Bánh "công nghiệp" tiêu thụ nhỏ giọt
Có mặt sớm nhất trên thị trường là hãng bánh trung thu Kinh Đô, từ giữa tháng 7, các ki ốt đã được dựng lên trên các tuyến phố đông người qua lại như: Thanh Nhàn, Võ Thị Sáu (Q.Hai Bà Trưng), Chùa Bộc (Q.Đống Đa), Phạm Hùng (Q.Cầu Giấy),… tuy nhiên lượng khách mua còn khá thưa vắng.
Chị Nguyễn Cẩm Hạnh, nhân viên bán hàng tại quầy bánh trên phố Thanh Nhàn, cho hay: “Năm nay chúng tôi bán bánh Trung thu sớm hơn các mùa trước nửa tháng. Cửa hàng mở từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối, nhưng do thời tiết nắng nóng, ban ngày rất ít người mua, khách chủ yếu mua vào cuối giờ chiều, hoặc tối. Tầm này chưa có khách mua sỉ, toàn khách mua lẻ vài ba chiếc về ăn, hoặc biếu. Trung bình mỗi ngày, cửa hàng bán ra 50 chiếc”.
Khảo sát trên thị trường, giá bánh Kinh Đô năm nay tăng nhẹ từ 2.000-3.000 đồng/chiếc. Trong đó, giá bánh dẻo từ 48.000 - 75.000 đồng, bánh nướng 62.000 - 170.000 đồng/chiếc. Về mẫu mã và nhân bánh không có sự thay đổi nhiều, ngoại trừ hộp quà chia ra nhiều mức giá, từ 470.000 - 4 triệu đồng. Lý do các nhà sản xuất đưa ra là giá nguyên liệu, giá nhân công, và đặc biệt là giá thuê mặt bằng đều tăng cao.
“Khách hàng vẫn chuộng nhất là dòng bánh truyền thống, nhân thập cẩm, nhân đậu xanh hoặc lạp xưởng. Ngoài ra, một số khách hỏi mua bánh dành cho người ăn kiêng. Các loại nhân bánh bào ngư, đậu đỏ, sầu riêng, khoai môn… bán khá chậm”, chị Hạnh chia sẻ.
Ngoài Kinh Đô, bánh kẹo Hữu Nghị cũng đang rục rịch lắp đặt quầy bánh trung thu khai trương bán hàng từ đầu tháng 8. Theo đại diện của hãng này, đặc trưng của sản phẩm năm nay còn là độ ngọt bánh ở mức nhẹ, phù hợp với khẩu vị của đa số người Việt, hương thuốc bắc và tinh chất hoa bưởi tạo hương thơm tự nhiên, tăng độ hấp dẫn của bánh. Đặc biệt, năm nay, hãng này tiếp tục mở rộng sản xuất với dòng sản phẩm sử dụng đường không năng lượng Isomalt, phù hợp với người ưa thích vị ngọt nhẹ, người tiểu đường, ăn kiêng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Hướng tới phân khúc bình dân, giá bánh Hữu Nghị năm nay từ 40.000 - 100.000 đồng/chiếc, hộp quà từ 300.000 - 1,3 triệu đồng/hộp.
Bánh thủ công làm không kịp bán
Trong khi bánh “công nghiệp” bán khá chậm, thì bánh handmade (thủ công) lại thu hút khách hàng trẻ và dân văn phòng. Thông thường, xu hướng bánh trung thu kiểu mới, hiện đại thường xuất hiện từ các cửa hàng online ngay đầu mùa. Tuy nhiên, năm nay, các cửa hàng vẫn chủ yếu bán bánh truyền thống, các loại bánh thủ công đắp nổi 3D, bánh trung thu lạnh, bánh trà sữa… đã không còn hấp dẫn khách hàng.
Chị Thùy Linh, chuyên bán bánh trung thu online ở Q.Hai Bà Trưng, cho biết: “Những năm trước tôi cũng tìm tòi sản xuất nhiều loại bánh trung thu “độc lạ” hiện đại, đắp hoa nổi, nhân phá cách, nhưng chỉ được 2 mùa thì lỗi mốt. Năm nay, tôi lại quay về mẫu bánh truyền thống thập cẩm, đậu xanh, thịt mỡ, lạp xưởng, hạt dưa, lá chanh… tập trung vào làm nhân bánh chất lượng hơn”. Theo chị Linh, thị hiếu người tiêu dùng thay đổi theo từng năm. Sau một thời gian thưởng thức các loại bánh hiện đại, năm nay, người tiêu dùng lại quay về bánh truyền thống. Mỗi ngày, nhà chị bán ra khoảng 200 chiếc, chủ yếu các loại nhân này.
Hiện tại, các cửa hàng bánh online nhận đặt bánh phục vụ người dân cúng rằm tháng 7 khá nhộn nhịp. Giá bánh thủ công cũng tăng nhẹ, từ 40.000 - 45.000 đồng/chiếc loại 150 g, 60.000 -70.000 đồng/chiếc loại 250 g. “Bánh thủ công là bánh tươi không chất bảo quản, thời hạn sử dụng ngắn, chỉ trong 5-7 ngày. Chúng tôi làm đến đâu, bán đến đấy và không làm dư. Vì vậy, thời điểm này, khách muốn mua hàng phải đặt hàng trước 2-3 ngày. Muốn lấy vào những ngày sát rằm tháng bảy, cũng phải đặt từ bây giờ”, anh Tín, một trong những người bán bánh trung thu online cho hay.
Công khai cơ sở bánh trung thu vi phạm ATTP
Năm nay, Sở Công thương Hà Nội có kế hoạch kiểm tra, an toàn thực phẩm (ATTP) tết Trung thu trên địa bàn thành phố Hà Nội từ rất sớm. Đối tượng thanh tra là các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm bánh trung thu (bao gồm cả bánh sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu); các trang thương mại điện tử kinh doanh sản phẩm bánh trung thu; các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất loại bánh này. Thời gian kiểm tra thực hiện từ 1.7 - 20.9.
Ngoài lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng sẽ kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm về thương mại điện tử liên quan đến bán mặt hàng bánh trung thu không rõ nguồn gốc, chứa chất độc hại… Sở Công thương phối hợp với Quản lý thị trường và lực lượng chức năng tuyến huyện, xã loại bỏ các điểm kinh doanh bánh trung thu không đảm bảo điều kiện ATTP, gây mất trật tự mỹ quan đô thị, an toàn giao thông; công khai các cơ sở vi phạm về ATTP…
|
Bình luận (0)