Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Israel, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, gia tăng trong thời gian gần đây làm dấy lên lo ngại rằng chống Covid-19 là cuộc chiến không hồi kết. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cách Israel chống dịch có thể đem lại bài học và hy vọng về việc sống chung với Covid-19, theo Nikkei Asia.
Ngày 2.9, Israel báo cáo thêm 11.187 ca mắc Covid-19, mức cao nhất từ đầu dịch. Dù con số này cao do Israel tăng cường xét nghiệm, người dân Israel vẫn hoang mang vì nước này đã tiêm xong 2 mũi Pfizer cho hơn 60% dân số. Và tuy hơn 6.000 người trong số những ca dương tính ghi nhận ngày 2.9 chưa tiêm vắc xin, hơn 4.000 người Israel chủng ngừa đủ 2 mũi vẫn mắc Covid-19.
Tình hình dịch bệnh tại Israel đang được các quốc gia châu Á như Singapore theo dõi sát sao. Cuối tháng 8, Singapore thông báo nước này đã tiêm xong 2 mũi cho 80% dân số. Tuy vậy, số ca bệnh ở Singapore đang tăng nhẹ. Nước này đã vạch ra chiến lược sống chung với virus.
Vắc xin giúp Israel mở cửa
Israel cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới khuyến nghị tiêm mũi thứ ba cho mọi người dân từ 12 tuổi trở lên để đối phó với biến thể Delta. Tính đến ngày 3.9, Israel đã tiêm liều vắc xin thứ ba cho 2,48 triệu người. Đất nước này cũng có thể sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm mũi vắc xin Covid-19 thứ tư cho người dân.
Đánh giá về tình hình tại nước này, giáo sư Eyal Leshem của Trung tâm Y tế Sheba (Israel) chỉ ra mặt tích cực của chiến dịch tiêm vắc xin.
“Đây là nền tảng cho việc đưa cuộc sống quay lại bình thường. Các hoạt động thương mại vẫn tiếp diễn. Biện pháp hạn chế lớn duy nhất là yêu cầu đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín”, Nikkei Asia dẫn lời ông Leshem cho biết.
Dù không phong tỏa, số ca mắc Covid-19 nghiêm trọng ở Israel vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức 1.100 trường hợp hồi tháng 1. Dữ liệu mới nhất của Bộ Y tế Israel cho thấy vào ngày 29.8, số ca bệnh nặng là 752. Đến ngày 2.9, con số này giảm xuống còn 673. Israel cũng đang chỉ ghi nhận 20-30 ca tử vong mỗi ngày, chưa bằng một nửa của đợt dịch trước.
“Chúng ta đã thấy hiệu quả bảo vệ tuyệt vời của hai mũi vắc xin”, ông Leshem nhấn mạnh. “Với những người trên 60 tuổi chưa tiêm vắc xin, tỷ lệ bệnh nặng là 300 ca trên mỗi 100.000 người. Với những người tiêm đủ hai mũi, tỷ lệ này chỉ còn 19 ca trên 100.000 người”, ông Leshem cho biết.
Giáo sư Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi trùng học và Bệnh truyền nhiễm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore, có nhận định tương tự. Ông cho rằng bài học từ Israel cho thấy việc chung sống với Covid-19 có thể là lựa chọn duy nhất.
“Dù số ca mắc Covid-19 mới tại Israel cao, số trường hợp bệnh nặng và tử vong thấp hơn nhiều so với các đợt dịch trước khi Israel triển khai chương trình tiêm chủng”, Nikkei Asia dẫn lời giáo sư Tambyah cho biết. Theo ông, xu hướng này cho thấy “chúng ta có thể phải chấp nhận để số ca nhiễm gia tăng, miễn là số ca bệnh nặng và tử vong không tăng theo”.
Bài học chống dịch
Chỉ tiêm đủ hai mũi vắc xin đã đạt được những kết quả khả quan, vậy vì sao Israel phải cho tiêm mũi thứ ba?
Các nghiên cứu Israel thực hiện cho thấy miễn dịch do vắc xin mang lại giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, vấn đề có nên tiêm mũi thứ 3 để tăng kháng thể hay không đã gây ra nhiều tranh cãi, cả về mặt khoa học và đạo đức.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo việc tiêm nhắc lại có thể ảnh hưởng đến nguồn cung vắc xin của các nước nghèo. Giáo sư Tambyah tại Singapore cũng nhận định “không có bằng chứng rõ ràng cho thấy việc tiêm mũi thứ ba là cần thiết”.
Tuy nhiên, nếu các kết quả nghiên cứu cho thấy việc tiêm mũi thứ 3 là cần thiết, thế giới sẽ phải đối mặt với vấn đề mới. Liệu chúng ta có cần tiêm liều thứ tư hay nhiều hơn nữa không?
Theo ông Leshem, điều này rất "khó dự đoán". Song, chuyên gia này nói thêm rằng sau một thời gian, bệnh truyền nhiễm thường hướng đến trạng thái cân bằng mới. “Chúng ta có thể đạt đến giai đoạn mà virus lây lan trong cộng đồng nhưng chỉ gây ra bệnh nhẹ vì phần lớn chúng ta đã tiêm vắc xin, hoặc mắc bệnh trước đó, hoặc cả hai”, ông Leshem nhận định.
Dù bằng cách nào đi nữa, cả hai chuyên gia Leshem và Tambyah dự báo rằng trong tương lai, các quốc gia phải tìm ra cách khống chế dịch mà không làm ảnh hưởng đến kinh tế.
"Tình hình dịch bệnh ở Israel cho chúng ta thấy được rằng khi biến thể Delta lây lan, số ca mắc Covid-19 vẫn sẽ tăng, dù tỷ lệ tiêm chủng cao”, ông Leshem nói.
Trong trường hợp đó, một chiến lược có sự kết hợp giữa việc tiêm vắc xin, các biện pháp tăng cường hệ miễn dịch, thông tin đáng tin cậy từ chính phủ và trách nhiệm của mỗi cá nhân sẽ giúp quốc gia có thể sống chung với Covid-19.
Chuyên gia Tambyah cũng chỉ ra rằng rất khó để đưa số ca mắc Covid-19 mới về mức 0. Vào tháng 6, đội chống Covid-19 của chính phủ Singapore mở đường cho cách tiếp cận này qua một bài bình luận trên tờ The Straits Times với tựa đề “Sống bình thường với Covid-19”. Bài viết nhiều lần nhắc đến Israel.
“Chúng ta nên tập trung vào việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương, giám sát các ổ dịch, tăng cường tiêm chủng, đảm bảo hoạt động của hệ thống y tế và duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội của người dân”, ông Tambyah nói thêm. Và một điều quan trọng nữa là các quốc gia không được chủ quan dù đã phủ vắc xin.
Bình luận (0)