Bao giờ thôi ám ảnh rác thải tại Đà Lạt?

28/08/2019 12:23 GMT+7

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các ngành xem xét lại tính hiệu quả của Nhà máy xử lý chất rắn Đà Lạt (gọi tắt là Nhà máy rác Đà Lạt), đồng thời nghiên cứu quy hoạch, tham mưu xử lý rác có hiệu quả.

Ngày 27.8, tại buổi họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 8.2019, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, yêu cầu các ngành xem xét lại tính hiệu quả của Nhà máy rác Đà Lạt, do Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh làm chủ đầu tư tại xã Xuân Trường, TP.Đà Lạt.
Ông Việt chỉ đạo các sở ngành liên quan đồng thời phải nghiên cứu quy hoạch, tham mưu xử lý rác có hiệu quả về lâu dài. Ông Việt cho rằng nếu quay về phương án thu gom, chôn lấp rác như trước, nước rác rỉ ra sẽ ảnh hưởng đến môi trường là không thể chấp nhận được.

Rác tồn đọng tại Nhà máy rác Đà Lạt

Ảnh: Lâm Viên

Núi rác Cam Ly trên 261.000 tấn sạt trượt do đâu?

Như Thanh Niên đã phản ánh, rạng sáng 8.8, “núi rác” Cam Ly cao hơn 60 m với hàng chục ngàn tấn rác đã bị sạt trượt kéo dài cả cây số gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Việc xử lý hậu quả “núi rác” Cam Ly sạt trượt chưa xong, thì ngày 17.8, tại Nhà máy rác Đà Lạt xảy ra tai nạn lao động, làm một công nhân 17 tuổi tử vong nên nhà máy tạm dừng hoạt động. Do đó, suốt 10 ngày qua toàn bộ rác của TP.Đà Lạt (từ 180 - 200 tấn/ngày), phải tiếp tục đưa đến bãi rác Cam Ly để xử lý chôn lấp.

Bãi rác Cam Ly gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Ảnh: Lâm Viên

Theo báo cáo mới nhất của UBND TP.Đà Lạt, từ tháng 7.2015, khi Nhà máy rác Đà Lạt đi vào hoạt động, bãi rác Cam Ly đã đóng cửa. Thế nhưng nhiều lần Nhà máy rác Đà Lạt phải tạm ngưng tiếp nhân rác để hoàn chỉnh dây chuyền công nghệ, do đó bãi rác Cam Ly phải mở cửa trở lại. Và từ năm 2015 đến trước khi bị sạt trượt, bãi rác Cam Ly đã tiếp nhận 261.285 tấn rác.
Về nguyên nhân sạt trượt hàng ngàn tấn rác, theo ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, đêm 7.8, Đà Lạt mưa quá lớn (lượng mưa đo được 200 mm/ 4giờ), nước trên đồi đổ về bãi rác có độ nghiêng 45 độ nên đã đẩy rác xuống dưới thung lũng nơi có 7 hộ đang canh tác cà phê, rau hoa. Nếu không được xử lý triệt để bãi rác này có nguy cơ sạt lở tiếp nếu trời mưa lớn.

Rác tại bãi rác Cam Ly được ủi xuống vực lấp đất lại

Ảnh: Lâm Viên

Qua kiểm tra của Chi cục Bảo vệ môi trường, việc xử lý rác tại bãi rác Cam Ly theo quy trình chôn lấp hở. Rác chở về được rải vôi bột, phun chế phẩm vi sinh EM và phun hóa chất diệt ruồi bề mặt rác để giảm thiểu mùi hôi. Sau đó rác được san ủi xuống vực thấp và ủ đất lên.
Theo ông La Thiện Luân, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, với quy trình lấp hở, khí thải phát sinh chủ yếu là mê tan gây mùi khó chịu, mà bãi rác không có hệ thống thu khí gas, chưa kể nước rỉ rác phát tán ra môi trường dù Công ty Dịch vụ đô thị Đà Lạt có xây dựng đập chắn bằng đất phía dưới hạ lưu bãi rác.
Khi PV Thanh Niên chất vấn về trách nhiệm để bãi rác hàng trăm ngàn tấn bị sạt trượt, vì sao đến nay vẫn chưa được làm rõ, nhiều ý kiến của lãnh đạo các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng và TP.Đà Lạt đều đỗ lỗi do… thiên tai (!)

Núi rác Cam Ly đổ ập xuống khu sản xuất rau hoa của người dân Đà Lạt

Nhà máy rác công suất 200 tấn chỉ xử lý được 80 tấn

Với Nhà máy rác Đà Lạt, theo báo cáo của chủ đầu tư là Công ty TNHH Năng lượng xanh, giai đoạn 1 đầu tư trên 155,3 tỉ đồng. Trong đó tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ 3 tỉ đồng, vay ưu đãi từ quỹ đầu tư phát triển tỉnh Lâm Đồng 71 tỉ đồng, vốn vay từ các tổ chức tín dụng trên 32,6 tỉ đồng…
Thế nhưng theo đánh giá của UBND TP.Đà Lạt, Nhà máy xử lý rác chưa thực hiện đầy đủ và đúng theo các nội dung đã cam kết trong báo cáo tác động môi trường. Chủ đầu tư có quá nhiều hạn chế về về tiến độ thực hiện, về đầu tư máy móc, công nghệ và cả tài chánh; chỉ mới đưa 1 dây chuyền phân loại xử lý rác.
Công nghệ xử lý rác khá lạc hậu, hiệu quả xử lý thấp dẫn đến rác bị tồn đọng gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhiều lần Nhà máy rác Đà Lạt ngưng hoạt động

Ảnh: Lâm Viên

Theo báo cáo được phê duyệt, nhà máy sử dụng công nghề Green- entec để xử lý chất thải rắn, đây là công nghệ xử lý không chôn lấp và có sản phụ kèm theo như như gạch block, dầu PO&RO… Nhưng thực tế nhà máy vẫn phân loại sơ bộ bằng phương pháp thủ công, sau đó sàng, nghiền cho ra phế phẩm làm phân, nhựa, bao ni lông…; việc đốt rác thủ công lan tỏa khói đen gây ô nhiễm môi trường. Từ đầu năm 2019 đến nay nhà máy chỉ xử lý được 80 tấn/ngày.
Ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt cho biết thêm: “Công ty TNHH Năng lượng xanh có dấu hiệu không minh bạch về tài chính trong quá trình triển khai dự án”.

Nhà máy rác Đà Lạt đang tạm ngưng hoạt động

Ảnh: Lâm Viên

Bao giờ đóng cửa bãi rác Cam Ly?

Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Lâm Đồng), cho biết theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ thì bãi rác Cam Ly có tên trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bãi rác Cam Ly bị sạt trượt

Ảnh: Lâm Viên

Lãnh đạo Sở TN-MT Lâm Đồng đề xuất tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Nhà máy rác Đà Lạt khẩn trương hoàn thiện các hạng mục, đưa dây chuyền xử lý rác thứ 2 đi vào hoạt động để đạt công xuất xử lý từ 200 - 250 tấn/ ngày. Có như vậy mới có thể đóng cửa bãi rác Cam Ly.
Ngày 27.3.2019, UBND TP.Đà Lạt đã có tờ trình số 1261/TTr-UBND trình Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng xem xét thẩm định nghiên cứu khả thi dự án đóng cửa bãi rác Cam Ly, làm cơ sở xin hỗ trợ kinh phí trừ trung ương (khoảng 45 tỉ đồng) để xử lý triệt để bãi rác Cam Ly, tránh gây ảnh hưởng môi trường.
Tuy nhiên, bao giờ xử lý dứt điểm "quả bom ô nhiễm" núi rác Cam Ly, hiện vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng!
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Sự cố “núi rác” Cam Ly gây hệ quả rất tai hại; một thành phố du lịch sinh thái như Đà Lạt không thể để xảy ra thêm lần nữa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.