Cho đến lúc này, vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ cơ quan quản lý rằng doanh số nói trên là thật hay ảo, việc thu thuế thế nào, chất lượng hàng hóa ra sao. Thực tế, không phải đến bây giờ thị trường mới đặt câu hỏi về tính xác thực của các phiên livestream bán hàng được quảng bá là mang lại doanh số vài chục cho đến hàng trăm tỉ đồng. Thế nhưng câu trả lời luôn là một ẩn số. Điều lạ lùng là trong khi người livestream bán hàng đều công khai tên tuổi, số tài khoản, doanh số, hàng hóa... thì các cơ quan có thẩm quyền vẫn kêu khó quản lý. Và dư luận thì cứ bán tín bán nghi chuyện ảo - thật; người tiêu dùng vẫn đối mặt với rủi ro hàng chất lượng kém, hàng giả.
Vì sao lại có nghịch lý như vậy? Vì muốn biết doanh số thì cứ hỏi cơ quan thuế là ra, nhưng theo quy định thì ngành thuế phải giữ bí mật thông tin người nộp, nên không ai biết các cá nhân, tổ chức, các kênh livestream bán hàng có đóng thuế đầy đủ hay không. Đặt trường hợp có đóng thuế thì chắc chắn ngành này đã nắm được doanh số cụ thể. Và thắc mắc về tính xác thực của các phiên livestream bán hàng mang lại doanh số hàng trăm tỉ đồng mà đại biểu Quốc hội đặt ra cho tư lệnh ngành công thương có lẽ cũng đã có câu trả lời cụ thể. Còn nếu không đóng, thì trách nhiệm quản lý thuế như thế nào? Công bằng thuế ở đâu khi những người làm công ăn lương đang phải đóng không thiếu một đồng? Thiết nghĩ ngành thuế, Bộ Tài chính cũng nên trả lời rõ ràng để tạo sự minh bạch và sòng phẳng cho tất cả các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh trên thị trường. Hay về chất lượng hàng hóa, những phản ảnh về hàng nhái, hàng giả không thiếu; quy định, chế tài cũng khá đầy đủ nhưng ngay cả những chợ mạng đình đám nhất vẫn công khai bày bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Với những trường hợp này thì là khó quản lý hay buông lỏng quản lý?
Cũng phải thừa nhận rằng công tác quản lý thuế, sở hữu trí tuệ, chất lượng hàng hóa trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển như vũ bão hiện nay không phải đơn giản. Thế nhưng không ít điều mà chúng ta kêu khó hiện nay cũng đã được kêu cách đây nhiều năm. Đặc biệt, với những hoạt động công khai như livestream bán hàng; quản lý chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử có thương hiệu, có danh tính cụ thể thì không thể đổ lỗi công nghệ, cho nền tảng số hiện đại mà ta không thể theo kịp như trước nữa.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 6.6 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì hoàn thiện các chính sách pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số. Đồng thời hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước ngày 15.6, nhằm tăng cường chế tài xử lý hành vi vi phạm về lưu trữ và cung cấp thông tin đối với các chủ thể hoạt động thương mại điện tử...
Đã đến lúc phải siết lại hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, để không xảy ra nghịch lý bán hàng công khai nhưng cơ quan quản lý vẫn không nắm được doanh số thật hay ảo như nói trên.
Bình luận (0)