Nạn nhân của bạo lực gia đình chấp nhận bị... bạo lực
Chiều 9.5, đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM phối hợp Hội nữ trí thức TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Tại hội thảo, luật sư (LS) Trần Thị Hồng Việt nhìn nhận, từ nhiều năm qua, chúng ta chú trọng hòa giải nhưng tình hình bạo lực gia đình lại đang gia tăng.
LS Việt chia sẻ thêm, với tâm lý "đẹp khoe, xấu che", nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình không muốn cho người ngoài biết vì xấu hổ, rồi trở về cuộc sống thường ngày sau khi được hòa giải làm cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình bị hạn chế trong thực tiễn.
Nhiều chuyên gia đóng góp ý kiến tại hội thảo |
xuân khánh |
Còn LS Lê Thị Hằng chia sẻ, trong thực tế giải quyết nhiều vụ án ly hôn, bà gặp nhiều người vợ bị bạo lực về tình dục và nhiều phụ nữ bị bạo hành... nhưng nạn nhân lại không trình báo cho cơ quan chức năng, dẫn đến việc người thực hiện hành vi bạo lực gia đình nghĩ hành động này là bình thường.
Báo động vấn nạn bạo lực ở người tàn tật, người thuộc giới tính thứ 3
LS Võ Thị Như Ngọc chia sẻ, thực tế hiện nay đối tượng bị bạo lực gia đình dần lan rộng đến nam giới, người tàn tật và người có giới tính thứ 3. Bà Ngọc cho biết, mặc dù không cấm nhưng việc kết hôn và chung sống giữa những người có cùng giới tính vẫn chưa được pháp luật bảo hộ. Từ đó tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những vướng mắc khó giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình trong đối tượng người có cùng giới tính.
Về hướng xử lý người có hành vi bạo lực gia đình, LS Lê Thị Hằng nhận định quy định xử phạt rườm rà, thiếu sự răn đe khiến nhiều người coi thường pháp luật. Dẫn chứng từ thực tế, vì thiếu hiểu biết, nhiều phụ nữ dù bị bạo lực trong thời gian dài nhưng không biết phản ứng với ai, dẫn đến bộc phát suy nghĩ tiêu cực.
Còn LS Ngọc chia sẻ, việc xử lý e dè và không kiên quyết nói trên đã tạo chiều hướng làm cho bạo lực gia đình ngày càng gia tăng, khiến cho xã hội bất an và đạo đức xã hội ngày càng đi xuống. Điều này có thể dẫn đến cách nghĩ bạo lực gia đình là “thói quen”, được chấp nhận với cả nạn nhân, người vi phạm, người xung quanh và ngay cả những người thi hành công vụ.
Chung tay phát hiện, ngăn chặn bạo lực gia đình
TS Trần Thị Rồi, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, cho rằng: “Nếu nghi ngờ hoặc khẳng định bệnh nhân do bị bạo hành gia đình dẫn đến gây thương tích thì các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm liên hệ, báo cáo với Công an xã, phường, địa bàn nơi bệnh viện tọa lạc để biết và xử lý theo quy định”. Việc này rất khả thi và sát với thực tế.
Điển hình vụ việc bé gái bị đóng 9 chiếc đinh vào đầu, bé gái đã bị gãy tay trước đó nhưng khi đến bệnh viện khám các bác sĩ không phát hiện bé bị bạo hành. Nếu nhận ra được nguyên nhân bé gái bị gãy tay là do bị bạo hành được báo cho cơ quan chức năng thì có thể ngăn chặn được vụ việc thương tâm.
Các luật sư thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình |
XUÂN KHÁNH |
Ths Phan Thanh Minh, hội viên Hội Nữ trí thức TP.HCM chia sẻ, bất cứ thành viên nào trong gia đình cũng có thể có hành vi bạo lực gia đình, đồng thời chính họ cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.
Thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp các thành viên khác trong gia đình đã tiếp tay cho hành vi bạo lực như: mẹ xúi con trai "giáo dục" vợ bằng bạo lực; ông bà yêu cầu phải nghiêm khắc dạy dỗ cháu bằng roi vọt... Những hành động này phần nhiều không xuất phát từ ý xấu mà chỉ do quan niệm khác nhau của mỗi người nhưng lại tác động rất lớn đến người thực hiện hành vi bạo lực.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng các biện pháp xử phạt hành vi bạo lực gia đình chưa đủ sự răn đe |
XUÂN KHÁNH |
Trao đổi tại hội thảo góp ý, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng, phòng ngừa là biện pháp tiên quyết, mà muốn phòng được thì phải giáo dục, từ nhà trường, từ trẻ mẫu giáo mầm non đến bậc đại học, xây dựng được phẩm chất đạo đức con người từ đó ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
Chủ tịch HĐND TP.HCM nêu, nhiều vụ việc gần đây gây bức xúc dẫn tới tâm lý tiêu cực, chính điều này ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Trẻ em cũng thuộc nhóm nguy cơ cao bị xâm hại tình dục, trong đó hơn 51% trẻ em bị chính người thân của mình xâm hại. Hàng ngàn trường hợp bị bạo lực gia đình nhưng số trường hợp bị xử lý vẫn rất ít. Tỉ lệ ly hôn và bạo lực gia đình ở giới trẻ hiện nay rất cao do vậy cần tuyên truyền sâu, kỹ cho giới trẻ. "Cần xác định vai trò và bước đi dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như thế nào cho hợp lý", bà Nguyễn Thị Lệ nói.
Bình luận (0)