Bản tin Covid-19 ngày 15.3: TP.HCM đã sẵn sàng tiêm vắc xin cho trẻ 5-12 tuổi

15/04/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 15.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 15.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố 73.934 ca Covid-19, 6.417 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 15.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 14.4 đến 16h ngày 15.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 20.076 ca nhiễm mới, Sở Y tế Nghệ An đăng ký bổ sung 53.858 ca. Như vậy, tổng số ca được công bố trong ngày là 73.934 ca.

Có 6.417 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 23 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.924 ca.

Ngày 15.4: Công bố 73.934 ca Covid-19, 6.417 ca khỏi | Hà Nội 1.425 ca | TP.HCM 743 ca

Thông tin về 73.934 ca nhiễm được công bố như sau:

  • 0 ca nhập cảnh.
  • 20.076 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.936 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 15.555 ca trong cộng đồng). Gồm Hà Nội (1.425), Phú Thọ (1.094), Bắc Giang (935), Yên Bái (895), Quảng Ninh (887), Nghệ An (865), Vĩnh Phúc (813), TP.HCM (743), Tuyên Quang (687), Đắk Lắk (671), Hải Dương (610), Bắc Kạn (595), Lào Cai (548), Quảng Bình (532), Thái Nguyên (528), Thái Bình (511), Bắc Ninh (506), Lạng Sơn (405), Gia Lai (361), Sơn La (353), Cao Bằng (336), Hưng Yên (309), Lâm Đồng (302), Quảng Trị (269), Ninh Bình (265), Nam Định (262), Hà Nam (262), Hà Tĩnh (255), Bình Định (248), Tây Ninh (231), Quảng Nam (226), Lai Châu (225), Hòa Bình (215), Bình Phước (210), Điện Biên (206), Hà Giang (202), Vĩnh Long (196), Đà Nẵng (190), Cà Mau (184), Phú Yên (150), Đắk Nông (148), Bình Dương (147), Thanh Hóa (119), Quảng Ngãi (110), Hải Phòng (106), Bà Rịa - Vũng Tàu (106), Bình Thuận (97), Bến Tre (94), Thừa Thiên-Huế (92), An Giang (71), Long An (62), Khánh Hòa (61), Trà Vinh (33), Bạc Liêu (31), Kon Tum (25), Kiên Giang (23), Cần Thơ (14), Đồng Nai (13), Ninh Thuận (8), Hậu Giang (7), Đồng Tháp (2).
  • Ngày 15.4.2022, Sở Y tế Nghệ An đăng ký bổ sung 53.858 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-252), Lào Cai (-200), Lâm Đồng (-187).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (+253), Hà Giang (+89), Phú Yên (+68).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 25.163 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.394.533 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 105.104 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.386.786 ca, trong đó có 8.860.227 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.531.044), TP.HCM (605.596), Nghệ An (474.374), Bình Dương (382.453), Bắc Giang (378.943).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 6.417 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 8.863.044 ca

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.242 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 953 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 81 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 54 ca
  • Thở máy xâm lấn: 151 ca
  • ECMO: 3 ca

Từ 17h30 ngày 14.4 đến 17h30 ngày 15.4 ghi nhận 23 ca tử vong tại: Bến Tre (4), Kiên Giang (2), An Giang (1), Bắc Kạn (1), Bạc Liêu (1), Bắc Ninh (1), Bình Dương (1), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1), Cao Bằng (1), Điện Biên (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Hà Nội (1), Lâm Đồng (1), Quảng Ngãi (1), Thanh Hóa (1), Vĩnh Long (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 22 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.924 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 quốc gia, vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện được 39.304.020 mẫu tương đương 85.578.698 lượt người.

Trong ngày 14.4 có 134.082 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 209.101.297 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 191.869.509 liều: Mũi 1 là 71.405.925 liều; Mũi 2 là 68.519.396 liều; Mũi 3 là 1.505.609 liều; Mũi bổ sung là 15.055.572 liều; Mũi nhắc lại là 35.383.007 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.231.788 liều: Mũi 1 là 8.825.148 liều; Mũi 2 là 8.406.640 liều.

TP.HCM sẵn sàng 604 bàn tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 - 12 tuổi

Sáng 15.4.2022, Sở Y tế TP.HCM họp trực tuyến với các quận, huyện, đơn vị liên quan triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi từ ngày 16.4.

TP.HCM sẵn sàng 604 bàn tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 12 tuổi

Sở Y tế TP.HCM đã chính thức có văn bản triển khai chi tiết tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại TP.HCM.

Theo kế hoạch này, TP.HCM có khoảng 898.537 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó có 885.730 trẻ đi học và 12.807 trẻ không đi học, được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội sẽ được tiêm.

Ngành y tế sẽ tổ chức tiêm tại trường học, cộng đồng, các cơ sở tiêm chủng và bệnh viện (đối với trẻ đang điều trị nội trú hoặc có chỉ định tiêm tại bệnh viện).

Thực hiện tiêm theo lứa tuổi giảm dần, ưu tiên tiêm trước cho trẻ đang học lớp 6 và hạ dần theo độ tuổi tùy theo tiến độ cung ứng vắc xin.

Đối với trẻ đã từng mắc Covid-19 sẽ được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 sau 90 ngày (kể từ ngày mắc bệnh).

Loại vắc xin sử dụng là vắc xin được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (vắc xin Pfizer và Moderna), tiêm các liều cơ bản cùng loại vắc xin.

Đối với mũi 1, TP.HCM bắt đầu từ ngày 16.4 đến ngày 30.4. Cụ thể, ngày 16.4, triển khai tổ chức tiêm cho trẻ đang học lớp 6 tại 22 quận, huyện, TP.HCM Thủ Đức.

Riêng đối với trẻ đang học lớp 5, Sở Y tế và Sở GD-ĐT thống nhất chọn 5 trường tiểu học để tiêm thí điểm, gồm: Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1; Trường tiểu học Bàu Sen, Q.5; Trường tiểu học Dương Minh Châu, Q.10; Trường tiểu học Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận; Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú.

Sau khi tiêm thí điểm 5 trường sẽ sơ kết và triển khai tiêm đồng loạt cho trẻ ở 22 quận, huyện, Thủ Đức vào ngày 18.4.2022.

Từ ngày 18.4 – 28.4, tổ chức tiêm đồng loạt tại 22 quận, huyện, Thủ Đức.

Từ ngày 29 và 30.4, tổ chức tiêm vét tại các điểm tiêm cộng đồng do quận, huyện bố trí.

Đối với mũi 2, TP.HCM dự kiến tiêm trong vòng 14 ngày khi đủ thời gian và khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Theo Sở Y tế TP.HCM, để tiêm vắc xin hết cho số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn TP.HCM trong vòng 14 ngày thì mỗi ngày TP.HCM sẽ bố trí 604 bàn tiêm (mỗi bàn tiêm sẽ tiêm cho 50 trẻ/buổi). Kèm theo đó là 74 xe cấp cứu trực chiến sẵn sàng.

Tùy thuộc số lượng vắc xin được cung ứng, để tránh lãng phí nguồn lực khi không cần thiết, các quận, huyện ưu tiên huy động nguồn lực tại chỗ để chủ động tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ.

Trong trường hợp cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em, quận, huyện, TP.HCM Thủ Đức sẽ huy động thêm nhân sự do Sở Y tế phân công. Tùy vào tình hình thực tế tại mỗi địa phương, Sở Y tế sẽ điều chỉnh nhân sự tham gia của các đơn vị.

Bộ Y tế cấp lần 1 cho TP.HCM 87.500 liều vắc xin ngừa Covid-19 và số vắc xin này đã có tại TP.HCM. Sau đó cấp tiếp 138.000 liều và 147.000 liều để tiêm cho trẻ em lứa tuổi trên, tất cả 3 đợt này đều là vắc xin Moderna.

Vì sao không cho trẻ vận động mạnh 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin

Ngày 14.4.2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và cho biết trong nước, tỉ lệ tiêm chủng liều cơ bản cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên hiện đã đạt 96 - 99%. Đồng thời, cả nước đang khẩn trương hoàn thành tiêm liều thứ 3 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên.

Vì sao không cho trẻ vận động mạnh 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin Covid-19?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết việc duy trì tiêm chủng thường xuyên và tiêm vắc xin Covid-19 góp phần bảo vệ sức khỏe trẻ em; giảm mắc, giảm lây truyền Covid-19 trong gia đình; bảo vệ sức khỏe cho giáo viên và học sinh…

Với tỉ lệ bao phủ vắc xin cao cho nhóm đối tượng, lứa tuổi có nguy cơ cao, Việt Nam đủ điều kiện tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm chủng và triển khai tiêm chủng cho các nhóm đối tượng khác, bao gồm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Bộ Y tế cho biết, theo khảo sát của 63 tỉnh thành, dự tính cả nước có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm vắc xin Covid-19. Trong đó, ước tính có 3,6 triệu trẻ đã mắc Covid-19 và 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19. Do đó, đợt đầu tiên sẽ tiêm cho trẻ chưa mắc Covid-19; mỗi trẻ tiêm đủ liều cơ bản gồm 2 mũi vắc xin. Dự kiến, trong tháng 7 - 8 sẽ tiêm hết cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm.

Liên quan đến vấn đề sau tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết với trẻ độ tuổi này sau khi tiêm vắc xin, phụ huynh cần chú ý không để trẻ vận động mạnh, thực hiện các hoạt động gắng sức, hay chơi thể dục thể thao.

Bởi sau khi tiêm vắc xin, trẻ sẽ đau cơ, các hoạt động vận động mạnh sẽ khiến trẻ bị căng cơ. Vùng bắp tay tại vị trí tiêm thường sẽ bị đau nhiều, ngoài ra có thể có các hội chứng viêm tại vùng tiêm, do đó nếu vận động nhiều sẽ làm tăng chuyển hóa, phản ứng tiêm tại chỗ.

Bên cạnh đó, đối với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỉ lệ gặp phản ứng phụ như viêm cơ tim là khá thấp, tuy nhiên phụ huynh vẫn phải theo dõi sát trẻ trong 3 ngày đầu, luôn cần có người lớn theo dõi để kịp thời thấy những triệu chứng bất thường.

Về những phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin ở trẻ 5-11 tuổi, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết với vắc xin Pfizer, những phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin ở trẻ độ tuổi này bao gồm: mệt mỏi (50%), đau đầu (30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (20%), đau cơ và ớn lạnh (10%), sốt (10%, tần suất cao hơn đối với liều thứ 2).

Với vắc in Moderna, những phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin ở trẻ 5-11 tuổi bao gồm: đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27.0%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm (22,3%) và đau khớp (21,3%).

Những phản ứng nghiêm trọng rất hiếm gặp sau tiêm 2 vắc xin Pfizer và Moderna cho trẻ em 5 -11 tuổi bao gồm viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, phản ứng phản vệ.

Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh lưu ý phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu bất thường để cho trẻ nhập viện theo dõi ngay. Các triệu chứng bao gồm như: kích thích vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng, đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi, khó thở, sốt cao khó hạ nhiệt độ, hoặc kéo dài hơn 24 giờ, phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ...

Cách khắc phục rối loạn giấc ngủ hậu Covid-19?

Theo thông tin từ các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng, rối loạn giấc ngủ hậu Covid-19 chiếm tỉ lệ từ 20 - 37% và là 1 trong 3 triệu chứng hậu Covid-19 thường gặp bên cạnh khó thở và mệt mỏi.

Cách khắc phục rối loạn giấc ngủ hậu Covid-19?

Bác sĩ CK 2 Nguyễn Hứa Quang, Trưởng khoa Nội Hô hấp - Miễn dịch dị ứng (Bệnh viện Đà Nẵng), cho biết trong giai đoạn đại dịch Covid-19 kéo dài gần 3 năm qua, theo thống kê, tần suất người mắc các rối loạn giấc ngủ hậu Covid-19 tăng lên 60 - 70%, kể cả những người không bị Covid-19 cũng bị mất ngủ.

Ngoài nguyên nhân mất ngủ do chính Covid-19 gây ra thì stress, lo lắng, giãn cách xã hội, có người thân mất vì Covid-19... cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và tâm lý của bệnh nhân, gây rối loạn giấc ngủ. Các biểu hiện của rối loạn giấc ngủ thường gặp như: bệnh nhân khó đi vào giấc ngủ, thường bị thức dậy trong đêm, thức dậy sớm hơn bình thường và không ngủ lại được...

Bác sĩ Nguyễn Hứa Quang nhấn mạnh để điều trị tình trạng rối loạn giấc ngủ này thì “vệ sinh giấc ngủ” đóng vai trò rất quan trọng.

Bác sĩ Quang cũng đề nghị bệnh nhân cần thực hiện một số biện pháp như sau:

- Cố gắng điều chỉnh giờ đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm mỗi ngày để ổn định đồng hồ sinh học.

- Không ngủ trưa quá nhiều (chỉ khoảng 20 - 30 phút/ngày), không nên ngủ bù cho đêm trước mất ngủ.

- Tránh dùng các chất kích thích như trà, cà phê, hút thuốc lá, rượu bia trước khi đi ngủ.

- Tránh ăn quá no hay tập luyện quá sức trước giờ ngủ.

- Tránh xem điện thoại, tivi, laptop trước khi ngủ.

- Giữ phòng ngủ yên tĩnh, đủ tối, nhiệt độ thích hợp, không nên để đèn ngủ với ánh sáng màu xanh. Giường ngủ thoải mái, sạch sẽ…

Nếu bệnh nhân kiên trì thực hành thì dần dần sẽ cải thiện triệu chứng rối loạn giấc ngủ. Ngoài việc “vệ sinh giấc ngủ”, việc điều trị các triệu chứng khác của hậu Covid-19, đảm bảo dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ chất và tập luyện thể lực sẽ góp phần đem lại cho bệnh nhân hậu Covid-19 một giấc ngủ tốt.

Trường hợp không cải thiện được tình trạng giấc ngủ sau khi thực hành “vệ sinh giấc ngủ”, bệnh nhân nên đi khám bệnh tại bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Hứa Quang khuyến cáo bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc uống vì nếu dùng thuốc không đúng sẽ bị tác dụng phụ, thậm chí làm bệnh rối loạn mất ngủ hậu Covid-19 trầm trọng hơn.

Phương pháp mới điều trị mất khứu giác do nhiễm Covid-19

Trang Deseret News cho biết các nhà nghiên cứu tại Đại học Thomas Jefferson (tại Mỹ) đang phát triển một phương pháp điều trị cho những người bị mất khứu giác lâu dài do Covid-19.

Phương pháp mới điều trị mất khứu giác do nhiễm Covid-19

Nghiên cứu này đã sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu như một liệu pháp phục hồi để tái tạo các tế bào khứu giác. Quá trình được bắt đầu bằng việc hòa tan huyết tương từ máu của bệnh nhân và sau đó cấy vào mũi. Mục đích nhằm sửa chữa các tế bào có thể đã bị hư hỏng do nhiễm Covid-19. Quá trình cấy sẽ được theo dõi trong tối thiểu 3 tháng.

Mất khứu giác hoặc thay đổi khứu giác có thể gây mất hứng thú với việc ăn uống và dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác. Một nghiên cứu được công bố trên chuyên trang JAMA (Tạp chí của Hiệp hội Y học Mỹ) thống kê có khoảng 1,5 triệu người ở nước này đã trải qua tình trạng mất khứu giác lâu dài sau khi nhiễm Covid-19.

Khi bị nhiễm Covid-19, vi rút không thực sự tấn công các tế bào thần kinh phát hiện mùi mà tấn công vào các tế bào hỗ trợ, lót trong khoang mũi. Theo chuyên trang Cell, các tế bào bị nhiễm bệnh sẽ chết đi khi các tế bào miễn dịch đổ xô đến khu vực đó để chống lại vi rút. Sự viêm nhiễm của các tế bào ngăn chặn các thụ thể mùi hoạt động bình thường.

Mặc dù nghiên cứu chỉ đang ở giai đoạn đầu nhưng những người tham gia cho thấy sự cải thiện đáng kể của các triệu chứng. Theo Deseret News, các nhà khoa học tại Đại học Thomas Jefferson cho biết đang có kế hoạch mở rộng nghiên cứu và tập trung vào những bệnh nhân bị mất khứu giác lâu dài do Covid-19.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 15.3 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.