Bản tin Covid-19 ngày 14.11: Cả nước thêm 8.176 ca nhiễm | TP.HCM quyết đánh chặn dịch bệnh từ xa

14/11/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 14.11 của Báo Thanh Niên được phát mỗi tối tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 14.11 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

  • Cả nước ghi nhận 8.176 ca Covid-19 mới, 5.257 ca khỏi bệnh

    Bản tin Bộ Y tế tối 14.11 cho biết tính từ 16h ngày 13.11 đến 16h ngày 14.11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.176 ca nhiễm mới, 5.257 ca khỏi bệnh.
  • Bản tin Bộ Y tế cũng thông báo thêm 64 ca tử vong tại 16 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 23.082 ca.Thông tin về 8.176 ca nhiễm mới như sau:

    • 13 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh
    • 8.163 ca ghi nhận trong nước (giảm 288 ca so với ngày trước đó) tại 52 tỉnh, thành phố (có 3.705 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (985), An Giang (695), Đồng Nai (674), Bình Dương (623), Đồng Tháp (382), Bình Thuận (369), Tây Ninh (332), Sóc Trăng (299), Vĩnh Long (288), Tiền Giang (274), Kiên Giang (274), Bạc Liêu (273), Cà Mau (243), Đắk Lắk (228), Khánh Hòa (209), Bà Rịa - Vũng Tàu (204), Bình Phước (184), Cần Thơ (146), Thái Bình (134), Trà Vinh (134), Bến Tre (98), Long An (95), Thừa Thiên - Huế (93), Hà Nội (88), Hậu Giang (69), Hà Giang (56), Đắk Nông (52), Thanh Hóa (47), Phú Thọ (46), Nghệ An (44), Quảng Nam (43), Bắc Giang (41), Quảng Ngãi (39), Ninh Thuận (37), Quảng Ninh (37), Nam Định (36), Gia Lai (36), Quảng Trị (35), Bắc Ninh (32), Bình Định (30), Quảng Bình (29), Tuyên Quang (27), Hà Nam (21), Điện Biên (20), Đà Nẵng (18), Phú Yên (16), Lạng Sơn (9), Ninh Bình (9), Thái Nguyên (4), Cao Bằng (3), Yên Bái (2), Hà Tĩnh (1).
    Ngày 14.11: Cả nước 8.176 ca Covid-19, 5.257 ca khỏi | TP.HCM 985 ca

    Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (-261), TP.HCM (-255), Bình Định (-96).

    Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: An Giang (+148), Bình Thuận (+104), Đắk Lắk (+102).

    Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 8.248 ca/ngày.

    Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.026.522 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.418 ca nhiễm).

    Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

    • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.021.493 ca, trong đó có 860.494 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
    • Có 3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng.
    • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (447.428), Bình Dương (243.497), Đồng Nai (78.073), Long An (36.536), Tiền Giang (20.780).

    Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế)

    • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 5.257
    • Tổng số ca được điều trị khỏi: 863.311

    Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.947 ca, trong đó:

    • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.765
    • Thở ô xy dòng cao HFNC: 726
    • Thở máy không xâm lấn: 110
    • Thở máy xâm lấn: 333
    • ECMO: 13

    Từ 17h30 ngày 13.11 đến 17h30 ngày 14.11, cả nước ghi nhận 64 ca tử vong tại 16 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (22), Kiên Giang (8 ), An Giang (6), Bình Dương (5), Tiền Giang (5), Tây Ninh (4), Bình Thuận (2), Cần Thơ (2), Bạc Liêu (2), Ninh Thuận (2), Hà Nội (1), Hà Giang (1), Đắk Lắk (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Vĩnh Long (1).

    Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 79 ca.

    Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.082 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.

    So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

    Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 143.454 xét nghiệm cho 220.703 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 274.42021 đến nay đã thực hiện 24.030.280 mẫu cho 64.276.379 lượt người.

    Trong ngày 13.11 có 1.093.823 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 98.930.571 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 64.322.087 liều, tiêm mũi 2 là 34.608.484 liều.

    F0 Covid-19 gia tăng, TP.HCM thực hiện chiến lược đánh chặn dịch từ xa

    Tính đến hết ngày 13.11, tại TP.HCM phát hiện 445.758 ca mắc Covid-19 (F0) và số ca tử vong cộng dồn là 17.135 ca.

    Hiện tổng số F0 đang điều trị, cách ly theo dõi tại nhà là 59.302 ca. Trong đó, 11.497 đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, tầng 3; 4.824 ca F0 đang cách ly tập trung và 42.981 ca F0 cách ly tại nhà.

    Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trong tình hình F0 có xu hướng gia tăng, thành phố đang thực hiện chiến lược đánh chặn dịch từ xa mang tính khu vực lớn. Đó là tham gia chống dịch tại nhiều tỉnh, cụ thể là TP.HCM đã cử nhiều đội chi viện về chuyên môn, tiêm vắc xin, xét nghiệm cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

    Còn tại TP.HCM, bên cạnh khuyến cáo người dân thực hiện triệt để 5K, chiến lược đánh chặn dịch từ xa bên cạnh việc giám sát phát hiện sớm F0 để cắt đứt nguồn lây, thì còn chăm sóc F0 sớm, tránh chuyển nặng, giảm tử vong.

    Theo đó, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu mỗi quận, huyện thành lập ít nhất 1 bệnh viện dã chiến từ 300 - 500 giường, trong đó có từ 30 - 50 giường có ô xy để tiếp nhận người dân trên địa bàn có triệu chứng nhẹ.

    F0 Covid-19 gia tăng, TP.HCM thực hiện chiến lược đánh chặn dịch từ xa
  • Để chăm sóc F0 tại nhà, Sở Y tế cùng Bộ Tư lệnh thành phố hỗ trợ nhân lực cho F0 cách ly tại nhà. Đây là nhiệm vụ ưu tiên mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện, TP.Thủ Đức và ngành y tế phải đảm trách.

    Để sẵn sàng kích hoạt các Trạm y tế lưu động trong công tác kiểm soát dịch Covid-19, Sở Y tế đề nghị Bộ Tư lệnh TP.HCM quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc sẵn sàng cử nhân sự tham gia hỗ trợ công tác hậu cần tại Trạm y tế lưu động trên địa bàn phường, xã, thị trấn.

    Mỗi Trạm y tế lưu động bố trí tối thiểu 3 chiến sĩ để hỗ trợ công tác cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, vận chuyển người bệnh... Dự kiến trong giai đoạn 1, từ ngày 5.11.2021 đến 31.1.2022, ngành y tế cần hỗ trợ nhân lực cho 242 Trạm y tế lưu động, tương đương với 726 chiến sĩ. Ngoài ra, hỗ trợ nhân lực tham gia hỗ trợ công tác hậu cần tại Trạm y tế lưu động…

    Sở Y tế sẽ có kế hoạch tập huấn về nghiệp vụ, chuyên môn cho nhân sự dự bị tham gia Trạm y tế lưu động trên cơ sở danh sách nhân sự phân công của Bộ Tư lệnh TP.HCM.

    Y bác sĩ quân y đang soạn thuốc để cấp cho F0 cách ly tại nhà

    DUY TÍNH

    Sở Y tế chỉ đạo các Trạm y tế lưu động hiện hành tăng cường theo dõi F0, nhập F0 cách ly tại nhà vào phần mềm quản lý, đồng thời cấp ngay gói thuốc A, B, C (nếu đủ điều kiện uống gói C) trong vòng 24 giờ. Hiện nay, sau nhiều phản ánh chậm phát gói thuốc C thì tình hình đã cải thiện, một số F0 có triệu chứng đã nhận được thuốc rất nhanh.

    Để hỗ trợ các quận, huyện chống dịch khi số ca F0 tăng và khống chế ổ dịch một cách nhanh nhất, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM thành lập các Đội đặc nhiệm kiểm dịch.

    Trên Bản đồ Covid-19 của Sở TT-TT thì H.Cần Giờ hiện nay là khu vực nguy cơ cao (vùng cam). Các huyện khác có F0 gia tăng nhưng vẫn đang trong vòng kiểm soát và là vùng nguy cơ trung bình (vùng vàng) là H.Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Q.Bình Tân, Q.12, Q.3, Q.10, Q.Bình Thạnh. Các quận còn lại là vùng xanh.

  • Hà Nội rút ngắn khoảng cách 2 mũi AstraZeneca xuống 4 tuần

    Theo đó, thay vì khoảng cách tối thiểu 8 tuần như trước đây, người tiêm vắc xin AstraZeneca sẽ rút xuống 4 tuần khoảng cách giữa 2 mũi tiêm. Theo CDC Hà Nội, việc đề xuất phương án này nhằm hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân nhanh nhất, an toàn và hiệu quả, đáp ứng công tác phòng, chống dịch, tạo miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.

    Hà Nội chấp thuận rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm AstraZaneca

    Đậu tiến Đạt

    Đề xuất này cũng dựa trên hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư trong văn bản gửi sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19.

    Theo đó, đối với vắc xin AstraZeneca, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đề nghị triển khai tiêm trả mũi 2 sau mũi 1 từ 4 tuần trở lên.

    CDC Hà Nội cho biết, tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên đã đạt khoảng 93%, gần 70% số này được tiêm đủ 2 mũi.

    Trước đó, trả lời đề xuất của tỉnh Long An và Sở Y tế TP.HCM, Bộ Y tế cho hay theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vắc xin AstraZeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22, hiệu lực bảo vệ của vắc xin đạt 69,2%; sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần đạt 55,1%, sau từ 6-8 tuần đạt 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%.

    Hà Nội rút ngắn khoảng cách 2 mũi AstraZeneca xuống 4 tuần

    Theo hướng dẫn của nhà sản xuất mũi 2, nên được tiêm trong khoảng từ 4 - 12 tuần sau mũi 1. Còn Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo khoảng cách giữa 2 mũi vắc xin này từ 8 - 12 tuần.

    Cuối tháng 9.2011, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất của Sở Y tế về việc áp dụng với người tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca thì khoảng cách tiêm mũi 2 (bằng vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer) còn tối thiểu 6 tuần.

  • Hải Phòng xét nghiệm diện rộng để học sinh sớm được đến trường

    Sáng nay (14.11), Trường THCS Hồng Bàng (Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ cán bộ, giáo viên và học sinh.

    Ông Trịnh Doãn Toản, Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng, cho biết: "F1 sẽ được lấy mẫu tại nhà; F2, F3 và giáo viên, học sinh khác được lấy mẫu tại trường. Chúng tôi sẽ lấy mẫu xét nghiệm gộp 5 và chia ca làm cả ngày để đảm bảo giãn cách. Chúng tôi hi vọng sẽ có kết quả âm tính hết để dự kiến đến hết tuần sau, học sinh được quay lại trường học".

    Học sinh Trường THCS Hồng Bàng được lấy xét nghiệm SARS-CoV-2

    Lê Tân

    Được biết, do có học sinh nhiễm Covid-19 nên từ ngày 8.11, Trường THCS Hồng Bàng đã cho học sinh ở nhà học trực tuyến.

    Trong khi đó, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.Hồng Bàng), nơi có học sinh là F1 và cũng cho học sinh dừng đến trường từ ngày 8.11, đang tiến hành vệ sinh, phun khử khuẩn để đón học sinh trở lại trường vào ngày mai (15.11).

    Cũng vào ngày mai, H.An Lão, địa phương đang có 16 ca nhiễm Covid-19, cùng các cơ quan chức năng sẽ tiến hành xét nghiệm lần 2 cho cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo, nơi có học sinh nhiễm Covid-19. UBND H.An Lão cho biết, sau khi có kết quả xét nghiệm sẽ xin ý kiến của UBND TP.Hải Phòng về việc cho học sinh các cấp của H.An Lão trở lại trường.

    Liên quan đến Trường tiểu học An Đồng ở xã An Đồng, H.An Dương, nơi cũng có học sinh nhiễm Covid-19, ông Lương Thế Quý, Phó Chủ tịch UBND H.An Dương, cho biết: "Hơn 2.000 cán bộ, giáo viên, học sinh ở Trường tiểu học An Đồng đã có kết quả âm tính lần 2 nên trường đã cho học sinh quay lại trường học".

    Theo CDC Hải Phòng, trong ngày hôm qua (13.11), TP.Hải Phòng có 4 ca nhiễm Covid-19, đều ở H.An Lão, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 ở TP.Hải Phòng trong đợt dịch thứ 4 là 169 ca.

  • Châu Âu rơi vào tình cảnh phải tái phong tỏa

    Đến 18 giờ chiều 14.11 (theo giờ Việt Nam), theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 253.037.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 5.097.000 ca tử vong và hơn 7.443.465.000 liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ.

    • Dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong là Mỹ với hơn 47.051.000 trường hợp mắc bệnh cùng 762.972 người chết vì Covid-19.
    • Vương Quốc Anh xếp thứ hai với hơn 9.572.000 ca nhiễm và 143.274 ca tử vong.
    • Kế tiếp là Nga với hơn 8.918.000 ca nhiễm và 250.609 ca tử vong.
    • Thổ Nhĩ Kỳ xếp ở vị trí thứ tư với hơn 8.388.000 ca nhiễm Covid-19 cùng 73.342 ca tử vong.
    • Đứng ở vị trí thứ 5, đến nay Đức đã ghi nhận hơn 5.037.000 ca nhiễm cùng 97.677 ca tử vong.

    Số ca nhiễm tăng cao ở nhiều nơi, châu Âu lại một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới, khiến chính phủ các nước phải xem xét tái phong tỏa hoặc siết chặt các biện pháp hạn chế.

    Thep AFP, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 12.11 đưa 10/27 thành viên Liên minh Châu Âu (EU) vào danh sách các nước có tình hình dịch Covid-19 “rất đáng quan ngại”.

    Các nước này bao gồm Bỉ, Bulgaria, Croatia, CH Czech, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Hà Lan, Ba Lan và Slovenia. Đức cùng 12 quốc gia EU khác nằm trong danh sách “đáng quan ngại”.

    Người dân trên đường phố Eindhoven, Hà Lan ngày 12.11

    AFP

    Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus cùng ngày cho biết gần 2 triệu ca mắc Covid-19 được ghi nhận ở châu u vào tuần đầu tiên của tháng 11.

    Đây là con số cao nhất tại châu Âu từ khi đại dịch bắt đầu. Châu lục này cũng có gần 27.000 ca tử vong do Covid-19 trong tuần trước, chiếm hơn một nửa số người chết được báo cáo trên toàn cầu.

    Trong bối cảnh nhiệt độ xuống thấp, khiến người dân ở trong không gian kín nhiều hơn, cùng mùa cúm đang đến gần, dịch bệnh ở châu Âu được dự báo sẽ càng thêm nghiêm trọng. ECDC cảnh báo số ca bệnh và trường hợp tử vong trong 2 tuần tới ở khu vực này sẽ tăng khoảng 50%.

    Việc châu Âu lại một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới là điều đáng báo động vì đây là một trong những khu vực đầu tiên triển khai tiêm vắc xin Covid-19.

    Tuy nhiên, ngay cả các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao cũng đang chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm mới.

    Dù số trường hợp tử vong giảm đáng kể so với các đỉnh dịch trước đó, số ca mắc Covid-19 mới hằng ngày ở nhiều nước như Đức, Hà Lan và Áo đang liên tục phá kỷ lục. Reuters dẫn lời các chuyên gia cho biết hiệu quả vắc xin giảm dần, tốc độ tiêm chủng chậm lại cùng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đã gây ra “mùa đông Covid-19”.

    Tình hình nghiêm trọng khiến một loạt chính phủ châu Âu phải lập kế hoạch và tái áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch như Hà Lan, Đức, CH Czech, Slovakia và đặc biệt là Nga.

    Nga báo cáo 1.235 người chết vì Covid-19 trong 24 giờ

    Theo RT, Nga đang chuẩn bị đưa ra những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhất thế giới. Người dân nước này sẽ phải quét mã QR để vào cửa hàng, quán ăn và các địa điểm công cộng cho đến giữa năm 2022 nếu luật mới được quốc hội thông qua.

    Cả nhà mắc Covid-19 có người lại âm tính: lý giải từ nghiên cứu mới

    Một nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học London (Anh) đã phát hiện những người như vậy trải qua tình trạng “nhiễm non”, trong đó virus corona gây Covid-19 vào trong cơ thể nhưng sớm bị các tế bào T của hệ miễn dịch “dọn dẹp” sạch, do đó các xét nghiệm PCR và kháng thể ra kết quả âm tính.

    Cả nhà mắc Covid-19 có người lại âm tính: lý giải từ nghiên cứu mới

    Trong nghiên cứu này, một nhóm nhân viên y tế được theo dõi chặt các dấu hiệu nhiễm bệnh và phản ứng miễn dịch trong đợt bùng phát đầu tiên. Dù đối mặt nguy cơ cao nhưng 58 người, tức 15% số người tham gia nghiên cứu, không có kết quả dương tính trong mọi lần xét nghiệm.

    Các nhân viên y tế chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 ở tại bệnh viện Munchen Klinik Schwabing ở Munich (Đức), ngày 12.11

    reuters

    Tuy nhiên, mẫu máu lấy từ số này cho thấy có sự gia tăng tế bào T, loại tế bào giúp phản ứng chống lại Covid-19, so với mẫu được lấy trước khi đại dịch lan rộng và so sánh với những người chưa từng tiếp xúc virus. Một chỉ số máu khác liên quan nhiễm virus cũng tăng cao.

    Nghiên cứu này cho rằng một nhóm người đã có “tế bào nhớ” T từ trước, sau khi nhiễm các loại virus corona gây cúm mùa thông thường, nhờ vậy được bảo vệ trước Covid-19.

    Phản ứng miễn dịch qua tế bào T thường tính bằng năm

    imperial uk

    Các tế bào miễn dịch này phát hiện được các protein trong cơ cấu nhân đôi - là điểm chung giữa Covid-19 và các virus corona gây cúm mùa. Ở một số người, tế bào T phản ứng nhanh và hiệu quả đến mức “dập tắt” lây nhiễm từ giai đoạn sớm nhất.

    Đây là phát hiện rất giá trị vì phản ứng miễn dịch qua tế bào T thường kéo dài hơn, tính bằng năm chứ không phải bằng tháng như kháng thể. Phát hiện này có thể mở đường cho một thế hệ vắc xin Covid-19 mới nhắm vào phản ứng của tế bào T, qua đó tạo ra miễn dịch tồn tại lâu hơn nhiều.

    Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 14.11 của Báo Thanh Niên.

    Top

    Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
    60 giây nữa.