Cốt lõi ở con người
Ký sinh trùng đã trở thành bộ phim không nói tiếng Anh đầu tiên đoạt giải Phim truyện xuất sắc tại Oscar. Bên cạnh đó, bộ phim đã giành 3 tượng vàng khác ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc, Phim quốc tế xuất sắc và Kịch bản gốc xuất sắc. Trường hợp của Ký sinh trùng, theo PGS-TS Vũ Ngọc Thanh (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh, TP.HCM), có thể coi là ví dụ cho thấy “thành công của điện ảnh Hàn Quốc có được qua hành trình phát triển của nhiều thế hệ, ngành nghề điện ảnh như biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, họa sĩ thiết kế, lý luận phê bình, nhạc sĩ, nhà sản xuất…”. Điện ảnh Hàn Quốc đã có sự phát triển thần kỳ từ nguồn nhân lực, cùng với việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển.
Bộ phim Ký sinh trùng tạo nên dấu ấn lịch sử cho điện ảnh Hàn Quốc |
TL |
Năm 1999 được coi là dấu mốc có tính chất bước ngoặt với sự phát triển của điện ảnh xứ sở kim chi. Theo ông Park Sungho, giám tuyển phim của Liên hoan phim (LHP) quốc tế Busan, đó là thời điểm mà Hàn Quốc ra điều luật mới, thay vì kiểm soát điện ảnh (văn hóa) thì chuyển sang hỗ trợ, các nhà làm phim hướng đến phục vụ khán giả, tăng sức cạnh tranh của điện ảnh nội địa trước những bộ phim “bom tấn” Hollywood. Tuy nhiên, để làm như vậy, từ trước đó, khoảng đầu những năm 1990, Hàn Quốc đã đưa ra những chính sách phát triển nền điện ảnh, trong đó có việc đưa khoảng hơn 300 tài năng (lứa tuổi 18 - 25) sang Mỹ đào tạo bằng ngân sách. Đội ngũ này khi trở về đã mang đến luồng gió mới mẻ và hấp dẫn cho điện ảnh Hàn Quốc. Cùng với đó, nhiều người trẻ đi du học theo những con đường khác nhau hay làm việc tại những công ty lớn ở châu Âu hay Mỹ và sau đó trở về nước, trở thành đội ngũ nhân lực sáng tạo có trình độ cao cho ngành văn hóa Hàn Quốc.
Theo đạo diễn Phan Đăng Di, những cơ sở đào tạo điện ảnh trong nước hiện nay không đủ sức tạo ra nguồn nhân lực cạnh tranh với thế giới. Bởi vậy, VN có thể học hỏi Hàn Quốc trong việc cử người sang những quốc gia có nền điện ảnh phát triển học tập. Với đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030 đã triển khai, một số sinh viên điện ảnh đã được cử đi học tập tại Mỹ, Úc… Nhưng theo ông Di, quan trọng vẫn là “cần làm sao để việc đào tạo này phát huy được hiệu quả”. Chẳng hạn, vấn đề then chốt là phải chọn đúng người. “Chúng ta có thể nhìn vào tác phẩm để chọn người, như chọn những sinh viên đã làm 1 - 2 phim ngắn chất lượng tốt. Bên cạnh đó, cũng cần tạo cơ hội cho những nhà làm phim trẻ không đến từ những cơ sở đào tạo điện ảnh chuyên nghiệp. Bởi thực tế đã có những nhà làm phim đã giành giải thưởng tại những LHP, thế nhưng lại không theo học tại cơ sở đào tạo điện ảnh”, ông Di lý giải.
Trong trường hợp khác, có thể nhìn sang nền điện ảnh Iran. Dù không có kinh phí cao, nhưng nhiều bộ phim Iran đã giành giải thưởng lớn ở những LHP quốc tế uy tín. Tuy nhiên, hầu hết những nhà làm phim thế hệ thứ 6 (nhà làm phim trẻ của Iran) lại không ra nước ngoài du học mà được đào tạo trong nước. Song song với đó, nhà nước Iran đã đưa ra nhiều chính sách phát triển nghệ thuật, điện ảnh, tạo hình… Tuy nhiên, đạo diễn Iran Rouhollah Hejazi từng cho biết, nhiều nhà sản xuất ở Iran lại không muốn làm phim từ nguồn hỗ trợ của nhà nước, vì muốn “làm phim một cách độc lập để được toàn quyền làm những gì mình muốn”.
Hỗ trợ nhà làm phim trẻ
Cùng với việc cải tổ nguồn nhân lực, nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển đều thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh, trong đó ủng hộ những tài năng trẻ. “Hầu hết các quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Úc, New Zealand, các nước châu Phi đều thành lập các quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh hoặc tổ chức tài chính ở cả 3 cấp độ quốc gia, quốc tế và tỉnh thành để hỗ trợ phát triển vào bảo hộ điện ảnh dân tộc”, ông Nguyễn Duy Anh, nguyên Cục phó Cục Điện ảnh, bày tỏ. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty BHD, nhìn nhận: “Ngành công nghiệp điện ảnh rất cần nguồn vốn đầu tư để xây dựng và triển khai các dự án điện ảnh trong nước. Tuy nhiên, quỹ đầu tư điện ảnh, một mô hình phát triển ở những quốc gia có nền điện ảnh phát triển, lại chưa được phát huy tại VN”.
Quỹ đầu tư điện ảnh, một mô hình phát triển ở những quốc gia có nền điện ảnh phát triển, lại chưa được phát huy tại VN
Một vấn đề khác trong đào tạo còn là việc giáo dục thẩm mỹ cho người trẻ, từ đây hướng đến phát triển nguồn nhân lực điện ảnh. Tại Pháp, môn lịch sử nghệ thuật trở thành môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo từ tiểu học đến trung học. Hay Trung Quốc, Hàn Quốc, Hungary, Pháp…, những trung tâm nghệ thuật, phòng triển lãm, cũng như cơ sở đào tạo sau ĐH, thường có không gian sáng tạo cho sinh viên và nghệ sĩ biểu diễn. Trong khi đó, theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, ngay như ở Hà Nội, nhiều sân chơi, không gian điện ảnh đang dần không còn. “Như bóng đá, muốn có một thế hệ giỏi thì phải có nhiều trung tâm bóng đá, hay không gian để đá bóng. Chúng ta cần có những chính sách để có thêm nhiều không gian, sân chơi cho điện ảnh. Đó cũng là cách nguồn nhân lực được quan tâm, phát triển từ lứa tuổi nhỏ”, ông Chuyên bày tỏ.
Bình luận (0)