Bản tin Covid-19 ngày 10.4: Cả nước gần 10,2 triệu ca | Nhịp sống đã trở lại gần như trước dịch

10/04/2022 20:03 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 10.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 10.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 28.307 ca Covid-19, 34.991 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 10.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 9.4 đến 16h ngày 10.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 28.307 ca nhiễm mới.

Có tổng cộng 34.991 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 19 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.813 ca.

Ngày 10.4: Cả nước 28.307 ca Covid-19, 34.991 ca khỏi | Hà Nội 2.181 ca | TP.HCM 770 ca

Thông tin về 28.307 ca nhiễm mới như sau:

  • 0 ca nhập cảnh.
  • 28.307 ca ghi nhận trong nước (giảm 5.831 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 20.635 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.181), Bắc Giang (1.533), Nghệ An (1.525), Yên Bái (1.510), Lào Cai (1.219), Phú Thọ (1.203), Tuyên Quang (1.155), Quảng Ninh (1.086), Vĩnh Phúc (938), Thái Bình (918), Bắc Kạn (848), Quảng Bình (840), TP.HCM (770), Thái Nguyên (758), Lạng Sơn (721), Bắc Ninh (590), Đắk Lắk (548), Cao Bằng (515), Lâm Đồng (505), Hà Giang (460), Hải Dương (441), Sơn La (417), Hà Tĩnh (409), Gia Lai (399), Hà Nam (398), Quảng Trị (376), Vĩnh Long (348), Tây Ninh (346), Bình Định (340), Hưng Yên (338), Nam Định (316), Bình Phước (299), Ninh Bình (298), Lai Châu (288), Bến Tre (275), Quảng Nam (247), Hòa Bình (243), Điện Biên (242), Thanh Hóa (235), Bình Dương (218), Đà Nẵng (199), Cà Mau (198), Phú Yên (184), Đắk Nông (174), Quảng Ngãi (173), Thừa Thiên-Huế (171), Bà Rịa - Vũng Tàu (138), Bình Thuận (108), Kiên Giang (94), Khánh Hòa (85), Hải Phòng (85), An Giang (84), Trà Vinh (70), Bạc Liêu (63), Long An (59), Ninh Thuận (28), Đồng Nai (27), Kon Tum (25), Đồng Tháp (21), Cần Thơ (16), Hậu Giang (7), Tiền Giang (2).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-662), Phú Thọ (-449), Bắc Giang (-423).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tuyên Quang (+196), TP.HCM (+134), Bình Thuận (+18).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 42.928 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.198.236 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 103.136 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.190.492 ca, trong đó có 8.529.706 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.522.262), TP.HCM (601.886), Nghệ An (415.171), Bình Dương (381.599), Bắc Giang (374.531).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 34.991 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 8.532.523 ca

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.403 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 978 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 188 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 55 ca
  • Thở máy xâm lấn: 180 ca
  • ECMO: 2 ca

Từ 17h30 ngày 9.4 đến 17h30 ngày 10.4 ghi nhận 19 ca tử vong tại: Kiên Giang (3), Phú Yên (3 ca trong 2 ngày), Trà Vinh (3 ca trong 2 ngày), Bình Phước (2), Bình Dương (1), Cần Thơ (1), Đồng Tháp (1), Hà Tĩnh (1), Hải Dương (1), Sóc Trăng (1), Thái Nguyên (1), Vĩnh Long (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 30 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.813 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 quốc gia, vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.002.419 mẫu tương đương 85.007.902 lượt người.

Trong ngày 9.4 có 64.501 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 208.525.313 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 191.297.798 liều: Mũi 1 là 71.382.102 liều; Mũi 2 là 68.487.414 liều; Mũi 3 là 1.505.536 liều; Mũi bổ sung là 15.008.830 liều; Mũi nhắc lại là 34.913.916 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.227.515 liều: Mũi 1 là 8.822.709 liều; Mũi 2 là 8.404.806 liều.

Không phân biệt học sinh khi tiêm vắc xin Covid-19

Ngày 10.4.2022, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có công văn hỏa tốc về việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Không phân biệt học sinh khi tiêm vắc xin Covid-19

Cụ thể, Sở GD-ĐT đề nghị các địa phương, cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và chính quyền địa phương triển khai kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại TP.HCM đang theo học tại các cơ sở giáo dục, không phân biệt công lập và ngoài công lập, đảm bảo an toàn và hiệu quả khi tiêm.

Các trường thực hiện thống kê số liệu phụ huynh học sinh đồng thuận, không đồng thuận, số học sinh mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng gần đây. Đồng thời lập danh sách học sinh chưa có mã định danh và có hộ khẩu thường trú ngoài TP.HCM…

Sở GD-ĐT yêu cầu các trường huy động giáo viên, nhân viên tham gia hỗ trợ công tác tổ chức tiêm chủng tại trường gồm:

- Hỗ trợ rà soát, lập danh sách và quản lý thông tin theo từng lớp học.

- Hỗ trợ công tác tổ chức tại điểm tiêm.

- Cập nhật thông tin học sinh đã tiêm lên Hệ thống tiêm chủng Covid-19.

- Hỗ trợ cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 ngay trong buổi tiêm chủng.

- Ghi nhận các sự cố bất lợi sau tiêm của trẻ, thống kê kết quả tiêm chủng.

- Thống kê tình hình tiêm chủng của học sinh theo từng lớp vào cuối buổi tiêm để phối hợp ngành y tế tổ chức tiêm vét cho học sinh chưa tiêm hoặc theo dõi học sinh có chỉ định tiêm chủng tại bệnh viện cho đến khi được tiêm chủng…

Đối với phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và các quận, huyện, Sở GD-ĐT yêu cầu phối hợp trung tâm y tế tham mưu UBND TP.Thủ Đức, các quận huyện triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tổ chức kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi triển khai chiến dịch tiêm vắc xin.

Trước đó, ngày 4.4, UBND TP.HCM triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 và dự kiến tổ chức tiêm cho gần 900.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó có khoảng 885.730 trẻ đang đi học và 12.807 trẻ đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội và chưa đi học.

Cụ thể, đối với trẻ đang đi học sẽ tiêm tại trường hoặc tại điểm tiêm do cơ sở giáo dục và y tế địa phương phối hợp quyết định, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh.Đối với trẻ không đi học, tiêm tại điểm tiêm cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện quyết định.

Theo kế hoạch của UBND TP.HCM thì lộ trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 sẽ thực hiện ngay khi được Bộ Y tế cung ứng vắc xin, phấn đấu hoàn thành trước tháng 9.2022.

Cụ ông 85 tuổi mặc kệ mỏi gối, vẫn đến thắp nhang tưởng nhớ vua Hùng

Sáng 10.4.2022 (nhằm 10.3 âm lịch), lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cùng hàng trăm người dân ở TP.HCM và các tỉnh lân cạnh đã tới làm lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng tại Khu tưởng niệm các Vua Hùngthành phố Thủ Đức.

Cụ ông 85 tuổi mặc kệ mỏi gối, vẫn đến thắp nhang tưởng nhớ vua Hùng

Mặc dù đã 85 tuổi nhưng hằng năm cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, ông Lê Văn Thanh vẫn tới dâng hương đồng thời xem các chương trình lễ hội tại Khu tưởng niệm các vua Hùng. "Nó có mỏi gối một tí nhưng cũng coi như là một công hai việc. Cái thứ nhất là tới thắp nhang cho đức tổ Hùng Vương. Cái thứ hai xem tình hình dân chúng họ cúng viếng thế nào. Cái thứ ba cũng coi như kết hợp vừa thăm đền đức Tổ vừa tập cho khỏe bản thân", ông Thanh chia sẻ.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đọc diễn văn ghi nhớ công ơn Quốc Tổ: "Trong thời khắc thiêng liêng này, trước đền thờ Quốc Tổ và các vị anh hùng liệt sĩ, cho phép tôi thay mặt toàn thể đồng bào thành phố được thành kính tiễn đưa, chia sớt nỗi đau cùng gia đình những người thân đã mất (vì Covid-19). Để từ đó cố gắng vượt qua, nỗ lực vượt lên mọi khó khăn thử thách, để tiếp tục làm tốt hơn nữa, đạt được kết quả cụ thể, thiết thực nhiều hơn nữa để cùng hàn gắn những vết thương, chăm lo cho sức khỏe nhân dân, tái thiết nền kinh tế để phục hồi, phát triển thành phố ngày càng giàu mạnh, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước'.

Ngay sau chương trình trống hội, văn nghệ mở màn, đoàn đại biểu do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đã làm lễ dâng hương tại Đền tưởng niệm các vua Hùng.

Sau đó, lãnh đạo thành phố dâng hương, dâng hoa Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Nhiều người dân cũng tiếp nối đoàn dâng hương, tưởng nhớ các vua Hùng.

Trước đó, tối 8.4, Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 tại TP.HCM có chủ đề "Hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam" đã khai mạc. Lễ hội diễn ra từ ngày 8 đến 11.4 với nhiều hoạt động như các chương trình nghệ thuật, các hội trại, hội thi và các trò chơi dân gian.

Chôn chân trên đường lên Đền Hùng, nhiều người nhảy xuống chân núi

Sáng 10.4, hàng chục ngàn du khách đổ về Đền Hùng (Phú Thọ) để dâng hương các vua Hùng. Nhiều người dân không chịu được cảnh chen chúc nhau trên đường lên Đền Thượng đã bỏ cuộc ra về.

‘Chôn chân’ trên đường lên Đền Hùng, nhiều người nhảy xuống chân núi

Sáng 10.4, hàng vạn người đã đổ về khu vực sân trung tâm, chen lấn nhau lên đền Hùng. Lực lượng chức năng đã thiết lập hàng rào cứng và đứng thành hàng để hướng dẫn người dân lên đền, hạn chế tình trạng chen lấn. Tuy nhiên, do lượng khách ngày càng nhiều khiến việc đảm bảo phân luồng du khách, việc chống ùn ứ gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều người không chờ được, không còn đường quay lại nên đã mạo hiểm chọn cách leo xuống sườn núi, nhảy xuống chân núi.

"Tôi đến từ Hà Nam, năm nay tôi mới đi Đền Hùng là năm thứ 2. Năm ngoái tôi đi vào mùng 8 thì không đông nhưng năm nay thì đông quá. Đứng lâu quá, tôi cảm thấy sốt ruột, đường xa thì tôi phải xuống đi đền Lạc Long Quân trước xong mới lên đền Thượng. Bây giờ chỉ nhúc nhích từng bước, từng bước một, rất lâu nhưng mà nhà tôi xa quá nên tôi muốn xuống cho nhanh. Với thanh niên thì không sao nhưng với tôi thì tôi sợ độ cao", bà Trương Thị Bắc, du khách tỉnh Hà Nam, cho biết.

Không chỉ có người lớn, ngay cả trẻ nhỏ và người cao tuổi cũng chọn con đường nguy hiểm này này để xuống núi. Lượng du khách dồn lên đền Thượng quá đông dù ban tổ chức liên tục nhắc nhở bằng loa truyền thanh về tình trạng ùn tắc trầm trọng. Nhiều người dân như bị chôn chân trên con đường đi viếng các vua Hùng.

Theo đại diện đơn vị quản lý Khu di tích đền Hùng, trong ngày chính lễ, lượng du khách đổ về đền Hùng tăng đột biến. Công an tỉnh Phú Thọ phải huy động 100% quân số cùng lực lượng đoàn viên, quân đội tham gia đảm bảo an ninh trật tự cho lễ dâng hương và hướng dẫn, phân luồng. Lượng du khách ngày một tăng, dự kiến trong sáng 10.4, số lượng du khách sẽ lên đến gần 100.000 người.

14 triệu chứng thường gặp của biến thể lai Deltacron

Deltacron là một vi rút tái tổ hợp mang đặc điểm di truyền của cả 2 biến thể Delta và Omicron. Deltacron được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận vào đầu tháng 3.2022 tại Pháp, Hà Lan và Đan Mạch. Mỹ sau đó cũng cho biết đã ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm Deltacron.

14 triệu chứng thường gặp của biến thể lai Deltacron

Theo thông tin từ The New York Times, tiến sĩ Etienne Simon-Loriere, nhà vi rút học tại Viện Pasteur (Pháp), cho biết bề mặt của Deltacron siêu giống Omicron, vì vậy cơ thể sẽ nhận ra nó cũng như Omicron. Phát hiện này có nghĩa là khi nhiễm Deltacron, các triệu chứng có thể giống với khi nhiễm biến thể Omicron.

Về triệu chứng của Deltacron, theo tổng hợp từ trang tin Insider từ nghiên cứu Zoe Covid - ứng dụng theo dõi các triệu chứng Covid-19 của Anh, 14 triệu chứng thường gặp khi nhiễm Deltacron bao gồm:

  1. Sổ mũi
  2. Đau đầu
  3. Mệt mỏi
  4. Hắt hơi
  5. Viêm họng
  6. Ho dai dẳng
  7. Khàn giọng
  8. Ớn lạnh hoặc rùng mình
  9. Sốt
  10. Chóng mặt
  11. Sương mù não
  12. Đau cơ
  13. Mất mùi
  14. Tức ngực.

Ngoài ra, theo The Guardian, các chuyên gia nhấn mạnh các biến thể tái tổ hợp không phải là hiếm và Deltacron không phải là trường hợp đầu tiên, cũng sẽ không phải là lần cuối cùng xảy ra đối với SARS-CoV-2. Đến nay, chỉ một số lượng nhỏ các trường hợp Deltacron được xác định và vẫn chưa có đủ dữ liệu về mức độ nghiêm trọng của biến thể này.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 10.4 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.