Bài toán nào cho xã hội hóa y tế?

Duy Tính
Duy Tính
07/10/2022 09:56 GMT+7

Xã hội hóa trong y tế đang là vấn đề được dư luận quan tâm, bởi trong bệnh viện công phát sinh giá dịch vụ theo nhu cầu, phân biệt với người bệnh khám bảo hiểm y tế.

Ngày 7.10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM khảo sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập TP.HCM giai đoạn1.1.2020 – 30.6.2022 và góp ý dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi; dự thảo luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Tại buổi khảo sát, vấn đề xã hội hóa được lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đưa ra đầu tiên.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP có nhiều buổi tiếp xúc cử tri, qua các cuộc tiếp xúc, cử tri có ý kiến xoay quanh 3 vấn đề chính: Các chính sách cho y bác sĩ, nhân viên y tế; vấn đề nghỉ việc của nhân viên y tế; dư luận liên quan đến thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Theo bà Tuyết, các Đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, đảm bảo các chính sách để nhân viên yên tâm công tác trong giai đoạn hiện nay.

Không được phân biệt người bệnh giàu, người bệnh nghèo trong khám, chữa bệnh

DUY TÍNH

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, sau đợt dịch Covid-19 ngành y tế gặp rất nhiều thách thức, nhiều điểm nóng. Điểm nóng thứ nhất là vấn đề biến động nhân viên y tế chưa thấy điểm dừng và cần làm thế nào sửa luật, có cơ sở pháp lý để củng cố đội ngũ nhân viên y tế. Điểm nóng thứ 2 là vấn đề tự chủ tài chính còn nhiều băn khoăn, lo lắng cho giám đốc các bệnh viện vì chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, do đó cần có những hướng dẫn, quy định. Trong tự chủ còn có xã hội hóa thì làm như thế nào, bởi nếu không có sự đóng góp của xã hội thì khó đáp ứng được nhu cầu.

“Chúng tôi lấy hình ảnh xã hội hóa như chuyển từ máy bay cũ sang máy bay mới. Trên máy bay mới có người giàu, người nghèo và đều ngồi chung. Xã hội hóa là đừng để người nghèo ngồi trên máy bay cũ, người giàu ngồi máy bay mới; nhưng người giàu thì được ngồi phía trên, người nghèo thì ngồi phía dưới”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói.

TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế phát biểu thêm rằng, ngành y tế rất ủng hộ chính sách xã hội hóa và xem đây là "vũ khí" hỗ trợ thêm cho ngân sách. Nhưng để xã hội hóa bền vững, công bằng, công khai với người bệnh thì cốt lõi vẫn là giá thu. Trong dịch vụ y tế, nên có quy định không phân biệt người bệnh của xã hội hóa và người bệnh công lập. Do đó, tính đúng, tính đủ giá viện phí là cần thiết.

“Tính đúng, tính đủ là máy bay hiện đại vận chuyển hành khách. Bệnh viện được ví như máy bay, để lên được máy bay đó thì giá vé cơ bản như nhau; không có ngồi ghế súp, ghế đôi; được phục vụ ăn, nước. Như vậy, giá dịch khám chữa bệnh đáp ứng cơ bản thì giải quyết được mâu thuẫn giá xã hội hóa và giá không xã hội hóa. Khung giá cơ bản về giá khám chữa bệnh, phẫu thuật, thuốc men giữa loại hình công lập và xã hội hóa tương đồng thì phát triển xã hội hóa sẽ bền vững”, TS-BS Nguyễn Anh Dũng nói.

Cũng theo TS-BS Nguyễn Anh Dũng, bên cạnh giá cơ bản thì những ai có nhu cầu phục vụ ngoài nhu cầu cơ bản như lên máy bay sớm hơn, có lối đi riêng, phục vụ tiện ích cao hơn thì đi hạng thương gia. Còn tại bệnh viện là được chọn phòng có nhiều giá và xã hội hóa đáp ứng điều này cho người có điều kiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.