Bản tin Covid-19 ngày 11.4: Cả nước hơn 10,2 triệu ca | Những triệu chứng lạ của hậu Covid-19

11/04/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 11.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 11.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố 51.924 ca Covid-19, 22.400 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 11.4 cho biết tính từ 16h ngày 10.4 đến 16h ngày 11.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 23.184 ca nhiễm mới. Sở Y tế Thanh Hoá đăng ký bổ sung 28.740 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố là 51.924 ca.

Có thêm 22.400 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 17 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.830 ca.

Ngày 11.4: Công bố 51.924 ca Covid-19, 22.400 ca khỏi | Hà Nội 2.011 ca | TP.HCM 584 ca

Thông tin về 51.924 ca nhiễm vừa được công bố như sau:

  • 3 ca nhập cảnh.
  • 23.181 ca ghi nhận trong nước (giảm 5.126 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 16.483 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.011), Nghệ An (1.470), Yên Bái (1.271), Phú Thọ (1.187), Bắc Giang (1.053), Lào Cai (969), Quảng Ninh (911), Tuyên Quang (873), Thái Bình (812), Vĩnh Phúc (765), Đắk Lắk (707), Bắc Kạn (690), Hà Giang (664), Thái Nguyên (629), TP.HCM (584), Quảng Bình (504), Gia Lai (484), Cao Bằng (478), Hải Dương (387), Lâm Đồng (375), Lạng Sơn (373), Quảng Trị (358), Sơn La (320), Hà Tĩnh (306), Hưng Yên (301), Hà Nam (290), Bình Định (259), Lai Châu (257), Quảng Nam (241), Bắc Ninh (237), Nam Định (230), Ninh Bình (224), Thanh Hóa (219), Bình Phước (214), Cà Mau (195), Hòa Bình (193), Vĩnh Long (189), Phú Yên (181), Tây Ninh (179), Đà Nẵng (171), Điện Biên (164), Đắk Nông (141), Bến Tre (136), Quảng Ngãi (117), Bình Dương (117), Thừa Thiên-Huế (106), Bà Rịa - Vũng Tàu (101), Hải Phòng (93), Kiên Giang (72), Bình Thuận (51), Trà Vinh (49), Long An (48), Khánh Hòa (42), An Giang (40), Bạc Liêu (37), Ninh Thuận (24), Kon Tum (23), Cần Thơ (23), Đồng Nai (17), Đồng Tháp (14), Hậu Giang (5).
  • Ngày 11.4.2022, Sở Y tế Thanh Hoá đăng ký bổ sung 28.740 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (-480), Bắc Ninh (-353), Lạng Sơn (-348).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Giang (+204), Đắk Lắk (+159), Gia Lai (+85).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 39.280 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.250.160 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 103.661 ca nhiễm)

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.242.413 ca, trong đó có 8.552.106 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.524.273), TP.HCM (602.470), Nghệ An (416.641), Bình Dương (381.716), Bắc Giang (375.584).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 22.400 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 8.554.923 ca

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.235 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 916 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 109 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 38 ca
  • Thở máy xâm lấn: 170 ca
  • ECMO: 2 ca

Từ 17h30 ngày 10.4 đến 17h30 ngày 11.4 ghi nhận 17 ca tử vong tại: An Giang (4 ca trong 2 ngày), Kiên Giang (3), Lâm Đồng (2), Bến Tre (1), Bình Thuận (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Hà Giang (1), Nghệ An (1), Sóc Trăng (1), Yên Bái (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 27 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.830 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 39.004.450 mẫu tương đương 85.009.933 lượt người.

Trong ngày 10.4 có 38.370 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 208.563.683 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 191.335.667 liều: Mũi 1 là 71.382.794 liều; Mũi 2 là 68.489.633 liều; Mũi 3 là 1.505.536 liều; Mũi bổ sung là 15.009.715 liều; Mũi nhắc lại là 34.947.989 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.228.016 liều: Mũi 1 là 8.823.032 liều; Mũi 2 là 8.404.984 liều.

Triệu chứng lạ của hậu Covid-19 xảy ra ở mắt và miệng

Đối với nhiều người, Covid-19 chỉ gây bệnh nhẹ và nhanh khỏi, nhưng một số người gặp các triệu chứng như mệt mỏi kéo dài, đau dai dẳng và khó thở trong nhiều tháng.

Triệu chứng lạ của hậu Covid-19 xảy ra ở mắt và miệng

Hậu Covid-19 gây ra các triệu chứng đã được biết đến là mệt mỏi, khó thở, đau khớp... Nhưng có một hội chứng khác ảnh hưởng đến cả mắt và miệng.

Theo Express, một triệu chứng khác lạ của tình trạng "Covid-19 kéo dài" chưa được nhắc đến, đó là hội chứng Sicca.

Hội chứng Sicca mô tả các triệu chứng khô mắt và khô miệng.

Khô miệng có thể dẫn đến các vấn đề về vị giác, nhai, nuốt, nói và chứng hôi miệng, trong khi khô mắt gây khó chịu ở mắt, mờ thị lực và trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương và sẹo giác mạc.

Nghiên cứu được công bố trên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ, cho biết: “Khô miệng có liên quan chặt chẽ với Covid-19”.

Theo mạng chăm sóc sức khỏe trực tuyến medicineNet, hội chứng Sicca là một bệnh tự miễn dịch, còn được gọi là hội chứng Sjogren, kết hợp giữa khô mắt, khô miệng và một bệnh khác của mô liên kết như viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus, xơ cứng bì hoặc viêm đa cơ.

Khoảng 90% bệnh nhân hội chứng Sicca là nữ, thường ở độ tuổi trung niên trở lên.

Hội chứng Sicca là tình trạng viêm các tuyến và các mô của cơ thể. Viêm các tuyến sản xuất nước mắt - tuyến lệ, dẫn đến giảm nước mắt và khô mắt. Viêm các tuyến sản xuất nước bọt - gồm tuyến nước bọt và tuyến mang tai, dẫn đến khô miệng. Do đó, hội chứng có thể biến chứng gây nhiễm trùng mắt, đường thở và miệng.

Theo medicineNet, Hội chứng Sicca thường liên quan đến các tự kháng thể do cơ thể sản xuất - nhằm chống lại các mô cơ thể.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Mỹ Jama Network, đã nghiên cứu các triệu chứng dai dẳng ở bệnh nhân khỏi Covid-19 cấp tính.

Nghiên cứu đánh giá các triệu chứng dai dẳng ở những bệnh nhân được xuất viện sau khi chữa khỏi Covid-19.

Các bệnh nhân được yêu cầu mô tả các triệu chứng trong giai đoạn cấp tính của Covid-19 và các triệu chứng kéo dài nếu có.

Kết quả cho thấy có đến hơn 44% bệnh nhân bị ảnh hưởng đến cuộc sống.

Và hơn 53% bệnh nhân vẫn mệt mỏi; hơn 43% khó thở; hơn 27% đau khớp; gần 22% đau ngực.

Nghiên cứu còn phát hiện ra rằng có đến hơn 87% bệnh nhân đã khỏi Covid-19 vẫn tồn tại ít nhất một triệu chứng, đặc biệt là mệt mỏi và khó thở.

Đặc biệt, nghiên cứu còn phát hiện, ngoài các triệu chứng chính của hậu Covid-19 là mệt mỏi, khó thở, đau khớp, đau ngực, ho, mất khứu giác, có một triệu chứng cần được lưu ý, đó là hội chứng Sicca.

Người dân đổ về bar, quán nhậu ở phố Tây Bùi Viện chơi lễ thâu đêm

Sau 2 năm ế ẩm và ảm đạm do Covid-19, phố Tây Bùi Viện đã trở lại sôi động với hình ảnh không ngủ quen thuộc. Ghi nhận vào tối ngày 10 và rạng sáng 11.4.2022 trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ, dòng người ùn ùn đổ về, hàng quán xập xình, kín khách.

Người dân đổ về bar, quán nhậu ở phố Tây Bùi Viện chơi lễ thâu đêm

Đã lâu lắm rồi, du khách mới thấy lại một Bùi Viện sôi động, đông đúc như vậy. 2 năm ảm đạm vì Covid-19, rất nhiều chủ quầy bar, quán nhậu phải đóng cửa vì vắng khách, không thể cầm cự được.

Tối 10.4, trong ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, trung tâm TP.HCM chật kín người và xe. Các khu mua sắm, trung tâm thương mại không còn chỗ trống.

Tới nửa đêm, phố Tây Bùi Viện mới thấy sự náo nhiệt khi người dân và du khách kéo tới.

Khách trong nước vẫn chiếm ưu thế, một vài khách nước ngoài đến chơi tỏ ra hào hứng về không khí sôi động tại đây. Nhiều thời điểm, người và xe phải nhích từng chút để di chuyển.

Đến khoảng hơn 2 giờ sáng, hàng quán tại đây mới bắt đầu vãn khách. Bùi Viện có một đêm không ngủ khi đón một lượng khách lớn trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ năm nay.

Người có 'miễn dịch lai' chống được tái nhiễm Omicron mạnh nhất

Theo nhật báo Ấn Độ Hindustan Times, hai nghiên cứu mới cho biết hôm 1.4.2022 rằng những người có "miễn dịch lai" từ nhiễm Covid-19 và tiêm chủng đầy đủ có khả năng bảo vệ chống lại tái nhiễm mạnh nhất.

Người có 'miễn dịch lai' chống được tái nhiễm Omicron mạnh nhất

Nghiên cứu thứ nhất, được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet Infection Diseases, đã phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 200.000 người vào năm 2020 và 2021 ở Brazil, quốc gia có số người chết vì Covid-19 lớn thứ 2 thế giới.

Theo Hindustan Times, kết quả đã phát hiện, đối với người đã nhiễm Covid-19, tiêm vắc xin Pfizer và AstraZeneca mang lại 90% hiệu quả chống nhập viện và tử vong do tái nhiễm với Covid-19, tiêm Vero Cell cũng đạt 81% hiệu quả, và tiêm 1 mũi của Johnson & Johnson có 58% hiệu quả.

Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Julio Croda, từ Đại học Liên bang Mato Grosso do Sul (Brazil), cho biết tất cả 4 loại vắc xin này đã được chứng minh là cung cấp khả năng bảo vệ bổ sung đáng kể cho những người bị nhiễm Covid-19 trước đó.

Hindustan Times dẫn lời Tiến sĩ Pramod Kumar Garg, từ viện nghiên cứu Translational Health Science and Technology Institute (Ấn Độ): "Miễn dịch lai do nhiễm Covid-19 và tiêm chủng có thể là tiêu chuẩn trên toàn cầu và có thể bảo vệ lâu dài chống tái nhiễm cả các biến thể mới".

Nghiên cứu thứ 2, sử dụng sổ đăng ký toàn quốc của Thụy Điển cho đến tháng 10.2021, cho thấy những người đã nhiễm Covid-19 vẫn có khả năng chống tái nhiễm ở mức cao trong tối đa 20 tháng.

Những người đã nhiễm Covid-19, được tiêm 2 liều vắc xin, có nguy cơ tái nhiễm thấp hơn đến 66% so với không tiêm chủng.

Nhưng bác sĩ Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia (Anh), cảnh báo rằng cả 2 nghiên cứu đã được hoàn thành trước khi biến thể Omicron thống trị trên toàn thế giới và nó đã "làm giảm đáng kể khả năng bảo vệ có được do nhiễm Covid-19 trước đó".

Đứng trước lo lắng này, một nghiên cứu ở Qatar được công bố trên trang chờ duyệt medRxiv mới đây, đã khám phá khả năng bảo vệ do miễn dịch lai chống lại Omicron ở người đã nhiễm Covid-19 và được tiêm chủng đầy đủ.

Kết quả đã phát hiện ra rằng 3 liều vắc xin có 52% hiệu quả chống lại nhiễm bệnh nặng do biến thể phụ BA.2 của Omicron, nhưng con số này đã tăng lên 77% nếu bệnh nhân đã nhiễm Covid-19 trước đó.

Theo Hindustan Times, nghiên cứu đã kết luận rằng "khả năng miễn dịch lai do nhiễm Covid-19 trước khi được tiêm 3 liều vắc xin mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ nhất" chống lại cả hai biến phụ BA.1 và BA.2 của Omicron.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 11.4 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.