đào- Ảnh 1.

Bác sĩ trẻ Lê Bá Huỳnh Đức đã hiến máu và tiểu cầu 66 lần

NVCC

Hiến máu như một thói quen

Chàng trai trẻ Lê Bá Huỳnh Đức sinh ra tại xã Pơng Drang, huyện Krông Búk, Đắk Lắk. Từ bé đã có ước mơ trở thành bác sĩ nên Đức rất hiểu về ý nghĩa của hiến máu cứu người. Sau lần hiến máu đầu tiên, sức khỏe Đức ổn định, Đức bắt đầu "nghiện" hiến máu.

Tốt nghiệp THPT, Đức trúng tuyển vào Trường ĐH Y Dược Huế. Vốn đam mê hiến máu nên Đức tham gia ngay vào CLB Máu sống của trường, đặc biệt được bầu làm chủ nhiệm CLB Máu Thalassemia (tan máu bẩm sinh) với hơn 30 thành viên. CLB phụ trách điều phối máu, tiểu cầu chữa trị các bệnh nhi bị bệnh tan máu bẩm sinh, đồng thời Đức kiêm trưởng điều phối máu của CLB Tình nguyện Blouse Xanh trực thuộc Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên nhà trường. Và như một thói quen, cứ khi đủ điều kiện, Đức lại tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu để số lần hiến máu của Đức cứ tăng dần đều theo thời gian.

Bác sĩ trẻ 66 lần trao đi giọt máu đào- Ảnh 2.

Đức (thứ 2 từ phải sang) thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện

NVCC

Đức cho biết, khoảng thời gian đầu năm 2020, khi cả nước đang tổ chức phòng chống dịch Covid-19, Đức đang là sinh viên năm thứ 5 của Trường ĐH Y Dược Huế. Đợt đó, bệnh viện đang rất khan hiếm máu để điều trị nên Đức và một số bạn đã lập một nhóm, cứ 2 tuần lại lên bệnh viện hiến máu. Nhóm vừa đi học vừa tham gia chống dịch và công tác hiến máu. Đến khi tổng kết sau một năm, Đức rất bất ngờ khi biết mình đã hiến máu và tiểu cầu được 20 lần, vì trong lúc dịch bệnh căng thẳng, ai cũng chỉ nghĩ làm sao cung cấp máu nhanh và tốt nhất giúp điều trị bệnh nhân.

Là sinh viên y khoa, Đức biết cách chăm sóc sức khỏe để mỗi tháng hiến máu hoặc tiểu cầu một lần và vận động người thân trong gia đình, bạn bè hưởng ứng phong trào hiến máu nhân đạo.

Hễ căng thẳng thì đi… hiến máu

Sau khi tốt nghiệp, Đức về công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột. Bác sĩ Đức còn tham gia hiến máu tích cực hơn cho dù công việc chuyên môn đã chiếm gần hết thời gian trong ngày của anh. Đặc biệt, mỗi khi cảm thấy áp lực, căng thẳng, bác sĩ Đức chọn cách "giải tỏa" bằng việc đi hiến máu.

"Sau mỗi lần hiến máu tôi lại cảm thấy vui vẻ, sảng khoái và yêu đời hơn rất nhiều. Thấy máu được mang đi chữa trị bệnh nhân, tôi lại càng cảm thấy hạnh phúc, ấm lòng. Tôi nguyện sẽ hiến máu đến hết đời, còn thở là còn hiến máu hoặc đến khi nào bệnh viện không cho hiến nữa.", bác sĩ Đức vui vẻ nói.

Trong số 66 lần hiến máu, không ít lần Đức hiến máu đột xuất, đó là những cuộc gọi trong đêm khuya của các bác sĩ trực cấp cứu. Trường hợp Đức nhớ nhất vào tháng 4.2022, của bệnh nhân L.Đ.X ở huyện Cư Kuin, Đắk Lắk - bị nhiễm trùng máu và cần gấp tiểu cầu. Đây là lần đầu tiên người nhà bệnh nhân chủ động liên hệ với Đức vì biết Đức là "ngân hàng máu sống" ở Đắk Lắk. Trong đêm khuya, Đức đến ngay đến bệnh viện hiến máu và khi về nhà cũng đã 3 giờ sáng.

Bác sĩ trẻ 66 lần trao đi giọt máu đào- Ảnh 3.

Bác sĩ Đức (thứ 4 từ trái sang) nhận giải thưởng Thanh niên sống đẹp 2023

NVCC

Ngoài ra, lần hiến máu vào tháng 6.2022 cũng để lại cho Đức nhiều "thương nhớ". Đức kể, khi đó vào khoảng 22 giờ, anh đang chuẩn bị đi ngủ thì bệnh viện gọi điện báo cần máu gấp cho một bệnh nhân bị tai nạn. Anh liền lấy xe đi luôn, không để bệnh nhân phải chờ lâu. Nhưng do sơ suất không để ý nên xe hết xăng giữa đường, anh phải dắt bộ. Đúng lúc đó có mấy anh cảnh sát giao thông đi tới và kiểm tra giấy tờ tùy thân. Kiểm tra xong, Đức đánh liều nhờ anh cảnh sát chở đến bệnh viện để hiến máu chứ nếu dắt bộ sẽ rất lâu. Anh cảnh sát giao thông đã rất nhiệt tình chở Đức đi. "Lúc đó, tôi cảm thấy tình người trong cuộc sống này thật ấm áp…", anh chia sẻ.

Không chỉ tích cực hiến máu, bác sĩ Đức còn có quãng thời gian dài làm Phó ban điều phối máu của CLB Hiến máu khu vực Tây nguyên. Do đang theo học thạc sĩ nên Đức đã bàn giao lại công việc tại CLB. Đức cho biết, CLB có quy định về việc tình nguyện viên không liên hệ trực tiếp với người nhà bệnh nhân để tránh tình trạng quà cáp, tiền bạc cảm ơn. "Chúng tôi cho đi giọt máu chỉ mong muốn giúp đỡ bệnh nhân, nụ cười khỏi bệnh của bệnh nhân chính là món quà ý nghĩa nhất với chúng tôi", Đức nói.

Anh Hoàng Công Minh, Chủ nhiệm CLB Hiến máu khu vực Tây nguyên, chia sẻ: "Mặc dù bộn bề với công việc nhưng bác sĩ Đức rất năng nổ hiến máu, hiến tiểu cầu và thường xuyên nhận được những cuộc gọi hỗ trợ máu về ban đêm, kể cả những hôm mưa gió, đường sá xa xôi... Có hôm hiến xong đến tận sáng Đức chỉ kịp về thay đồ rồi lại đến ngay bệnh viện làm việc".

Ngoài việc cho đi giọt máu đào, bác sĩ Đức còn tham gia các chương trình tình nguyện tại địa phương như dự án "Tủ sữa mẹ nhân ái" - kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ sữa cho các em bé sinh non; các dự án "Sân chơi cho em", "Vui tết Trung thu", "Cặp sách đến trường"… do Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức.

Anh Y Lê Pas Tơr, Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Nhận thấy tầm quan trọng của công tác hiến máu nhân đạo để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân, bác sĩ Huỳnh Đức đã tham gia và vận động hiến máu rất tích cực trong nhiều năm qua. Đồng thời, bác sĩ Huỳnh Đức còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện của trường, của bệnh viện cũng như của hội và được đánh giá cao".

Bác sĩ trẻ 66 lần trao đi giọt máu đào- Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.