Bản tin Covid-19 ngày 30.10: Số ca dương tính ở miền Tây tăng vọt

30/10/2021 19:55 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 30.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

Bản tin Covid-19 ngày 30.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 5.227 ca Covid-19 mới, 2.204 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 30.10 cho biết tính từ 16h ngày 29.10 đến 16h ngày 30.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.227 ca nhiễm mới, 2.204 ca khỏi bệnh.

Bản tin bộ y tế công bố thêm 64 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân tử vong vì Covid-19 lên 22.030 ca.

Ngày 30.10: Cả nước 5.227 ca Covid-19, 2.204 ca khỏi | TP.HCM 1.042 ca

Thông tin về 5.227 ca nhiễm mới như sau:

  • 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 5.224 ca ghi nhận trong nước (tăng 335 ca so với ngày trước đó) tại 50 tỉnh, thành phố (có 2.293 ca trong cộng đồng). Gồm: (1.042), Đồng Nai (679), Bình Dương (665), Bạc Liêu (404), Kiên Giang (298), An Giang (231), Tiền Giang (223), Tây Ninh (203), Sóc Trăng (190), Đắk Lắk (146), Long An (106), Cần Thơ (95), Trà Vinh (82), Bình Thuận (79), Ninh Thuận (69), Gia Lai (69), Đồng Tháp (67), Hà Nội (56), Bến Tre (46), Hậu Giang (42), Cà Mau (40), Vĩnh Long (35), Phú Thọ (34), Thừa Thiên Huế (27), Khánh Hòa (26), Bà Rịa - Vũng Tàu (25), Nam Định (24), Nghệ An (23), Bình Phước (23), Bắc Ninh (22), Hà Nam (20), Quảng Nam (19), Bình Định (16), Thanh Hóa (15), Quảng Trị (10), Phú Yên (10), Quảng Ngãi (8 ), Lâm Đồng (7), Đắk Nông (7), Kon Tum (7), Vĩnh Phúc (6), Bắc Giang (5), Quảng Bình (5), Hà Tĩnh (4), Thái Bình (3), Hải Phòng (3), Lai Châu (3), Hưng Yên (2), Đà Nẵng (2), Quảng Ninh (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: An Giang (-89), Hà Giang (-60), Bình Dương (-32).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tiền Giang (+148), Ninh Thuận (+69), TP.HCM (+65).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 4.376 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 915.603 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.296 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 910.782 ca, trong đó có 815.519 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (431.101), Bình Dương (232.386), Đồng Nai (65.091), Long An (34.738), Tiền Giang (16.422).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 2.204
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 818.336

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.831 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 1.965
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 454
  • Thở máy không xâm lấn: 107
  • Thở máy xâm lấn: 290
  • ECMO: 15

Từ 17h30 ngày 29.10 đến 17h30 ngày 30.10, cả nước ghi nhận 64 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (30), Bình Dương (13), Bạc Liêu (5), Long An (4), Sóc Trăng (4), An Giang (3),Cần Thơ (1), Kiên Giang (1), Tây Ninh (1), Tiền Giang (1), Ninh Thuận (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 59 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.030 ca, chiếm tỉ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 88.521 xét nghiệm cho 175.896 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 22.096.935 mẫu cho 60.129.489 lượt người.

Trong ngày 29.10 có 1.588.192 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 80.528.570 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 56.616.780 liều, tiêm mũi 2 là 23.911.790 liều.

TP.HCM tiêm vắc xin cho hơn 200 ngàn trẻ em trong 3 ngày

Chiều 30.10.2021, nhiều phụ huynh khác cũng đã đưa con em mình tới trường THCS Hai Bà Trưng để tiêm vắc xin Covid-19.

Người lớn trong nhà đã được tiêm vắc xin nhưng vì con chưa được tiêm nên những ngày này anh Dương Minh Khoa ở quận 3, TP.HCM vẫn phải hạn chế ra ngoài để bảo đảm an toàn cho con.

Khi nghe thông tin Trường THCS Hai Bà Trưng tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh, ban đầu, anh Khoa cũng có chút lo lắng. Tuy nhiên sau khi được trường thông tin rõ về kế hoạch tiêm và loại vắc xin thì anh đã quyết định đưa con đi tiêm đúng lịch của trường.

Tại điểm tiêm chủng này, các em học sinh được bố trí tiêm theo từng lớp. Các thầy cô cũng tới trường để hỗ trợ, hướng dẫn phụ huynh và các em trong suốt quá trình tiêm chủng.

Tại điểm tiêm này, phụ huynh được đi cùng con vào bàn tư vấn, khám sàng lọc sau đó sẽ được bố trí chỗ ngồi riêng để đợi con tiêm vắc xin và theo dõi sau tiêm.

Cũng theo ông Đoàn Hữu Khánh, Hiệu trưởng trường THCS Hai Bà Trưng, trường có 1.115 học sinh đăng ký và đủ điều kiện chích vắc xin, đạt tỷ lệ 90%. Bên cạnh đó, có một số phụ huynh ban đầu chưa đồng ý nhưng sau khi được sự tư vấn, hướng dẫn và biết loại vắc xin được tiêm thì họ đã đưa con em mình tới để tiêm vắc xin.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến 7 giờ 30 phút sáng 30.10, sau 3 ngày tiêm vắc xin Pfizer mũi 1 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, toàn TP.HCM đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho hơn 216.000 trẻ.

Trong số trẻ em đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, có hơn 154.000 trẻ 16 và 17 tuổi, hơn 61.000 trẻ từ 12 đến 15 tuổi.

TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 cho tuyến đầu chống dịch, nhóm nguy cơ cao

Ngày 30.10, Sở Y tế TP.HCM sơ kết công tác phòng chống dịch Covid-19 của ngành y tế. Tại buổi sơ kết, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong 2 tháng cuối năm (tháng 11 và 12) TP.HCM tiêm vét vắc xin Covid-19 mũi 1 và mũi 2 cho người dân. Đến cuối tháng 11 sẽ tiêm đầy đủ 2 mũi cho trẻ em.

Và đề xuất trong 2 tháng cuối năm, TP.HCM tiêm nhắc mũi 3 cho nhóm có nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngoài ra, dự kiến năm 2022, TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Đồng thời, đề xuất dự kiến tiêm mũi 3, mũi 4 cho người đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế.

Tiêm vắc xin cho học sinh tại TP.HCM

NGỌC DƯƠNG

Sở Y tế TP.HCM đã ban hành công văn số 8054 về triển khai bổ sung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đối với trẻ em. Công tác khám sàng lọc cần được tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế với mục tiêu đảm bảo trẻ được tiếp cận vắc xin sớm.

Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm công tác tiêm vắc xin theo quy định. Trong đó, Sở Y tế đề nghị các cơ sở tiêm chủng thực hiện khám sàng lọc theo đúng nội dung trong bảng kiểm trước tiêm theo Quyết định số 5002 của Bộ Y tế. Từ đó, phân loại và có chỉ định tiêm chủng đúng đối với trẻ em được khám sàng lọc trước tiêm.

Đặc biệt, Sở Y tế cũng nhấn mạnh các đơn vị không tự ý chỉ định tạm hoãn tiêm vắc xin nếu không thuộc các trường hợp đã quy định trong bảng kiểm, nhằm tạo điều kiện cho trẻ được tiếp cận vắc xin sớm…

Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), Trung tâm y tế TP.Thủ Đức và các quận, huyện sẽ tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các cơ sở tiêm chủng và các điểm tiêm lưu động trên địa bàn thực hiện đúng quy định hiện hành nhằm giúp công tác tiêm vắc xin diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao.

Cô gái say xỉn gây náo loạn tại chốt đo nồng độ cồn

Hơn 23 giờ, anh Nguyễn Thiên Phú (27 tuổi, ngụ Q.1) điều khiển xe máy chở theo một cô gái trẻ. CSGT yêu cầu dừng xe, đo nồng độ cồn của anh, kết quả là 0.596 mg/lít khí thở. Anh Phú bị lập biên bản, tạm giữ phương tiện để chờ quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Cô gái say xỉn gây náo loạn tại chốt đo nồng độ cồn

Lúc này, cô gái đi cùng anh có dấu hiệu say xỉn, mất bình tĩnh và liên tục văng tục với CSGT. Khoảng nửa tiếng sau, một người phụ nữ trung niên xuất hiện xưng là mẹ của cô gái. Dù được người này khuyên ngăn nhưng cô vẫn không ngừng gào thét, thậm chí là cắn vào tay và làm bà ngã xuống đất.

Người phụ nữ cho biết con gái bà năm nay ngoài 20 tuổi, có vấn đề về thần kinh, lại dễ kích động. Hôm nay trước khi ra khỏi nhà, bà không đồng ý nhưng con vẫn đi.

Còn anh Phú, trước khi đặt bút ký tên vào biên bản, anh ra điều kiện với một cán bộ CSGT bằng "một cái hẹn cà phê" với lý do "em học luật nhưng không hiểu pháp luật nên muốn nghe giải thích". Cũng tại đây, có 5 trường hợp khác vi phạm lỗi tương tự.

Trước đó, vào lúc 20 giờ 30 phút tại một chốt khác nằm trên đường Phạm Văn Đồng đoạn giao với Quốc lộ 13 (TP.Thủ Đức), tổ công tác đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên nồng độ cồn người đi đường.

Tại đây, anh L. là một trường hợp đặc biệt vì lần đo đầu cho kết quả 0,102 mg/lít khí thở. Sau khi đổi thiết bị đo mới, kết quả là 0,000 mg/lít khí thở, anh L. được phép ra về.

Trong số 22 trường hợp được đo nồng độ cồn, ông Lê Hữu Hào (49 tuổi, ngụ H.Củ Chi) là trường hợp duy nhất vi phạm. Người đàn ông cho biết hôm nay 2 cha con tới nhà bạn chơi uống 2, 3 lon bia, được cho đủ thứ mang về còn chưa kịp mừng thì đã gặp chuyện không may. Sau khi ký vào biên bản, ông bị tạm giữ xe máy.

Sau một hồi năn nỉ không thành, ông Hào và con trai buồn bã vác đồ trên vai cuốc bộ qua bên kia đường, chưa biết đêm nay sẽ thế nào vì trong túi chỉ còn vài chục ngàn.

Cũng trong tối 29.10.2021, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, tổ tuần tra 363 (Công an quận 7) đã dừng tại một điểm kiểm tra ngẫu nhiên trên đường Nguyễn Lương Bằng. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện 3 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, CSGT - TT Công an Q.7 đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ xe. Bên cạnh dừng kiểm tra, tổ tuần tra 363 thường xuyên tuần tra tại các tuyến đường vắng để phòng ngừa cướp và đua xe trái phép.

Vừa nới giãn cách đi “nhậu sơ sơ” mấy lon bia, bị CSGT phạt nồng độ cồn

Trong những ngày dịch bệnh bùng phát, công an là lực lượng tuyến đầu hỗ trợ công tác chống dịch. Khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, lực lượng công an lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát nhằm trấn áp tội phạm, xử lý hình sự và một số hành vi vi phạm hành chính bằng các tổ công tác 363.

Người đàn ông vi phạm nồng độ cồn sau khi "uống sơ sơ" mấy lon bia

NGUYỄN ANH

Tối 29.10.2021, tổ công tác 363 thuộc công an quận 7 (Công an TP.HCM) đã tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thuộc địa bàn đảm trách.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ công tác dừng và kiểm tra ngẫu nhiên trên đường Nguyễn Lương Bằng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Sau một hồi giải thích và xin lực lượng chức năng linh động giải quyết không được, người đàn ông vi phạm nồng độ cồn đành chấp nhận ký vào biên bản và để lực lượng chức năng tạm giữ giấy phép lái xe và phương tiện. Với nồng độ cồn 0,506 mg/lít khí thở, người đàn ông này bị phạt 7,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.

Có trường hợp sau khi vi phạm cố tình không chấp hành, lực lượng chức năng phải giải thích về quy định xử phạt.

Cụ thể, trong quá trình tiến hành đo nồng độ cồn, một người đàn ông khác không thực hiện theo hướng dẫn nên buộc lực lượng chức năng phải thực hiện làm mẫu trước.

Lực lượng chức năng phải làm mẫu trước

NGUYỄN ANH

Sau khi làm mẫu, lực lượng chức năng cũng phải yêu cầu đến lần thứ ba người đàn ông mới thực hiện. Tuy nhiên, sau khi máy báo 0,606 mg/l khí thở, người này lại tiếp tục phải nhờ lực lượng chức năng giải thích lỗi vi phạm và hình thức xử phạt.

Sau một hồi kiên trì giải thích, người đàn ông này mới chấp hành ký vào biên bản về lỗi vi phạm và đi bộ về.

Qua trong quá trình tuần tra, kiểm soát, tổ công tác 363 đã lập biên bản xử lý 4 trường hợp vi phạm. Trong đó, 3 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và một trường hợp sử dụng thiết bị âm thanh khi đang điều khiển xe.

Bên cạnh việc dừng kiểm tra ngẫu nhiên, tổ công tác 363 cũng tiến hành đi tuần tra tại các tuyến đường vắng người để phòng cướp giật và tình trạng tụ tập, đua xe trái phép.

Số ca dương tính Covid-19 ở Bạc Liêu tăng kỷ lục

Sáng 30.10.2021, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bạc Liêu cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Số ca nhiễm trong cộng đồng đang lây lan nhanh, liên tục tăng cao trong nhiều ngày qua.

Số ca dương tính Covid-19 ở Bạc Liêu tăng kỷ lục

DUY TÂN

Sáng cùng ngày, tỉnh Bạc Liêu ghi nhận thêm tới 404 ca dương tính Covid-19. Đây là ngày ghi nhận nhiều ca nhiễm bệnh Covid-19 kỷ lục từ trước đến nay ở địa phương này. Trong đó, có đến 149 trường hợp ghi nhận qua lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng, 185 trường hợp ghi nhận trong các khu vực cách ly tập trung, 50 trường hợp ghi nhận trong các khu vực phong tỏa và 20 trường hợp do người dân tự phát về từ vùng dịch.

Trong 404 trường hợp dương tính Covid-19 ghi nhận mới, có đến 80 trường hợp dưới 18 tuổi. Sáng cùng ngày, tỉnh Bạc Liêu cũng ghi nhận thêm 4 ca tử vong do Covid-19, đến nay tỉnh này có 23 ca tử vong do Covid-19. Tính từ tháng 5, đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 2.828 ca dương tính Covid-19, trong đó có 744 ca khỏi bệnh, xuất viện.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là các khu vực ven biển, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều vừa ký quyết định nâng cấp độ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ khu vực nguy cơ trung bình (cấp độ 2) lên thành khu vực nguy cơ rất cao (cấp độ 4) đối với xã Vĩnh Trạch Đông (thuộc thành phố Bạc Liêu) và thị trấn Gành Hào (thuộc huyện Đông Hải); thời gian áp dụng từ 0 giờ ngày 31.10.2021.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu giao Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu và Chủ tịch UBND huyện Đông Hải chỉ đạo xã Vĩnh Trạch Đông và thị trấn Gành Hào căn cứ vào cấp độ dịch bệnh Covid-19 vừa được áp dụng để thực hiện các biện pháp hành chính “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn. Các địa phương phải tuân thủ theo nguyên tắc “bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh”.

Ca mắc Covid-19 cộng đồng tăng, Vĩnh Long lập 10 điểm khai báo y tế liên tỉnh

Ngày 30.10 ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho biết tỉnh liên tục ghi nhận các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng nên đã tiến hành phong tỏa để xét nghiệm sàng lọc.

“Nguồn lây đa phần là người từ TP.HCM về; thứ 2 là người đi khám bệnh ngoài tỉnh về; thứ 3 là người đến tỉnh làm việc… Chúng tôi làm nhanh, rộng để tìm những nơi có yếu tố nguy cơ rồi phong tỏa hẹp lại để dập dịch”, ông Minh thông tin thêm.

Lực lượng chức năng phong tỏa khu vực có liên quan đến Covid-19

XUÂN PHÚC

Sáng cùng ngày, Vĩnh Long ghi nhận 32 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó có 27 trường hợp qua xét nghiệm sàng lọc tại các P.1, 2, 4, 5 (TP.Vĩnh Long) và 5 trường hợp qua xét nghiệm sàng lọc tại khu phong tỏa khóm 1, P.9, TP.Vĩnh Long.

Vĩnh Long đã thành lập 10 điểm khai báo y tế tại các cửa ngõ vào tỉnh, hoạt động từ ngày 29.10.

Mỗi điểm khai báo y tế phân công bố trí lực lượng trực đảm bảo thực hiện làm nhiệm vụ 24/24 giờ hằng ngày. Các điểm này có nhiệm vụ tiếp nhận khai báo y tế đối với người về, đến tỉnh Vĩnh Long; Đo thân nhiệt, kiểm tra tính pháp lý, giá trị sử dụng của giấy xét nghiệm PCR hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính với Covid-19; giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin; giấy ra viện hoặc giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 của công dân.

Khi cần thiết, các điểm khai báo y tế thực hiện test nhanh và thu phí test nhanh của các đối tượng theo quy định tại Chỉ thị 11 ngày 28.6.2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long. Xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 117 ngày 28.9.2020 của Chính phủ đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo thẩm quyền của từng lực lượng trực.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 phát sinh trong cộng đồng, ông Nguyễn Công Tuấn, Phó giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, đã ký công văn về việc cử cán bộ y tế làm nhiệm vụ tại các điểm khai báo y tế nói trên.

Thương hồ chợ nổi Cái Răng mong chờ du khách ngày hoạt động trở lại

Những ngày qua chợ nổi Cái Răng (P.Lê Bình, Q.Cái Răng, Cần Thơ) đã “bừng tỉnh” hoạt động nhộn nhịp trở lại sau thời gian bắt nhịp với cuộc sống “bình thường mới”.

Từ ngày dịch bệnh và giãn cách xã hội, chợ nổi không còn du khách, số thương hồ giảm đáng kể. Mãi đến ngày 19.10, khi thành phố chính thức trở về trạng thái “bình thường mới” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Thương hồ bán hàng rong mới chuẩn bị rục rịch buôn bán trở lại. Nhịp sống tại chợ nổi Cái Răng vốn có đã "bừng tỉnh" sau thời gian dài đìu hiu vì dịch.

Nông sản được mua bán nhiều hơn trên chợ nổi Cái Răng

DUY TÂN

Tại thương hồ mưu sinh tại chợ nổi có 2 nhóm hoạt động: Một nhóm đi các ghe lớn thu mua trái cây từ khắp nơi rồi đổ dồn về chợ nổi để trao đổi hàng hóa. Nhóm còn lại là thương hồ "bán hàng rong" với đặc trưng là bán trái cây, đồ ăn, thức uống cho khách du lịch.

Trong đó, những ghe lớn thu mua trái cây về chợ nổi để trao đổi hàng hóa tuy ảnh hưởng ít nhiều do dịch, nhưng vẫn có thể hoạt động cầm chừng. Riêng những người bán hàng rong đều thất nghiệp dài hạn, bởi không có lượng khách du lịch. Đến khi thành phố trở về cuộc sống “bình thường mới”, bà con cũng trở lại buôn bán để kiếm kế sinh nhai.

Sáng 29.10, nhiều thương hồ buôn bán nhỏ lẻ như: trái cây, đồ ăn, thức uống… đã trở lại với công việc để tìm kế mưu sinh trong tâm trạng vừa phấn khởi, vừa lo.

Bồng bềnh trên chiếc ghe nhỏ, bà Trịnh Thị Bé (61 tuổi), người được du khách quốc tế đặt danh xưng mỹ miều “nữ hoàng bún riêu”, cũng đã trở lại buôn bán sau suốt hơn 4 tháng dừng hoạt động.

“Nay được chạy chiếc ghe đi bán lại cũng rất là vui, nhưng qua nay bán cũng không được bao nhiêu. Chỉ là bán coi như là bán đồ ăn đồ, kiếm mấy chục ngàn, kiếm trăm ngàn, mà bán không hết, lời cũng trăm ngoài ngàn, chứ không lời nhiều như mọi lần đâu. Nhưng mần có được đồng tiền là mừng rồi đó, không móc tiền túi ra nữa là mừng rồi, mà tiền túi giờ cũng hết rồi”, bà Bé nói.

Vẫn hình ảnh như ngày nào, bà Bé với chiếc áo bà ba và nón lá đang tất bật bán bún, cháo lòng tại chợ nổi vừa mừng vì thành phố trở lại nhịp sống bình thường mới, nhưng lại lo bởi vắng khách và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

“Lúc trước thì nhờ khách du lịch nhiều, chợ nổi mình thì nhớ khách du lịch tứ xứ. Với nhiều khi người ta ở nước ngoài nó về nó ghé thăm đồ nầy kia nọ nó cũng có niềm vui. Giờ chạy đi bán cũng trông lắm, thấy tàu vô cũng dòm”.

Khi trở lại nhịp sống “bình thường mới”, một số khách tham quan ở Cần Thơ cũng trở lại tham quan chợ nổi. Bởi thế bà con ai cũng vui, dù lượng khách vẫn còn ít ỏi. Ai cũng trông ngóng ngày dịch được đẩy lùi, du khách đổ về tham quan dập dìu trở lại.

“Giờ cũng như anh Hùng nói là lâu lâu buồn thì mở lại mấy clip chợ nổi cũ lên coi lại đó hé, thì cảm thấy ao ước, nói với cháu nội không biết bao giờ cuộc sống mình trở lại như vầy nè con thấy không”, bà Bé chia sẻ.

Trong những ngày đầu hoạt động trở lại, hầu hết bà con thương hồ, người bán hàng rong trên sông… đều tuân thủ nghiêm phòng dịch, từ việc thực hiện 5K, mang theo xịt sát khuẩn và việc thực hiện giãn cách…

Nếp sống trở lại sau giãn cách ở tiệm cà phê vợt lâu đời nhất Sài Gòn

Cheo leo, tiệm cà phê có hơn 80 năm tồn tại ở đất Sài Gòn, đến nay vẫn giữ nguyên hương vị trong từng ly cà phê, giữ nguyên hình dáng cũ của bảng hiệu, của bàn ghế và không gian như những ngày đầu.

Bà Nguyễn Thị Sương, thường hay gọi là “Dì Ba”, năm nay đã 69 tuổi chào vị khách trẻ như đứa cháu xa nhà lâu ngày trở lại.

Buổi sáng cuối tuần, Cheo Leo là địa điểm ngồi lại quen thuộc của nhiều người

LÊ NAM

Gần nửa năm trời giãn cách, trải qua một trận dịch khốn cùng, dì Ba và các thành viên mừng tủi vì bình an vô sự, khách thở phào vì ngày trở lại đông đủ mọi người, ly cà phê vợt ở tiệm lâu đời nhất nhì Sài Gòn vẫn đượm hương ở một góc bếp cũ.

"Người ta đến đây. Tại sao người ta không pha ở nhà người ta uống, người ta lại đến quán. Vì đến quá có những cái không khí. Cái bàn, cái ghế, chỗ quen ngồi, mình ngồi thoải mái. Còn trong nhà vợ con hay gia đình, anh chị em vô ra người ta cũng khó chịu. Con uống cà phê ở trong nhà ít khi nào con ngồi được một chỗ, về cái sự thư giãn, về cái sự sảng khoái, ra đó ngồi gặp bạn bè, thành ra nó thành thói quen của người Sài Gòn", bà Sương nói.

Hơn 80 năm trôi qua, điều giữ chân khách ở Cheo Leo không chỉ có ly cà phê vợt. Đến đây, người xa lạ cũng hóa thành thân, qua ly cà phê mà kết giao, tâm tình chuyện vụn vặt khi sống ở Sài Gòn.

Ly cà phê vợt thơm ngon ở quán Cheo Leo

LÊ NAM

Khách thảnh thơi ngồi bên ly cà phê, nghe tiếng nhạc du dương nhẹ nhàng, để lắng đọng những mệt nhọc của một ngày lao động. Nếp sống quen thuộc ấy, dần trở lại nơi đây sau những ngày dịch bệnh căng thẳng.

Anh Minh Thiện (Q.1) thỉnh thoảng ghé quán Cheo Leo vào những ngày cuối tuần: "Cảm giác nó quen thuộc, mình ngồi chung bàn có các chú, các bác, các cô rồi mọi người nói chuyện rất là hoà đồng, mặc dù không biết nhau, không hỏi tên nhau nhưng mà nói chuyện rất hòa đồng.

Cảm giác rất quen thuộc với không gian cổ cổ, và mang lại cho mình nhiều cảm xúc bình dị, khác với những quán cà phê có phong cách hiện đại hơn. Mình thích cái gì gần gũi với cuộc sống hơn".

Nếp sống Sài Gòn đã trở lại tiệm cà phê hơn 80 năm tuổi

LÊ NAM

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 30.10 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.