Từng gặp vấn đề về tâm lý
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia (phân hiệu TP.HCM), cho biết hiện nay có nhiều bạn trẻ không có nhu cầu tiếp xúc với người khác, ít sinh hoạt với cộng đồng. Những bạn trẻ này muốn sống một mình, không nghĩ đến chuyện cần có người để yêu thương, kết nối. Đó có thể được gọi là xu hướng sống đơn độc.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Thúy, cần phải phân biệt rõ đơn độc tích cực và không tích cực. Nhiều bạn trẻ thích sống một cách riêng tư nên chọn đến những nơi xa xôi, hẻo lánh để làm công tác thiện nguyện trong các mái ấm, nhà mở, thậm chí chọn tu hành. Đó là giá trị sống mà các bạn lựa chọn. Những người này đơn giản muốn tĩnh lặng, nhưng đời sống tinh thần rất phong phú.
"Ngược lại, nhiều bạn sống đơn độc tiêu cực, chỉ nghĩ đến bản thân, bỏ qua trách nhiệm với xã hội. Phải hiểu rằng nếu muốn sống cuộc sống của chính mình thì không được làm ảnh hưởng đến cuộc sống người khác. Nếu đang đi làm trong công ty hay sống cùng tập thể, phải có trách nhiệm với tập thể đó, tương tác và quan tâm", tiến sĩ Phạm Thị Thúy khẳng định.
Tiến sĩ Thúy cho rằng nguyên nhân dẫn đến xu hướng sống này là người trẻ có vấn đề về tâm lý nhưng không được giúp đỡ, giải quyết. Họ gặp nhiều mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống dẫn đến mất niềm tin vào những người xung quanh. Có nhiều bạn trẻ chỉ đơn giản là không có nhu cầu phát triển bản thân, kết nối cộng đồng nên không mở rộng mối quan hệ. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp là do cha mẹ không thấu hiểu con, dẫn đến sự im lặng kéo dài của bạn trẻ.
Một nguyên nhân nữa, theo tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, là sự thất bại trong công việc, học tập. Có nhiều bạn từng rất giỏi nhưng vì học trực tuyến không tốt nên kết quả sa sút. Bên cạnh đó là nhóm người trẻ có kỹ năng, tư duy tốt nhưng bị sa thải, trừ lương… hoặc những người tự tin vào bản thân nhưng khi khởi nghiệp lại gặp nhiều vấn đề không như mong đợi. Từ đó các bạn tự ti về bản thân và khép lại nhiều mối quan hệ, sự kết nối với những người xung quanh.
Chuyên gia tâm lý trị liệu La Hạ Giang Thanh, nhà sáng lập Tổ chức Soul Retreats (TP.HCM), cho biết sau dịch Covid-19, xu hướng sống đơn độc ngày càng tăng dần. Không ít người trẻ hiểu nhầm cụm từ "đi vào bên trong", "yêu bản thân mình" mà nhiều nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội (MXH) nhắc đến. Họ nghĩ rằng cụm từ này có nghĩa là ủng hộ việc sống một mình.
"Nhiều bạn nghĩ rằng không có ai quan tâm đến sự có mặt của mình, nên trốn đi một nơi xa nào đó là yêu bản thân. Và vì bản thân những bạn đó đang như "cái cây yếu" nên khi làm theo nội dung trên MXH về lối sống một mình, các bạn cảm thấy đó là giải pháp tốt. Giờ đây, tất cả mọi thứ từ giao lưu kết bạn đến học tập, làm việc đều có thể thông qua MXH. Nhiều người trẻ không còn coi MXH chỉ là công cụ nữa, mà đó là thế giới riêng của mình", chuyên gia tâm lý trị liệu Giang Thanh nhìn nhận.
Nhiều tác động
H.V.T (26 tuổi), ngụ tại đường Nguyễn Công Trứ, P.Phú Hội, TP.Huế, tâm sự: "Trong công ty dường như không có ai hướng đến một mục tiêu chung. Ai cũng làm xong việc của mình rồi về. Vì vậy mình luôn cảm thấy cô độc. Ai cũng muốn phát triển bản thân, kiếm được nhiều tiền, theo đuổi mục tiêu riêng của mình".
"Mình cảm thấy không có một cộng đồng nào phù hợp để tham gia. Vì vậy mình chọn hoạt động một mình, tự do, không phải phụ thuộc cảm xúc vào bất cứ ai. Không muốn quyết định của mình bị chi phối bởi người khác, kể cả đi ăn, đi chơi, xem phim hay nghe nhạc", T. nói thêm.
Anh X.H (31 tuổi) là giám đốc một công ty phần mềm tại Hà Nội. Anh luôn ủng hộ nhân viên làm việc nhóm, tuy vậy anh vẫn cho họ có thời gian ở một mình, không cần đi đến công ty khi công việc quá áp lực.
"Mình cũng từng bị hạn chế về kỹ năng giao tiếp với nhân viên. Đa phần các công việc với cấp dưới chỉ trao đổi qua email. Khi nhìn lại, bản thân cũng chính là một người sống quá đơn độc, không thể đòi hỏi nhân viên giao tiếp nhiệt tình với mình. Chính bản thân làm việc đơn độc thì không thể nào tạo ra tư duy đội nhóm cho nhân viên của mình được. Vì vậy, họ theo xu hướng đơn độc là điều không thể tránh khỏi", anh X.H chia sẻ.
Bác sĩ Trần Minh Khuyên, chuyên khoa Tâm thần kinh - Trị liệu tâm lý, phòng khám Bệnh viện ĐH Y Dược 1 (TP.HCM), từng tham vấn tâm lý cho nhiều đối tượng ở độ tuổi 18-22 và ghi nhận hiện nay rất nhiều bạn trẻ đang chọn cho mình xu hướng sống đơn độc.
Theo bác sĩ Khuyên, nhiều bạn trẻ chọn xu hướng sống đơn độc xuất phát từ áp lực gia đình. Họ không được cha mẹ quan tâm hoặc bị cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng, đốc thúc, ép buộc làm những điều không muốn. Nhiều bậc phụ huynh luôn so sánh con mình với những bạn khác về điểm số, thành tích… Chính vì vậy, khi về nhà, các bạn chỉ đóng cửa, ở trong phòng, không tiếp xúc với bất kỳ ai, thậm chí "cơm bưng nước rót" đến tận phòng.
Diễn giả tâm lý học Ngô Thùy Trang (Keira Ngo) có kinh nghiệm 8 năm tham gia các dự án tâm lý học đa quốc gia, từng tốt nghiệp chuyên ngành nghiên cứu tâm lý học tại ĐH Birmingham, Vương quốc Anh. Chị Trang nhận định nhiều người trẻ đang có tâm lý không muốn kết hôn vì chưa có nhu cầu hoặc bị ảnh hưởng bởi tuổi thơ tiêu cực, các vấn đề tâm lý như trầm cảm và lo âu. Chị Trang tin rằng sự khác biệt về quan điểm kết hôn và sinh con cũng là một nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng mâu thuẫn giữa các thế hệ nếu như không có sự hỗ trợ.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Tâm Anh IVFTA-HCMC, xu hướng kết hôn muộn khiến nhiều bạn trẻ lựa chọn trữ trứng, trữ tinh trùng, bảo toàn khả năng sinh sản trong tương lai. Hiện nay cả nước có hàng chục trung tâm hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với chi phí dao động từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng một lần thực hiện.
Bác sĩ Giang Huỳnh Như nhận định: "Giờ đây nhiều kỹ thuật y tế đã phát triển khiến nhiều người muốn trở thành mẹ đơn thân. Kỹ thuật trữ trứng đã là một mũi nhọn của bệnh viện, được nhiều bạn trẻ tìm đến xin tư vấn và thực hiện". (còn tiếp)
Ghi nhận tại IVFTA-HCMC, năm 2022 đơn vị này đã tiếp nhận gần 500 phụ nữ trữ trứng chờ làm mẹ. 6 tháng đầu năm 2023, số trường hợp trữ trứng tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Cao điểm, một tuần, bác sĩ tiếp nhận 10 - 15 ca. Độ tuổi trữ tinh trùng và trứng được ghi nhận trung bình từ 28 - 38 tuổi. Số lượng nam giới trữ tinh trùng cũng tăng 50% so với năm 2022.
Bình luận (0)