Bản tin Covid-19 ngày 9.4: Cả nước hơn 10,1 triệu ca | Sẵn sàng ứng phó biến chủng mới

09/04/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 9.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 9.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 34.140 ca Covid-19, 41.857 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 9.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 8.4 đến 16h ngày 9.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 34.140 ca nhiễm mới.

Có tổng cộng 41.857 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 26 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.794 ca.

Ngày 9.4: Cả nước 34.140 ca Covid-19, 41.857 ca khỏi | Hà Nội 2.202 ca | TP.HCM 636 ca

Thông tin về 34.140 ca nhiễm mới như sau:

  • 2 ca nhập cảnh.
  • 34.138 ca ghi nhận trong nước (giảm 5.195 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 10.715 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.202), Bắc Giang (1.956), Nghệ An (1.656), Phú Thọ (1.652), Yên Bái (1.608), Lào Cai (1.544), Đắk Lắk (1.210), Bắc Kạn (1.118), Quảng Ninh (1.097), Quảng Bình (1.037), Lạng Sơn (990), Tuyên Quang (959), Vĩnh Phúc (954), Thái Bình (931), Hải Dương (820), Thái Nguyên (793), Bắc Ninh (720), Cao Bằng (708), TP.HCM (636), Lâm Đồng (601), Hà Giang (589), Hưng Yên (538), Sơn La (520), Bình Dương (489), Hà Nam (456), Lai Châu (454), Vĩnh Long (450), Hà Tĩnh (445), Bình Định (430), Nam Định (410), Quảng Trị (408), Gia Lai (395), Hòa Bình (383), Ninh Bình (359), Bình Phước (356), Đắk Nông (348), Tây Ninh (332), Quảng Ngãi (322), Điện Biên (309), Bến Tre (283), Đà Nẵng (281), Cà Mau (278), Thừa Thiên-Huế (251), Quảng Nam (251), Phú Yên (236), Thanh Hóa (226), Bà Rịa - Vũng Tàu (197), Hải Phòng (132), Khánh Hòa (119), Kiên Giang (116), Long An (94), Bình Thuận (90), An Giang (88), Trà Vinh (87), Bạc Liêu (67), Ninh Thuận (36), Kon Tum (27), Sóc Trăng (23), Cần Thơ (22), Đồng Nai (21), Đồng Tháp (15), Hậu Giang (10), Tiền Giang (3).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-695), Bắc Giang (-546), Yên Bái (-507).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Lâm Đồng (+601), TP.HCM (+193), Bình Dương (+187).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 46.131 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.169.929 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 102.850 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.162.185 ca, trong đó có 8.494.715 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.520.081), TP.HCM (601.116), Nghệ An (413.646), Bình Dương (381.381), Bắc Giang (372.998).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 41.857 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 8.497.532 ca

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.551 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 1.070 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 237 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 41 ca
  • Thở máy xâm lấn: 201 ca
  • ECMO: 2 ca

Từ 17h30 ngày 8.4 đến 17h30 ngày 9.4 ghi nhận 26 ca tử vong tại: Đắk Lắk (7 ca trong 2 ngày), Đồng Nai (4), Bạc Liêu (2), Kiên Giang (2), An Giang (1), Bắc Kạn (1), Bình Dương (1), Bình Phước (1), Cà Mau (1), Cao Bằng (1), Đồng Tháp (1), Hà Tĩnh (1), Hậu Giang (1), Lạng Sơn (1), Vĩnh Long (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 33 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.794 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 quốc gia, vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 38.899.919 mẫu tương đương 84.898.827 lượt người,

Trong ngày 8.4 có 216.244 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 208.460.812 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 191.235.861 liều: Mũi 1 là 71.380.925 liều; Mũi 2 là 68.483.665 liều; Mũi 3 là 1.505.511 liều; Mũi bổ sung là 15.003.297 liều; Mũi nhắc lại là 34.862.463 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.224.951 liều: Mũi 1 là 8.821.673 liều; Mũi 2 là 8.403.278 liều.

Xây dựng kịch bản có biến chủng mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn

Sáng 9.4.2022, khi kết luận phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảnh báo tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và yêu cầu xây dựng kịch bản, phương án với tình huống dịch bệnh có diễn biến mới với biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn.

Xây dựng kịch bản có biến chủng mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, yên tâm mở cửa lại trường học, du lịch phù hợp với tình hình.

Nguyên nhân của những kết quả đạt được là nhờ việc bao phủ vắc xin ở mức cao so với thế giới, nhất là với các đối tượng có nhiều rủi ro và từng bước chủ động được nguồn cung thuốc chữa bệnh; sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, nhất là với việc tiêm chủng vắc xin; tích lũy được các kinh nghiệm sau hơn 2 năm phòng, chống dịch và khiêm tốn, cầu thị học hỏi, vận dụng sáng tạo các bài học của thế giới.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, công tác phòng, chống dịch còn những hạn chế, yếu kém, bất cập phải cương quyết khắc phục trong thời gian tới. Đó là tốc độ tiêm mũi 3 cho người lớn còn chậm; việc cung ứng, triển khai tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa đạt mục tiêu đề ra tại phiên họp 13 của Ban Chỉ đạo.

Về nhiệm vụ chung thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát tình hình, diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới, bám sát khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học; kịp thời phát hiện, cảnh báo, ứng phó với các diễn biến chưa dự báo được, như vi rút có thể thích ứng với vắc xin hoặc có thể xuất hiện các biến chủng mới, dịch bệnh có thể phức tạp, khó lường hơn.

Đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin, nhất là với các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền, trẻ em, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đô thị lớn…; tập trung kiểm soát rủi ro, các ca chuyển nặng và tử vong; tiếp tục tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở; chủ động về thuốc; đề cao ý thức người dân.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022 - 2023) theo Nghị quyết 38 của Chính phủ với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro; sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống, kể cả tình huống có biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn, các địa phương phải xây dựng kế hoạch, giải pháp, chuẩn bị nguồn lực thực hiện chương trình.

Nhấn mạnh nhiệm vụ tiêm vắc xin, Thủ tướng nêu rõ, kinh nghiệm cho thấy vắc xin vẫn là vũ khí chiến lược, là "lá chắn" quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc xin cho các đối tượng chỉ định; hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi trong tháng 4; đẩy nhanh việc cung ứng vắc xin, quyết tâm cao nhất để hoàn thành việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý 2, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong kỳ nghỉ hè và bước vào năm học mới.

Tiếp tục nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 cho các đối tượng chỉ định, nhất là các đối tượng rủi ro cao. Bộ Y tế phải bảo đảm đủ vắc xin, các địa phương tổ chức tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả; vận động, tuyên truyền người dân và thực hiện các biện pháp khác để thực hiện mục tiêu đề ra.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là tự chủ về thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, kit xét nghiệm để chuẩn bị cho tình huống có biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Thủ tướng cũng lưu ý đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, thuốc trong nước với phương châm "không để bị động, bất ngờ về vắc xin, thuốc chữa bệnh, vật tư, sinh phẩm y tế trong bất cứ hoàn cảnh nào".

Thủ tướng nhắc lại, đợt bùng phát dịch thứ 4 bắt đầu vào tháng 4.2021. Tháng 4.2022, muốn kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, không để dịch bùng phát, hơn lúc nào hết, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải chủ động, tích cực vào cuộc, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với những diễn biến mới của dịch bệnh, vừa củng cố, thúc đẩy những việc đã làm được, vừa phải tiếp tục bám sát tình hình, dự báo, chuẩn bị các kịch bản, biện pháp để nếu có tình huống xảy ra thì không bị động, bất ngờ.

10 bệnh viện xếp hạng chất lượng cao nhất TP.HCM

Sở Y tế TP.HCM vừa công bố kết quả chấm điểm, xếp hạng các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn.

Theo công bố của Sở Y tế, các bệnh viện Hùng Vương, Từ Dũ, Nhân dân 115, Viện Y Dược học Dân tộc, Hoàn Mỹ Sài Gòn... được chấm điểm chất lượng nhất, trên 4,5 điểm trong 103 cơ sở y tế thành phố.

Ngoài ra, 5 bệnh viện còn lại trong top 10 bệnh viện có điểm chất lượng cao nhất gồm: Nhi Đồng 1, Nhân dân Gia Định, Bình Dân, Vinmec và Tâm Anh.

Kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2021 được Sở Y tế TP.HCM công bố ngày 8.4.2022, theo thang điểm 5.

Theo kết quả đánh giá, có 32 bệnh viện trên 4 điểm, 11 bệnh viện, cơ sở y tế điểm trung bình dưới 3, các đơn vị còn lại có điểm từ 3-4. 10 bệnh viện được xếp hạng cao nhất gồm:

  1. Bệnh viện Hùng Vương: 4.69
  2. Bệnh viện Từ Dũ: 4.60
  3. Bệnh viện Nhân Dân 115: 4.59
  4. Viện Y Dược học Dân tộc: 4.56
  5. Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn: 4.54
  6. Bệnh viện Nhi Đồng 1: 4.53
  7. Bệnh viện Nhân dân Gia Định: 4.50
  8. Bệnh viện Bình Dân: 4.49
  9. Bệnh viện Vinmec: 4.40
  10. Bệnh viện Tâm Anh: 4.33

11 bệnh viện, trung tâm y tế đạt điểm trung bình thấp nhất gồm: Trung tâm Y tế quận 3, quận 5; Bệnh viện Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ Hiệp Lợi, Quốc tế Columbia Asia Gia Định, Mắt Sài Gòn 2, Chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Quốc tế Thảo Điền, STO Phương Đông, Mắt Việt Hàn, Răng Hàm Mặt Mỹ Thiện, Mắt Cao Thắng, Răng Hàm Mặt Sài Gòn.

So với năm 2020, số điểm trung bình về quản lý chất lượng bệnh viện ở cả khối bệnh viện khối công lập lẫn tư nhân đều tăng nhẹ. Cụ thể, điểm trung bình bệnh viện cấp thành phố năm 2021 đạt 4,03 điểm, tăng so với năm 2020 là 3,94 điểm, cấp quận tăng từ 3.43 (2020) lên 3.46 (2021) và ở khối bệnh viện tư nhân, tăng từ 3.44 (2020) lên 3.47 (2021).

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng là kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, an toàn phẫu thuật và hồ sơ bệnh án điện tử.

Về tình hình khám chữa bệnh, trong quý 1/2022, có hơn 8,6 triệu lượt khám chữa bệnh ngoại trú tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tăng hơn 1,25 triệu lượt so với quý 4/2021 nhưng giảm hơn 2,5 triệu lượt so với cùng kỳ năm ngoái.

Các cơ sở y tế điều trị nội trú ghi nhận có gần 313.000 bệnh nhân thông thường và hơn 35.500 trường hợp mắc Covid-19. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượt bệnh nhân thông thường điều trị nội trú giảm gần 170.000 bệnh nhân.

100% cơ sở tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi phải ký số

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố; các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Bộ Y tế; y tế bộ, bgành về việc chuẩn bị tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 – dưới 12 tuổi.

Bắt buộc 100% cơ sở tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi phải ký số

Theo Bộ Y tế, để chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn quản lý; các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Bộ Y tế và các cơ sở tiêm chủng trực thuộc y tế Bộ, Ngành thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 8938 hướng dẫn quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và Công văn số 9438 hướng dẫn quy trình xác thực thông tin người dân trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19.

Bộ Y tế bắt buộc 100% các cơ sở tiêm chủng triển khai tiêm, nhập dữ liệu đầy đủ, chính xác và thực hiện ký số chứng nhận trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19, hoàn thành ngay trong ngày.

Các địa phương tăng cường công tác phối hợp giữa ngành y tế cơ sở và lực lượng công an cơ sở trong việc xác minh, xác thực thông tin công dân khi thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Đồng thời tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân sử dụng chức năng Phản ánh thông tin tiêm chủng trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 (tại địa chỉ web tiemchungcovid19.gov.vn) trong trường hợp sai sót thông tin tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu chỉ đạo, kiểm tra việc xử lý phản ánh của người dân theo hướng dẫn chuyên môn tại Công văn số 9458. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Y tế (Cục Công nghệ thông tin) để được giải quyết kịp thời.

Liên quan đến việc cấp hộ chiếu vắc xin, ông Nguyễn Trường Nam - Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cho biết trong thời gian tới các cơ sở tiêm chủng sẽ tiến hành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Tất cả những mũi tiêm mới này, các cơ sở tiêm chủng phải cập nhật mã định danh để kết nối, xác thực, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đồng thời các cơ sở tiêm chủng phải thực hiện ký số ngay trong ngày để cập nhật lên hệ thống, Cục Y tế dự phòng tiến hành ký số tập trung để cấp hộ chiếu vắc xin. Trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi cũng sẽ được cấp hộ chiếu vắc xin như đối tượng tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 khác.

Hộ chiếu vắc xin được cung cấp thông qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử; ứng dụng PC-COVID. Đối với người dân không sử dụng hai ứng dụng này, có thể tra trên trang web của Bộ Y tế bằng cách nhập thông tin gồm: họ tên, ngày sinh, giới tính, căn cước công dân (hoặc mã định danh), ngày tiêm gần nhất, sau đó khai báo email cá nhân để nhận hộ chiếu. Người dân có thể in hộ chiếu ra giấy để sử dụng.

Những ai cần tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19?

Mới đây, Mỹ đã cho phép tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19, tức mũi tăng cường thứ hai. Những đối tượng được phép tiêm mũi 4 là người trên 50 tuổi, người mắc một số bệnh suy giảm miễn dịch từ 12 tuổi trở lên.

Những ai cần tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19?

Tạp chí khoa học Livescience dẫn lời tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, mũi 4 đặc biệt quan trọng với những người trên 65 tuổi và người trên 50 tuổi có các bệnh tiềm ẩn làm tăng nguy cơ trở nặng khi nhiễm Covid-19.

Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), bất kỳ ai từ 50 trở lên đều có thể được tiêm mũi tăng cường thứ hai. Đó là các loại vắc xin mRNA như Pfizer-BioNTech hoặc Moderna. Ngoài ra, mũi tăng cường thứ hai phải tiêm cách mũi tăng cường thứ nhất ít nhất 4 tháng.

Những người trên 12 tuổi (đối với vắc-xin Pfizer-BioNTech) hoặc trên 18 tuổi (đối với vắc-xin Moderna) cũng có thể tiêm mũi tăng cường thứ hai nếu mắc các căn bệnh làm suy yếu phản ứng miễn dịch. Đó là những người từng ghép tạng, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc bị các căn bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch, theo FDA.

Một nghiên cứu mới đây ở Israel đã cho thấy hiệu quả phòng bệnh của mũi tăng cường thứ hai. Nghiên cứu thực hiện trên 560.000 người tuổi từ 60 trở lên. Kết quả cho thấy tỉ lệ tử vong của người tiêm 2 mũi tăng cường thấp hơn 78% so với người chỉ tiêm 1 mũi tăng cường. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện vẫn chưa biết khả năng bảo vệ của mũi tăng cường thứ hai sẽ kéo dài bao lâu.

Theo Livescience, có một số nhà khoa học lo ngại việc tiêm mũi tăng cường thứ hai có thể khiến khả năng chống chọi lại các biến thế SARS-CoV-2 trong tương lai của hệ miễn dịch bị suy yếu. Thế nhưng, hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này.

Lý do Covid-19 gây rối loạn chức năng sinh dục nam

Trong khi mọi người tìm mọi cách để ngăn chặn vi rút, ít ai quan tâm đến việc tìm hiểu xem đại dịch có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh dục hay không. Theo nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí y khoa International Journal of Impotence Research, 3 yếu tố gồm rối loạn chức năng nội mô, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với đời sống sinh dục và sự thỏa mãn tình dục là những nguyên nhân chính khiến sức khỏe sinh dục trong thời kỳ này bị giảm sút.

Lý do Covid-19 gây rối loạn chức năng sinh dục nam

Nghiên cứu cho thấy sau khi nhiễm Covid-19, các tế bào nội mô - lớp lót mặt trong của các mạch máu - bị mất chức năng dẫn đến rối loạn tuần hoàn ở nhiều cơ quan.

Theo Times Of India, sự suy giảm các yếu tố tâm lý, thần kinh, nội tiết tố, mạch máu có thể gây ra rối loạn chức năng cương. Nhiều yếu tố có thể cùng tác động tiêu cực đến chức năng cương.

Lý do cơ bản của rối loạn cương dương do Covid-19 có thể là do rối loạn chức năng nội mô.

Nguyên nhân là do áp lực đối với vi rút corona của các thụ thể ACE2 của mô tinh hoàn. Vi rút lây nhiễm vào các tế bào vật chủ bằng cách tương tác với các thụ thể ACE2 trên biểu mô đường hô hấp. Đây là lý do tại sao Covid-19 gây ra chủ yếu là bệnh đường hô hấp.

Tuy nhiên, các thụ thể ACE2 này cũng có trong hệ thống tim mạch, tiêu hóa, nội tiết thần kinh và hệ thống sinh dục. Đó là lý do vi rút corona tác hại đến các hệ thống cơ quan khác.

Một nghiên cứu khác cũng tiết lộ rằng mô tinh hoàn có nồng độ thụ thể ACE2 cao nhất so với các mô khác của con người, thậm chí còn cao hơn cả mô phổi, vốn là mục tiêu chính của vi rút.

Hơn nữa, nghiên cứu đã chứng minh rằng các cytokine gây viêm xảy ra trong quá trình siêu viêm do nhiễm Covid-19 cũng dẫn đến sự tiến triển của rối loạn chức năng sinh dục.

Nghiên cứu cũng cảnh báo về các biến chứng do rối loạn chức năng cương.

Theo thông tin từ Times Of India, nghiên cứu cho biết rối loạn chức năng cương làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim, các vấn đề mạch máu não, động mạch vành và bệnh mạch máu ngoại vi với xu hướng tăng nguy cơ tử vong do tim mạch.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 9.4 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.