Báo cáo: hoạt động bành trướng của Trung Quốc đe dọa hệ sinh thái ở Biển Đông

Khánh An
Khánh An
10/03/2021 15:28 GMT+7

Báo cáo mới công bố cho thấy nhiều hoạt động của Trung Quốc khiến hệ sinh thái ở Biển Đông đang nguy cấp.

Đài ANI ngày 10.3 dẫn báo cáo của Quỹ nghiên cứu Observer (ORF-Ấn Độ) cho rằng sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đang đẩy hệ sinh thái biển trong khu vực đến bờ vực suy sụp.
Hoạt động xây dựng trên các đảo chiếm đóng phi pháp, cùng với hoạt động khoan dầu khí, đánh bắt quá mức của Trung Quốc đang hủy diệt các rặng san hô và sinh vật biển, đe dọa an ninh lương thực và năng lượng đối với các nước ven bờ.
Báo cáo của 2 chuyên gia Pratnashree Basu và Aadya Chaturvedi phân tích về Biển Đông và nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết của vùng biển này đối với toàn khu vực.
Theo đó, hệ sinh thái ở Biển Đông vốn đã chịu áp lực khi là một trong những tuyến hàng hải quốc tế đông đúc nhất, lại còn phải chịu thêm tình trạng đánh bắt quá mức, khai thác trai, nạo vét và xây dựng các đảo nhân tạo, và kỹ thuật thủy lực cắt phá của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nhiệt độ ở biển tăng và mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu cũng đe dọa gây ra thiệt hại lâu dài.
Với Trung Quốc, hải sản có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho dân số đông đúc. Ước tính đến năm 2030, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc sẽ tiêu thụ đến 38% lượng thủy hải sản toàn cầu.
Tình trạng đánh bắt quá mức, cùng với việc đánh bắt phi pháp và thiếu quy định, đã đẫn đến việc sụt giảm nguồn thủy sản tại các khu vực ven bờ.
Trung Quốc cũng đã mất phân nửa diện tích vùng đất ngập nước ven bờ, 57% diện tích rừng đước và 80% rặng san hô trong vùng đặc quyền kinh tế. Trong khi đó, đây là môi trường để các loài thủy sản sinh sống và tìm thức ăn.
Bên cạnh đó, ngư dân Trung Quốc còn di chuyển xa và sâu hơn, sử dụng thuốc nổ và hóa chất để đánh bắt làm thiệt hại hơn đối với sinh vật biển.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: "Trung Quốc rất hung hăng trong khu vực"

Báo cáo cho rằng việc Trung Quốc ra yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” và ngang nhiên bồi đắp các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa, xây dựng phi pháp các cảng, dường băng và cơ sở quân sự đã dẫn đến việc hủy diệt các rặng san hô.
Trong phần kết luận, báo cáo nêu rõ rằng nhiều nước Đông Nam Á đã thành lập các tổ chức khu vực nhằm quản lý nguồn lợi hải sản ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc từ chối tham gia các nỗ lực đó khiến khả năng hợp tác trong tương lai thêm ảm đạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.