Bản tin Covid-19 ngày 17.4: Cả nước hơn 10,4 triệu ca | Gần 9 triệu mũi tiêm vắc xin chưa được cập nhật

17/04/2022 21:25 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 17.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 17.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 14.730 ca Covid-19, 5.472 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 17.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 16.4 đến 16h ngày 17.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.730 ca nhiễm mới.

Có 5.472 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 10 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.944 ca.

Ngày 17.4: Cả nước 14.730 ca Covid-19, 5.472 ca khỏi | Hà Nội 1.253 ca | TP.HCM 427 ca

Thông tin về 14.730 ca nhiễm mới như sau:

  • 0 ca nhập cảnh.
  • 14.730 ca ghi nhận trong nước (giảm 3.744 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 11.192 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (1.253), Yên Bái (801), Quảng Ninh (778), Phú Thọ (749), Nghệ An (746), Tuyên Quang (582), Thái Bình (547), Bắc Giang (534), Thái Nguyên (509), Đắk Lắk (482), Hải Dương (448), Vĩnh Phúc (441), Lào Cai (440), TP. Hồ Chí Minh (427), Bắc Kạn (398), Quảng Bình (398), Gia Lai (368), Hưng Yên (263), Lạng Sơn (258), Bắc Ninh (233), Cao Bằng (224), Sơn La (220), Hà Tĩnh (213), Quảng Nam (208), Ninh Bình (187), Nam Định (186), Bình Định (183), Hà Giang (181), Lâm Đồng (176), Quảng Trị (143), Bến Tre (142), Vĩnh Long (135), Điện Biên (135), Đà Nẵng (131), Đắk Nông (126), Bình Dương (124), Lai Châu (122), Hà Nam (120), Hòa Bình (115), Tây Ninh (114), Thanh Hóa (107), Phú Yên (103), Quảng Ngãi (99), Cà Mau (83), Bình Phước (69), Thừa Thiên-Huế (68), Bà Rịa - Vũng Tàu (62), An Giang (42), Sóc Trăng (39), Long An (38), Bình Thuận (37), Kiên Giang (35), Khánh Hòa (28), Kon Tum (22), Cần Thơ (16), Đồng Nai (14), Bạc Liêu (11), Trà Vinh (7), Đồng Tháp (7), Hậu Giang (3).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (-340), Phú Thọ (-321), Bình Phước (-287).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (+50), Sóc Trăng (+39), Bình Dương (+25).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 20.986 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.432.617 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 105.506 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.424.870 ca, trong đó có 8.934.029 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.533.658), TP.HCM (606.626), Nghệ An (475.974), Bình Dương (382.676), Bắc Giang (380.351).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 5.472 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 8.936.846 ca

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.070 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 754 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 129 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 30 ca
  • Thở máy xâm lấn: 154 ca
  • ECMO: 3 ca

Từ 17h30 ngày 16.4 đến 17h30 ngày 17.4 ghi nhận 10 ca tử vong tại: Kiên Giang (4), Bến Tre (3), Bình Phước (1), Cần Thơ (1), Đồng Tháp (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 19 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.944 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 quốc gia, vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện được 39.401.126 mẫu tương đương 85.684.619 lượt người

Trong ngày 16.4 có 182.326 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 209.483.478 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 192.227.208 liều: Mũi 1 là 71.422.066 liều; Mũi 2 là 68.533.814 liều; Mũi 3 là 1.505.636 liều; Mũi bổ sung là 15.063.168 liều; Mũi nhắc lại là 35.702.524 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.243.856 liều: Mũi 1 là 8.829.764 liều; Mũi 2 là 8.414.092 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 12.414 liều (mũi 1).

Hơn 10.000 trẻ lớp 6 tại TP.HCM đã được tiêm vắc xin Covid-19

Theo số liệu từ Sở Y tế TP.HCM thống kê, trong ngày đầu tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (tức ngày 16.4), thành phố đã tiêm cho hơn 10.000 trẻ đang học lớp 6.

Hơn 10.000 trẻ lớp 6 tại TP.HCM đã được tiêm vắc xin Covid-19

Cụ thể, TP.HCM có 10.434 trẻ học lớp 6 được tiêm vắc xin tại 96 điểm tiêm trên địa bàn 19 quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Số trẻ hoãn tiêm là 1.379 trẻ, phần lớn do trẻ đã mắc Covid-19 mà chưa đủ thời gian 3 tháng tính từ khi mắc bệnh, bên cạnh đó là các trẻ có tiền sử dị ứng, đang mắc bệnh lý cấp tính. Trong đó, có 28 trường hợp sau khi khám sàng lọc được chỉ định chuyển tiêm tại bệnh viện để đảm bảo an toàn.

Công tác tổ chức tiêm chủng diễn ra trật tự, đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng chống Covid-19. Hiện chưa ghi nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm.

Trong ngày đầu tiêm chủng, đoàn kiểm tra của thành phố do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức làm trưởng Đoàn đã kiểm tra công tác tiêm chủng tại một số điểm tiêm trường học trên địa bàn thành phố. Trong quá trình kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra đánh giá điểm tiêm tại các trường đảm bảo được an toàn trong công tác tiêm chủng cho các em học sinh.

Nhà trường bố trí các khu vực đúng quy trình một chiều, thực hiện theo quy trình, thu gom và xử lý rác thải y tế, chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu, đội phản ứng nhanh, xe cấp cứu. Đặc biệt, đoàn kiểm tra ghi nhận tâm lý phụ huynh và học sinh rất phấn khởi khi đến điểm tiêm.

Kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em trong nhóm tuổi 5-11 được ngành y tế thành phố triển khai đến ngày 30.4.2022. Ước tính trên địa bàn thành phố hiện có gần 900.000 trẻ trong độ tuổi 5 dưới 12 tuổi sinh sống, học tập. Trong đó, hơn 885.000 trẻ đi học và hơn 12.800 trẻ không đi học, được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Trong đợt đầu tiên, TP.HCM đã được nhận 87.500 liều vắc xin cho trẻ, sau đó sẽ tiếp tục được nhận 138.000 liều vắc xin trong đợt 2 và 147.000 liều vắc xin vào đợt 3.

Những lưu ý khi tiêm vắc xin cho trẻ 5 - 12 tuổi

Sáng 16.4.2022, TP.HCM đã tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh lớp 6 ở 23 quận huyện và TP.Thủ Đức với hình thức cuốn chiếu (tiêm theo thứ tự giảm dần độ tuổi) và từ ngày 18.4.2022 sẽ tiêm đồng loạt cho học sinh tiểu học trên toàn thành phố. Qua thống kê từ các Phòng giáo dục trên địa bàn, tỷ lệ phụ huynh đồng ý tiêm vắc xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi ở TP.HCM là khoảng 77,58%.

Tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh tiểu học: trẻ mắc bệnh nào không được tiêm, hoãn tiêm?

Theo PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Chủ nhiệm bộ môn Y ĐH Y Dược TP.HCM, Trưởng khoa Covid Bệnh viện Nhi Đồng 1, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là rất cần thiết, nhất là những trẻ có bệnh nền. Bác sĩ Nguyên cho rằng trẻ em rất dễ nhiễm Covid-19 và hậu Covid là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là hội chứng viêm đa cơ quan, thúc đẩy các rối loạn miễn dịch và bệnh lý nền, thậm chí là hội chứng viêm gan cấp nặng đòi hỏi phải ghép gan.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, những trẻ mắc bệnh nền ổn định có thể tiêm bình thường, trong khi những trẻ có bệnh nền không ổn định không được tiêm. Trường hợp trẻ mắc các bệnh cấp tính hoặc sử dụng thuốc gây ức chế hệ miễn dịch phải được đánh giá kỹ càng và có thể hoãn tiêm.

Hiện 2 loại vắc xin phòng Covid-19 được phép tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là Moderna và Pfizer. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là khoảng 4 đến 8 tuần, và chỉ được tiêm cùng loại vắc xin. Theo bác sĩ Nguyên, liều lượng và những lưu ý khi tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng khác so với các độ tuổi lớn hơn. Thêm nữa, bắt buộc phải ở lại cơ sở tiêm để theo dõi sau tiêm 30 phút vì đây là giai đoạn quyết định có xảy ra sốc phản vệ hay không.

Đối với trường hợp trẻ là F0 đã khỏi bệnh, có nên tiêm vắc xin Covid-19 hay không, nếu tiêm thì nên tiêm vào thời điểm nào cũng là vấn đề mà nhiều bậc cha mẹ quan tâm.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ước tính đến nay có khoảng 8,2 triệu trẻ trong số này chưa mắc Covid-19. Việc tiêm đủ 2 mũi cho những trẻ đủ điều kiện sẽ được tiến hành đến cuối quý 2 của năm 2022. Trước đó, vào sáng 14.4.2022, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Vắc xin Covid-19 không ảnh hưởng tới dậy thì và chức năng sinh sản của trẻ

Trước thông tin lo ngại của một số cha, mẹ về việc tiêm vắc xin Covid-19 mRNA ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ khi trưởng thành; ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ, trong đó có lo lắng về nguy cơ gây vô sinh, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết Bộ Y tế đã phê duyệt sử dụng 2 vắc xin Covid-19 mRNA tiêm phòng cho trẻ từ 12 - 17 tuổi và từ 2 đến dưới 12 tuổi là vắc xin Pfizer và Moderna.

Vắc xin Covid-19 không ảnh hưởng tới dậy thì và chức năng sinh sản của trẻ

Hai vắc xin này có thành phần mRNA của vi rút nhưng khi vào cơ thể hoàn toàn không có tương tác với ADN của người, do đó không có nguy cơ gây ra rối loạn biến đổi gien, hay ảnh hưởng về lâu dài đến sức khỏe sinh sản (rối loạn vô sinh) hoặc ung thư… như các phụ huynh đang lo lắng.

Cũng theo ý kiến của chuyên gia về vắc xin và tiêm chủng, chưa thấy có mối liên quan giữa việc sử dụng vắc xin của hai nhà sản xuất này với các tác động xấu đến sức khỏe.

TS-BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện nhi Trung ương, cho biết thêm vắc xin Covid-19 mRNA đã được triển khai ở trên 50 quốc gia, riêng khu vực Tây Thái Bình dương đã có 20 quốc gia đã tiêm.

Bên cạnh đó, vắc xin mRNA khi vào tế bào sẽ giúp tế bào tổng hợp được protein gai SAR-CoV-2 có thành phần kháng nguyên kích hoạt hệ miễn dịch của con người.

Khi đã hết chức năng, mRNA sẽ được các enzym của tế bào tiêu huỷ. Như vậy, về mặt lý thuyết, mRNA sẽ không tác động tới nhân của tế bào.

Theo phân tích về mặt khoa học thì phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm vì không có cơ chế ảnh hưởng tới cấu trúc di truyền.

Chuyên gia về vắc xin và tiêm chủng lưu ý để trẻ tiêm vắc xin Covid-19 an toàn thì các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh các mốc thời gian theo dõi sức khỏe như sau: 30 phút sau tiêm, 24 giờ, 3 ngày đầu, 1 tuần đầu và 28 ngày sau tiêm.

Sau tiêm, trẻ có thể có những thay đổi về nhịp tim nhanh, đau ngực, khó thở. Do vậy sau tiêm vắc xin trẻ không nên hoạt động thể lực nặng (gây ra khó thở, đau ngực, nhịp tim nhanh) để tránh nhầm lẫn triệu chứng tai biến sau tiêm. Đồng thời các hoạt động thể lực gắng sức cũng có thể kích hoạt những phản ứng không mong muốn.

Giải thích thêm về cơ chế của vắc xin mRNA, một chuyên gia về vắc xin cho hay vắc xin mRNA sử dụng mRNA (vật liệu di truyền) được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Khi vào cơ thể người, “vật liệu” này giúp các tế bào tạo ra protein kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể.

Phản ứng miễn dịch đó sẽ tạo ra các kháng nguyên để bảo vệ chúng ta không nhiễm bệnh khi có vi rút thực sự xâm nhập cơ thể. Vắc xin mRNA không thay đổi ADN của cơ thể người.

Còn gần 9 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19 chưa được nhập lên hệ thống

Theo thông tin được đề cập trong Báo cáo số 516 của Bộ Y tế gửi Bộ Công an về việc chuyển giao Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 về Bộ Y tế và công tác "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng Covid-19, trong số 207 triệu mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19, trên hệ thống tiêm chủng ghi nhận gần 83 triệu đối tượng và gần 200 triệu mũi tiêm. Hiện còn gần 9 triệu mũi tiêm chưa được nhập lên hệ thống. Các số liệu này tính đến ngày 5.4.2022.

Còn gần 9 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19 chưa được nhập lên hệ thống

Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 đã gửi sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hơn 82 triệu đối tượng tương ứng với hơn 196 triệu mũi tiêm, trong đó:

- Số đối tượng có thông tin CCCD/CMND là hơn 72 triệu đối tượng tương ứng với gần 175 triệu mũi tiêm.

- Số đối tượng không có thông tin CCCD/CMND hoặc sai định dạng CCCD/CMND là gần 10 triệu đối tượng, tương ứng với hơn 22 triệu mũi tiêm.

- Tổng số đối tượng còn lại chưa gửi xong là gần 660.000 đối tượng, tương ứng với gần 2 triệu mũi tiêm.

Liên quan đến việc ký xác nhận thông tin tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 điện tử (tức hộ chiếu vắc xin), theo thông tin của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế đến chiều tối 15.4, cả nước đã có gần 500.000 người đã có hộ chiếu vắc xin. Đây là số liệu tổng hợp của hơn 200 cơ sở tiêm chủng.

Ngày 15.4, Bộ Y tế tiếp tục có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố; các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Bộ và Y tế các bộ, ngành về việc hướng dẫn triển khai ký xác nhận hộ chiếu vắc xin.

Theo đó, tại văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký ban hành, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn quản lý; các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Bộ Y tế và các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Y tế Bộ, Ngành thực hiện nghiêm việc bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng phục vụ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đồng thời tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân sử dụng chức năng Phản ánh thông tin tiêm chủng trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 (tại địa chỉ web: tiemchungcovid19.gov.vn) trong trường hợp sai sót thông tin tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Hộ chiếu vắc xin điện tử được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử và PC-COVID hoặc trên trang tra cứu Bộ Y tế.

Do đó, với người dân chưa được cấp hộ chiếu vắc xin do thiếu, sai thông tin cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật hoặc phản ánh trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19: tiemchungcovid19.gov.vn. Ngoài ra, người dân có thể gọi điện đến tổng đài của Bộ Y tế theo số điện thoại 19009095 để phản ánh hoặc tư vấn các vấn đề liên quan đến hộ chiếu vắc xin.

Liên quan đến tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đã có hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ độ tuổi này phải cập nhật mã định danh để kết nối, xác thực, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đồng thời các cơ sở tiêm chủng phải thực hiện ký số ngay trong ngày để cập nhật lên hệ thống, Cục Y tế dự phòng tiến hành ký số tập trung để cấp hộ chiếu vắc xin. Trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi cũng sẽ được cấp hộ chiếu vắc xin như đối tượng tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 khác.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 17.4 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.