Bản tin Covid-19 ngày 12.4: Cả nước hơn 10,2 triệu ca | Covid-19 có thể sớm thành bệnh lưu hành

12/04/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 12.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 12.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 22.804 ca Covid-19, 202.184 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 12.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 11.4 đến 16h ngày 12.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 22.804 ca nhiễm mới.

Có 202.184 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 28 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.858 ca.

Ngày 12.4: Cả nước 22.804 ca Covid-19, 202.184 ca khỏi | Hà Nội 1.942 ca | TP.HCM 658 ca

Thông tin về 22.804 ca nhiễm mới như sau:

  • 0 ca nhập cảnh.
  • 22.804 ca ghi nhận trong nước (giảm 377 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 17.375 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (1.942), Phú Thọ (1.384), Yên Bái (1.102), Đắk Lắk (1.092), Nghệ An (1.046), Bắc Giang (1.012), Bắc Kạn (999), Lào Cai (988), Vĩnh Phúc (915), Quảng Ninh (905), Tuyên Quang (823), TP.HCM (658), Thái Bình (643), Thái Nguyên (593), Hải Dương (520), Cao Bằng (489), Quảng Bình (486), Hưng Yên (462), Lạng Sơn (366), Lâm Đồng (340), Gia Lai (311), Cà Mau (296), Hà Tĩnh (290), Sơn La (287), Hòa Bình (278), Lai Châu (270), Bắc Ninh (260), Quảng Nam (253), Quảng Trị (237), Đà Nẵng (235), Tây Ninh (235), Hà Nam (230), Bình Phước (215), Hà Giang (209), Bình Định (205), Vĩnh Long (189), Quảng Ngãi (182), Nam Định (176), Thanh Hóa (161), Đắk Nông (158), Ninh Bình (157), Điện Biên (156), Bình Dương (136), Hải Phòng (123), Phú Yên (100), Thừa Thiên-Huế (93), Bà Rịa - Vũng Tàu (85), Khánh Hòa (83), Bến Tre (79), Long An (57), Sóc Trăng (52), Trà Vinh (47), An Giang (45), Bình Thuận (42), Bạc Liêu (41), Kon Tum (23), Kiên Giang (16), Cần Thơ (7), Đồng Tháp (5), Tiền Giang (4), Đồng Nai (4), Ninh Thuận (4), Hậu Giang (3).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Giang (-455), Nghệ An (-424), Gia Lai (-173).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+385), Bắc Kạn (+309), Phú Thọ (+197).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 34.682 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.272.964 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 103.882 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.265.217 ca, trong đó có 8.754.290 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.526.215), TP.HCM (603.128), Nghệ An (417.687), Bình Dương (381.852), Bắc Giang (376.596).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 202.184 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 8.757.107 ca

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.237 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 920 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 124 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 33 ca
  • Thở máy xâm lấn: 157 ca
  • ECMO: 3 ca

Từ 17h30 ngày 11.4 đến 17h30 ngày 12.4 ghi nhận 28 ca tử vong tại: Quảng Nam (3), Bắc Kạn (2), Gia Lai (2 ca trong 2 ngày), Hà Nội (2), Hải Dương (2), Hậu Giang (2), Kiên Giang (2), Phú Thọ (2), Bến Tre (1), Bình Dương (1), Bình Phước (1), Đắk Lắk (1), Đồng Tháp (1), Hà Nam (1), Khánh Hòa (1), Lâm Đồng (1), Phú Yên (1), Quảng Bình (1), Tây Ninh (1)

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 25 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.858 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 quốc gia, vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện được 39.094.243 mẫu tương đương 85.106.796 lượt người.

Trong ngày 11.4 có 32.473 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 208.596.156 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 191.366.877 liều: Mũi 1 là 71.383.300 liều; Mũi 2 là 68.491.388 liều; Mũi 3 là 1.505.536 liều; Mũi bổ sung là 15.012.049 liều; Mũi nhắc lại là 34.974.604 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.229.279 liều: Mũi 1 là 8.823.693 liều; Mũi 2 là 8.405.586 liều.

Covid-19 có thể sớm thành bệnh lưu hành

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur đang triển khai nghiên cứu thu thập dữ liệu để phân tích và đề xuất việc sử dụng vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian tới.

Covid-19 có thể sớm thành bệnh lưu hành

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định dịch Covid-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành, đồng nghĩa với việc tỷ lệ người dân có kháng thể cao nhờ được tiêm chủng hoặc do đã nhiễm bệnh, số ca mắc mới tăng ở mức ổn định.

Với nhận định đó, WHO ban hành Kế hoạch đáp ứng và phòng chống, kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm 2022, khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.

Theo Bộ Y tế, kế hoạch của WHO đưa ra mục tiêu: giảm và kiểm soát được số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới, đặc biệt là các trường hợp dễ bị tổn thương hoặc những người làm việc trong môi trường có nguy cơ, từ đó làm giảm khả năng xuất hiện các biến thể của vi rút và giảm áp lực đối với hệ thống y tế; tăng cường năng lực dự phòng, chẩn đoán và điều trị bệnh Covid-19 nhằm giảm số ca mắc, tử vong và biến chứng hậu Covid-19.

WHO cũng đang thảo luận về các tiêu chí đánh giá và thời điểm có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu mặc dù nhìn nhận chưa thể tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp ở thời điểm hiện tại.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đánh giá dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Số ca mắc mới có xu hướng giảm tại hầu hết các tỉnh, thành trong tuần qua, số trường hợp tử vong giảm mạnh, còn trên dưới 30 ca mỗi ngày (ngày 10.4 ghi nhận giảm còn 19 ca tử vong).

Bộ Y tế đang cập nhật, xây dựng kế hoạch đáp ứng và phòng chống dịch Covid-19 nhằm tiến tới chấm dứt giai đoạn khẩn cấp của đại dịch theo 3 tình huống phù hợp với hướng dẫn mới nhất của WHO.

Trong đó, tình huống 1: Chủng vi rút vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên, do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần, dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước, cần tiêm vắc xin tăng cường định kỳ cho các nhóm ưu tiên.

Tình huống 2: Xuất hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn, không cần tiêm nhắc lại hoặc phát triển các loại vắc xin mới.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động đánh giá xu hướng tăng, giảm ca nặng, số ca nhập viện so với số ca mắc để đánh giá nguy cơ tình hình dịch, không để quá tải hệ thống y tế; đồng thời nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm tối đa các trường hợp tử vong; chủ động, sẵn sàng các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.

Tình huống 3: Xuất hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương, cần phát triển vắc xin mới hoặc triển khai tiêm mũi tăng cường trên diện rộng cho các nhóm.

Bộ Y tế đánh giá với diễn biến dịch như hiện nay các địa phương vẫn cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc điều trị Covid-19. Trong đó, ưu tiên những người thuộc đối tượng chống chỉ định cần được tư vấn, thăm khám (kể cả trực tuyến) để đảm bảo sử dụng thuốc được an toàn.

Tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vắc xin; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vắc xin. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về việc tiêm mũi tăng cường 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Cô giáo Hà Nội háo hức chờ đón trẻ trở lại trường mầm non

Ngay sau khi nhận được văn bản cho phép của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường mầm non trên địa bàn đã tất bật công tác chuẩn bị đón trẻ trở lại.

Trường mầm non tại Hà Nội trước ngày mở cửa trở lại

Lau đồ chơi, dụng cụ học tập, quét dọn lớp, hấp sấy dụng cụ làm bếp, phun khử khuẩn… là những công việc chủ yếu của các giáo viên mầm non trong những ngày qua. Ai cũng phấn khởi, đan xen một chút hồi hộp sau thời gian nghỉ quá lâu.

Theo đại diện Trường mầm non Shining Star thì thời gian nghỉ quá lâu khiến trẻ khó nắm bắt kiến thức, kỹ năng. Ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trường còn nghiên cứu thêm các bài giảng để giúp trẻ mầm non có thêm kỹ năng học tập cần thiết khi bắt đầu theo học trở lại.

Cũng theo cô Khánh Linh, do thời gian nghỉ dịch kéo dài nên đời sống của tất cả giáo viên, cán bộ nhà trường cũng bị ảnh hưởng. Nhà trường đã động viên, tặng quà, hỗ trợ, tạo niềm tin giúp các giáo viên gắn bó lâu dài hơn.

Ngày 13.4, hơn 500.000 trẻ mầm non của Hà Nội sẽ được trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài nghỉ do dịch Covid-19.

Người mắc Covid-19 tiêm vắc xin sau khi hồi phục từ 3 - 6 tháng

Theo Bộ Y tế, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên cả nước. Từ cuối tháng 12.2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3 do biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay.

Người mắc Covid-19 tiêm vắc xin sau khi hồi phục từ 3 - 6 tháng

Tuy nhiên, Bộ Y tế khuyến cáo, số mắc mới giảm nhưng người khỏi bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm, do vậy cần tiếp tục hoàn thành tiêm vắc xin mũi 3.

Ước tính, hiện có khoảng 70% đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm mũi 3; đã tiêm mũi 3 cho khoảng 85% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm.

Số còn lại chưa tiêm mũi 3 vì một số lý do như: số lượng người mắc Covid-19 trùng với thời điểm cần tiêm mũi 3, do đó có sự trì hoãn tiêm chủng; một bộ phận người dân đã tiêm 2 liều vắc xin sau khi mắc Covid-19 và bình phục có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh.

Về thời điểm tiêm mũi 3 với người từng mắc Covid-19, Bộ Y tế cho biết những người từ trên 12 tuổi đã mắc Covid-19 tiêm vắc xin phòng Covid-19 sau khi hồi phục từ 3 - 6 tháng.

Trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đã mắc Covid-19: tiêm vắc xin phòng Covid-19 sau khi khỏi bệnh ít nhất 3 tháng, tiêm các liều cơ bản cùng loại vắc xin cho trẻ.

Các địa phương đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vắc xin; tăng cường vận động người dân tiêm vắc xin, tránh bỏ sót; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở. Sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên.

Bộ Y tế cũng cho biết các đơn vị chuyên môn hiện tiếp tục tổng hợp số liệu về tình hình dịch bệnh Covid-19 và tiêm chủng trên thế giới và tại Việt Nam để đề xuất chính sách sử dụng vắc xin Covid-19 trong thời gian tới.

Mặc dù các số liệu tại Việt Nam chưa được thu thập đầy đủ nhưng với số ca mắc đã ghi nhận hơn 10 triệu là nguồn dữ liệu rất lớn để phân tích, đánh giá. Bộ Y tế đang tổng hợp tình hình dịch bệnh Covid-19 với các biến chủng từ trước tới nay để phân tích, là cơ sở khoa học, đánh giá diễn biến dịch, chủ động các kế hoạch phòng chống dịch và công bố thông tin cho cộng đồng.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường hướng dẫn các biện pháp điều trị tại nhà, tại cơ sở y tế để không quá tải hệ thống y tế, nhất là tại tầng 3, tập trung quản lý người có nguy cơ caongười lao động.

Điều chỉnh, cập nhật các quy định về thời gian cách ly F0, F1 theo hướng không cách ly y tế tại nhà đối với người tiếp xúc gần, trừ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

WHO thêm hai biến thể phụ mới của Omicron vào danh sách cần theo dõi

Ngày 11.4.2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo đang theo dõi một số ca nhiễm hai biến thể phụ mới BA.4 và BA.5, biến thể "cùng lứa" với của biến thể phụ gốc BA.1 của Omicron có khả năng lây lan nhanh vì "những đột biến mới này cần được nghiên cứu sâu hơn để hiểu về tác động của chúng đối với khả năng trốn hệ miễn dịch".

WHO thêm hai biến thể phụ mới của Omicron vào danh sách cần theo dõi

WHO đã theo dõi biến thể phụ BA.1 và BA.2, hiện chiếm chủ đạo số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu, cũng như biến thể phụ BA.1.1 và BA.3.

Tất cả các loại vi rút thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, chỉ có một số biến thể tác động tới khả năng lây lan hoặc lẩn trốn được khả năng miễn dịch có được nhờ tiêm phòng hoặc sau khi mắc bệnh, hay mức độ nghiêm trọng của bệnh do các biến thể phụ này gây ra.

Ví dụ, biến thể phụ BA.2 của Omicron (còn gọi là biến thể Omicron tàng hình) hiện gây ra gần 94% số ca mắc được giải trình tự gien.

Biến thể này dễ lây lan hơn so với các biến thể phụ khác, song các bằng chứng cho đến nay cho thấy BA.2 không có khả năng làm bệnh trở nặng.

Theo WHO, chỉ có một số ca nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 được thông báo cho cơ sở dữ liệu toàn cầu GISAID của WHO.

Cơ quan An ninh Y tế Anh tuần trước cho biết biến thể phụ BA.4 đã được phát hiện ở Nam Phi, Đan Mạch, Botswana, vùng Scotland và vùng England từ ngày 10.1 đến ngày 30.3.2022.

Trong khi đó, toàn bộ các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 được phát hiện ở Nam Phi cho tới tuần trước.

Bộ Y tế Botswana ngày 11.4 thông báo nước này đã phát hiện 4 ca nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 ở những người từ 30-50 tuổi và đã tiêm phòng đầy đủ và có các biểu hiện triệu chứng thể nhẹ.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 12.4 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.