Bản tin Covid-19 ngày 12.11: Cả nước thêm 8.982 ca | TP.HCM siết hoạt động nếu thành “vùng cam”

12/11/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 12.11 của Báo Thanh Niên được phát mỗi tối tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 12.11 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước ghi nhận 8.982 ca Covid-19 mới, 10.263 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế ngày 12.11 cho biết tính từ 16h ngày 11.11 đến 16h ngày 12.11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.982 ca nhiễm mới, 10.263 ca khỏi bệnh.

Bản tin Bộ Y tế cũng công bố 81 ca tử vong tại 18 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 22.930 ca.

Thông tin về 8.982 ca nhiễm mới như sau:

  • 6 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh
  • 8.976 ca ghi nhận trong nước (tăng 831 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 4.180 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.388), Đồng Nai (813), An Giang (661), Bình Dương (654), Tiền Giang (634), Tây Ninh (517), Kiên Giang (403), Đồng Tháp (383), Sóc Trăng (298), Bình Thuận (287), Vĩnh Long (284), Cà Mau (258), Bạc Liêu (252), Cần Thơ (178), Bà Rịa - Vũng Tàu (177), Hà Nội (176), Khánh Hòa (170), Long An (110), Hậu Giang (101), Bình Phước (99), Trà Vinh (85), Bến Tre (84), Hà Giang (62), Đắk Nông (60), Bình Định (57), Thái Bình (54), Lâm Đồng (54), Bắc Ninh (49), Ninh Thuận (47), Nghệ An (47), Quảng Nam (45), Thừa Thiên Huế (44), Bắc Giang (42), Quảng Ngãi (38), Thanh Hóa (37), Đà Nẵng (34), Phú Thọ (34), Quảng Bình (33), Hải Dương (30), Quảng Trị (29), Nam Định (27), Gia Lai (23), Quảng Ninh (23), Hà Tĩnh (18), Hưng Yên (18), Hải Phòng (16), Hà Nam (11), Phú Yên (8 ), Lạng Sơn (6), Sơn La (5), Vĩnh Phúc (3), Thái Nguyên (2), Hòa Bình (2), Kon Tum (2), Điện Biên (2), Tuyên Quang (2).
Ngày 12.11: Cả nước 8.982 ca Covid-19, 10.263 ca khỏi | TP.HCM 1.388 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-162), Tây Ninh (-139), Đồng Nai (-117).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tiền Giang (+217), TP.HCM (+203), Vĩnh Long (+125).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 8.033 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.009.879 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.250 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.004.879 ca, trong đó có 853.394 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.hcm (445.203), Bình Dương (242.243), Đồng Nai (76.656), Long An (36.362), Tiền Giang (20.150).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 10.263
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 856.211

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.515 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.410
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 674
  • Thở máy không xâm lấn: 106
  • Thở máy xâm lấn: 311
  • ECMO: 14

Từ 17h30 ngày 11.11 đến 17h30 ngày 12.11 ghi nhận 81 ca tử vong tại 18 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (42), Bình Dương (5), Tiền Giang (5), Long An (4), Kiên Giang (4), Bạc Liêu(4), Đắk Lắk (3), Tây Ninh (3), An Giang (2), Hà Giang (1), Trà Vinh (1), Thanh Hóa (1), Nghệ An (1), Đồng Nai (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Đồng Tháp (1), Cần Thơ (1), Cà Mau (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 74 ca.- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.930 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 147.171 xét nghiệm cho 292.234 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 23.730.130 mẫu cho 63.675.966 lượt người.

Trong ngày 11.11 có 1.000.048 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 96.557.452 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 63.682.168 liều, tiêm mũi 2 là 32.875.284 liều.

Nếu dịch Covid-19 chuyển màu cam, TP.HCM sẽ phải siết chặt hoạt động

Sáng 12.11, bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã trao đổi với báo chí về việc số ca nhiễm Covid-19 những ngày gần đây gia tăng.

Ông Mãi cho biết việc F0 gia tăng nằm trong dự kiến của thành phố vì khi mở cửa, việc giao thương, tiếp xúc, đi lại nhiều hơn. TP.HCM và các quận, huyện, phường, xã luôn theo dõi sát, thấy chỗ nào bất thường thì có phương án xử lý. Như những ngày gần đây, H.Hóc Môn và H.Nhà Bè có ca nhiễm gia tăng thì thành phố tập trung đánh giá, phân tích và có các biện pháp truy vết nhanh, bao vây, xử lý kịp thời.

Nếu dịch Covid-19 chuyển màu cam, TP.HCM sẽ phải siết chặt hoạt động
  • Trước băn khoăn của doanh nghiệp liệu rằng thành phố có siết chặt khi dịch bệnh gia tăng, ông Mãi cho biết tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ đã khẳng định rất rõ là phải thực hiện thích ứng an toàn. Do vậy, độ mở của các hoạt động kinh tế, xã hội tùy thuộc vào tình trạng dịch bệnh. “Nếu dịch giảm xuống, màu xanh mở rộng hơn thì hoạt động được mở nhiều hơn, còn nếu vàng lên, hoặc chuyển thành màu cam, màu đỏ thì hoạt động phải giảm đi”, ông Mãi nói.
  • Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM

    sỹ đông

    Hiện nhiều địa bàn có nguy cơ dịch bệnh ở cấp độ 3 - nguy cơ cao, có nơi ở cấp độ 2 - nguy cơ trung bình, có nơi ở cấp độ 1 - nguy cơ thấp, còn chung toàn thành phố đang ở cấp độ 2. “Số ca nhiễm hằng ngày đang tăng, nếu tới mức phải siết lại thì thành phố sẽ siết chặt”, ông Mãi thông tin, đồng thời cho biết việc đánh giá cấp độ dịch được thực hiện hằng tuần.

    Người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhìn nhận diễn biến dịch tại thành phố và các địa phương vẫn diễn biến phức tạp nên cần phải cẩn trọng, chủ động phòng dịch, không được lơ là. TP.HCM đã có kế hoạch củng cố hệ thống y tế nói chung gồm y tế cộng đồng, y tế điều trị, y tế phục hồi, trong đó trạm y tế củng cố về cán bộ lãnh đạo (trưởng trạm, phó trạm), bổ sung cán bộ y tế, cơ chế chính sách cho hoạt động của trạm y tế.

    Vừa qua Sở Y tế có kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động ở các phường, trong đó cán bộ y tế của các bệnh viện cấp thành phố làm nòng cốt xuống hỗ trợ, cán bộ cơ sở cùng tham gia để giải quyết vấn đề trước mắt. Sau nay, thành phố xây dựng cơ chế đưa các bạn sinh viên ngành y tốt nghiệp về làm việc tại trạm y tế một khoảng thời gian nhất định để bổ sung nguồn lực.

    TP.HCM ghi nhận nhiều ca Covid-19 mắc bệnh nền tử vong dù đã tiêm vắc xin

  • Từ ngày 10.11, Sở Y tế TP.HCM đã bắt đầu có thống kê số ca mắc Covid-19 tử vong có tiêm vắc xin và chưa tiêm vắc xin Covid-19. Sau 2 ngày, đã có 17 ca tiêm đủ 2 mũi và 26 ca đã tiêm 1 mũi.

    Theo đó, ngày 10.11, trên địa bàn TP.HCM có 43 ca tử vong, trong đó có 5 ca do các tỉnh khác chuyển đến (Long An 2 ca, Bình Dương 2 ca và Bến Tre 1 ca). Qua phân tích số liệu cho thấy, có đến 39 ca tử vong nhiễm Covid-19 kèm theo bệnh nền; 2 ca tử vong do bệnh nền kèm mắc Covid-19.

    Khai thác tiền sử tiêm vắc xin cho thấy có đến 15 ca chưa tiêm vắc xin, 6 ca tiêm mũi 1 và 7 ca đã tiêm đủ 2 mũi.

    Đến ngày 12.11, TP.HCM có 38 ca tử vong, trong đó có 3 ca do các bệnh viện các tỉnh chuyển đến, Long An (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1).

    Phân tích số liệu tử vong tại bệnh viện trong ngày cho thấy số ca tử vong do Covid-19, kèm mắc bệnh nền là 34 ca.

    Qua phân tích các ca tử vong khai thác được tiền sử tiêm vắc xin cũng cho thấy có đến 20 ca chưa có tiền sử tiêm vắc xin Covid-19, 2 ca tiêm 1 mũi và 10 ca tiêm 2 mũi. Số ca tử vong từ 18 đến 50 tuổi là 2 ca; số ca tử vong từ 51 đến 65 tuổi là 15 ca, số ca trên 65 tuổi là 21 ca, không có trường hợp tử vong trẻ em.

    Điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn

    D.T


    Theo bác sĩ Đặng Quốc Quân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, từ 1.10 đến 6.11, tại bệnh viện có 58 ca tử vong do Covid-19, trong đó có 3 ca tiêm 2 mũi, tiêm 1 mũi là 3 ca, 6 ca chưa tiêm... Tuổi tử vong từ dưới 6 tuổi đến 21 tuổi có 14 ca (24%), trên 60 tuổi chiếm 44 ca (76%).

    “Số tử vong có bệnh nền do tăng huyết áp chiếm 33 ca, tiểu đường 20 ca, tim mạch 8 ca, thận mạn tính… Qua thống kê cho thấy số vào viện tử vong dưới 5 ngày là 11 ca, từ 5-15 ngày là 30 ca, nhiều hơn 15 ngày là 17 ca”, bác sĩ Quân thông tin và cho biết thêm, những ca tử vong trên khi đến cấp cứu đã nặng và phải thở máy và không thể chuyển viện được vì sẽ tử vong trên đường đi. Bệnh viện đã hội chẩn với Trung tâm hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế (tại Bệnh viện dã chiến số 14), Bệnh viện Quân y 175 để chuyển viện một số ca, một số điều trị tại chỗ”, bác sĩ Quân nói.

    Còn theo bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, tuần qua tại bệnh viện có 7 ca Covid-19 tử vong, trong đó có 2 ca mới chỉ tiêm 1 mũi vắc xin, 5 ca chưa tiêm mũi nào. Tuổi trung bình là 71 tuổi và hầu hết đều mắc bệnh nền tăng huyết áp, tiểu đường.

    TP.HCM kiểm tra các gói hỗ trợ Covid-19: “Nguội ngắt rồi mới chi thì cũng như không”

    Chiều 11.11.2021, đoàn công tác của UBND TP.HCM đã có buổi kiểm tra về các chính sách hỗ trợ Covid-19 tại UBND huyện Nhà Bè.

    Theo UBND huyện Nhà Bè, trong đợt 1, địa phương đã chi được chi hỗ trợ cho hơn 24.000 người với số tiền gần 36,5 tỉ đồng.

    Trong đợt 2, đã có hơn 1.500 hộ nghèo, cận nghèo và hơn 26.000 hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn được nhận tiền hỗ trợ với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 41 tỉ đồng.

    Với đợt 3, huyện đã chi hỗ trợ cho hơn 198.000 người với số tiền gần 200 tỉ đồng. Số người chưa nhận được hỗ trợ còn hơn 1.000 người.

    TP.HCM kiểm tra các gói hỗ trợ Covid-19: “Nguội ngắt rồi mới chi thì cũng như không”

    Đối với các trường hợp có trong danh sách nhưng đã qua đời, đã về quê, không liên được huyện Nhà Bè đã lập danh sách các trường hợp không chi trả được để hoàn trả kinh phí về ngân sách.

    Tại buổi báo cáo, đại diện Công an huyện Nhà Bè cho biết trong đợt 3 đã tham gia rà soát và bổ sung những đối tượng đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Bên cạnh đó, Công an huyện Nhà Bè còn rà soát nắm bắt việc chi và nhận hỗ trợ, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào liên quan đến tư lợi, tham nhũng.

    Báo cáo tại buổi họp, bà Lê Thị Anh Thư, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết do thời gian ngắn nên việc lên danh sách khó tránh khỏi sai sót, cùng với đó là việc người dân kê khai thông tin ở nhiều nơi nên khó kiểm soát hết.

    Bên cạnh đó, nhiều trẻ em hiện chưa có căn cước công dân nên khi đăng ký ở nhiều nơi cùng lúc dẫn đến việc trùng lặp nhiều.

    Hiện nay huyện vẫn đang tiến hành vận động, thu hồi những trường hợp chi không đúng đối tượng để hoàn trả ngân sách, đến nay đã thu hồi 351 trường hợp.

    Phát biểu kết luận buổi báo cáo, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm đề nghị chính quyền địa phương sớm hoàn thành việc chi trả gói hỗ trợ đợt 3 cho hơn 1.000 người còn lại

    "Phải chi cho đúng, chi cho đủ, chi cho kịp thời để hỗ trợ cho người dân. Bây giờ đợi mấy bữa nguội ngắt rồi mới chi thì cũng như không", ông Nguyễn Văn Lâm phát biểu.

    Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Lâm đề nghị huyện Nhà Bè tiếp tục rà soát lại số lượng người dân được chi hỗ trợ trong ba đợt, tránh trường hợp phát nhầm hoặc phát trùng đối tượng.

  • Vận động người dân TP.HCM tắt đèn và thắp nến tưởng niệm đồng bào mất vì Covid-19

    Phó chủ tịch UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức Lễ Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19, dự kiến tổ chức vào tối 19.11.

    Lễ tưởng niệm nhằm thể hiện nỗi buồn sâu sắc, sự sẻ chia trước những mất mát, đau thương của hàng vạn gia đình đã mất đi người thân, đồng thời tiếp tục khích lệ tinh thần đối với các lực lượng đã và đang tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

    Theo kế hoạch, tại Hội trường Thống Nhất (Q.1, TP.HCM), khoảng 1.000 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ngành Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh, thành vùng trọng điểm phía nam và đại diện thân nhân, gia đình đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 dự lễ tưởng niệm cấp thành phố. Ở cấp quận, huyện có khoảng 100 đại biểu cùng dự.

    Thả hoa đăng trên sông Sài Gòn dịp lễ Vu lan năm 2016

    độc lập

    Các đại biểu cùng xem lại một số hình ảnh, phóng sự về thành phố qua “Cuộc chiến sinh tử”, sau đó thực hiện nghi thức tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch, chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp.

    Sở Văn hóaThể thao phối hợp với UBND các quận: 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình chọn địa điểm tổ chức lễ tưởng niệm để thực hiện thả đèn hoa đăng tại tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào lúc 19 giờ 30 ngày 19.11. Còn các quận: 4, 5 và 8 thì thả đèn hoa đăng tại tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé.

    TP.HCM vận động các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) trên địa bàn tùy theo tình hình thực tế tổ chức hình thức tưởng niệm phù hợp; cùng đánh chuông tưởng niệm vào lúc 19 giờ 30, ngày 19.11. Cũng vào thời gian trên, các tàu, thuyền, sà lan... đang lưu đậu tại các cụm cảng sẽ kéo còi tưởng niệm.

    Vận động người dân TP.HCM tắt đèn và thắp nến tưởng niệm đồng bào mất vì Covid-19

    UBND TP.HCM cũng giao các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và chính quyền địa phương vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn tắt đèn và thắp nến để tưởng niệm vào lúc 19 giờ 30 ngày 19.11.

    Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát tại TP.HCM kể từ ngày 18.5, tính đến ngày 10.11, hơn 17.000 người ở thành phố đã mất do Covid-19. TP.HCM là địa phương chịu mất mát nhiều nhất cả nước về người cùng nhiều tổn thất về kinh tế, xã hội.

  • Thủ đoạn kiếm chác của nhóm bán giấy xét nghiệm Covid-19 ở sân Mỹ Đình

    19 giờ tối 11.11.2021, đội tuyển Việt Nam vừa có trận thua đội tuyển Nhật Bản với tỉ số 0-1 trên sân Mỹ Đình (ở Hà Nội) tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Tuy nhiên, có một số người chắc chắn đã không được xem trận đấu này.Bởi vì họ đang phải làm việc với Công an quận Nam Từ Liêm.

    Những tờ giấy “phiếu kết quả xét nghiệm vi sinh” được nhóm người này in ra. Chưa họ tên, chưa địa chỉ, chưa có thông tin gì nhưng đã được đóng dấu âm tính và chữ ký, con dấu của cơ sở lấy mẫu. Bước đầu, Công an quận Nam Từ Liêm xác định nhóm đối tượng này lợi dụng việc các cơ quan chức năng siết chặt kiểm soát dịch bệnh đối với khán giả xem trận đấu Việt Nam – Nhật Bản.

    Nhóm này đã đến khu vực gần cổng sân vận động Mỹ Đình, dựng lều bạt, mặc trang phục phòng dịch và mang theo nhiều dụng cụ y tế, tổ chức lấy mẫu test nhanh Covid-19 cho người dân, thu phí dịch vụ trong khi không được cơ quan chức năng cấp phép.

    Thủ đoạn kiếm chác của nhóm bán giấy xét nghiệm Covid-19 ở sân Mỹ Đình

    Đặc biệt, nhóm này còn bán giấy xét nghiệm khống, có sẵn kết quả âm tính, dấu đỏ, chữ ký của một phòng khám với giá 200.000 đồng/phiếu để người dân tự điền thông tin.

    Khoảng 18 giờ ngày 11.11, lãnh đạo UBND, Công an quận Nam Từ Liêm khi đi kiểm tra công tác an ninh trật tự tại khu vực Sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã phát hiện, bắt quả tang nhóm này đang có hành vi tổ chức lấy mẫu test nhanh Covid-19 có thu phí, làm giả kết quả test nhanh Covid-19 để hợp thức cho cổ động viên vào sân Mỹ Đình.

    Nhóm này đã lợi dụng chuyện nhiều người không nghiên cứu kỹ các quy định của ban tổ chức, không chấp hành quy định phòng chống dịch nên dù có vé vẫn không được vào sân cổ vũ đội tuyển Việt Nam.

    Nhiều người không có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 đã được nhóm này mời mua phiếu test nhanh với mức giá 200.000 đồng để tự điền thông tin, nhằm đủ điều kiện vào sân xem bóng đá.

    Qua làm việc, nhóm này có 10 người, toàn bộ khai nhận là nhân viên của một phòng khám đa khoa có trụ sở tại phường Võ Cường (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

    Theo cơ quan công an, từ 12 giờ trưa 11.11.2021 đến khi bị phát hiện, nhóm này đã bán hơn 300 phiếu xét nghiệm, thu lợi bất chính gần 50 triệu đồng.Công an quận Nam Từ Liêm đang mở rộng điều tra, xử lý vụ việc theo quy định.

  • Vắc xin Covid-19 của Ấn Độ vừa được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép hiệu quả ra sao?

    Ngày 10.11, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5225, phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch đối với vắc xin Covid-19 Covaxin của Ấn Độ. Đây cũng là loại vắc xin Ấn Độ đầu tiên được Nhóm Cố vấn Kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp cùng với 6 loại vắc xin khác.

    Covaxin do Bharat Biotech hợp tác với Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) và Viện Virus Quốc gia (NIV) sản xuất. Đây là loại vắc xin sử dụng công nghệ virus bất hoạt. Theo đó, virus SARS-CoV-2 không hoạt động được đưa vào cơ thể để đào tạo hệ miễn dịch tạo kháng thể chống lại mầm bệnh.

  • Covaxin, vắc xin Covid-19 vừa được Bộ Y tế cấp phép hiệu quả ra sao?

    Công nghệ này đã được sử dụng trong hơn một thế kỷ, từng dùng trong vắc xin bại liệt, cúm mùa, dại, viêm não Nhật Bản...

    Theo kết quả các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vào tháng 7.2021, Covaxin đạt hiệu quả 93,4% ngăn ngừa ca nhiễm nặng, 77,8% với ca nhiễm có triệu chứng. Đối với biến thể Delta, hiện được xem là chủng trội trên toàn cầu, Covaxin đạt hiệu quả 65,2%.

    Covaxin đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Ấn Độ vào đầu tháng 1.2021 và đã được triển khai cùng với Covishield - vắc xin được Viện huyết thanh Ấn Độ sản xuất - trong chiến dịch tiêm chủng của Ấn Độ.

    Một người đàn ông lớn tuổi được tiêm vắc xin Covaxin ở Mumbai (Ấn Độ), ngày 2.8

    reuters

    Covaxin trở thành loại vắc xin thứ 7 được WHO ban hành sử dụng khẩn cấp (EUL), sau các vắc xin Pfizer-BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson, AstraZeneca, Sinopharm và Sinovac.

    Vắc xin có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường ở nhiệt độ từ 2-8 độ C. Tháng 10.2021, Covaxin cũng đã nhận được khuyến nghị sử dụng cho nhóm từ 2 đến 18 tuổi và đang chờ sự chấp thuận của cơ quan quản lý để triển khai cho trẻ em ở Ấn Độ. Bharat Biotech cho biết đang nghiên cứu đánh giá tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch của liều tăng cường.

    Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 12.11 của Báo Thanh Niên.

  • Top

    Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
    60 giây nữa.