Những ngày qua, bão lũ miền Trung luôn là tin tức làm quặn lòng bất cứ người con đất Việt nào, dù đang sống ở bất cứ nơi đâu. Đau đớn trước những tang thương mà miền Trung đang phải gánh chịu, quyên góp ủng hộ miền Trung bằng cả tấm lòng, mỗi người trẻ còn có thể làm nhiều hơn thế. Cứu miền Trung bão lũ, cứu tương lai của chính con người, ai ai cũng có thể làm được bằng chính lối sống bền vững của chúng ta hôm nay.
Biến đổi khí hậu từ chiếc ống hút nhựa
Anh Vũ Viết Kiên, 27 tuổi, làm việc tại Q.7, TP.HCM, nhà sáng lập Cộng đồng Không ống hút nhựa, tâm tư một vài năm trước, khi báo chí đưa tin Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nhiều người đọc xong tặc lưỡi cho qua vì có biết làm gì nữa đâu, ai có thời gian để ý mấy chuyện xa xôi ấy. “Nhưng mỗi chúng ta đều đang là tác nhân gây nên biến đổi khí hậu toàn cầu. Đừng nghĩ phải lên rừng chặt cây, phải làm bom nguyên tử hạt nhân thì mới gây nên biến đổi khí hậu”, anh Kiên nói.
Theo anh Kiên liệt kê, những việc mà con người rất thường xuyên làm trong cuộc sống này, và không hề nghĩ rằng mình đang cùng gây nên biến đổi khí hậu toàn cầu.
|
Anh Kiên phân tích “Cái hộp xốp, ly nhựa, túi ni lông bạn mới xài lúc tối, lúc chiều… là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nặng nề vì nhựa không thể tự phân hủy được. Nó tồn tại mãi mãi trong tự nhiên. Cục sạc điện thoại sạc xong rồi không rút ra nó vẫn đang hao tốn điện. Điện đang được sản xuất từ các đập thuỷ điện vừa và nhỏ từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Xe máy, ô tô bạn chạy hồi chiều dùng nhiên liệu là xăng, dầu… đều là những loại nhiên liệu hóa thạch có giới hạn đang được khai thác ở vỏ trái đất khắp nơi trên thế giới…
Tất cả những hành động, thói quen tiêu dùng, sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch (xăng dầu), sử dụng điện, nước, túi ni lông, hộp xốp, ống hút nhựa, lối sống không bền vững… đều là những tác nhân gây nguy hiểm cho môi trường, cho biến đổi khí hậu. Và bạn đang chứng kiến, miền Trung đang oằn mình chống lại thiên tai. Xót thương cho cảnh gia đình ly tán, mất đi người thân yêu, đau xót biết nhường nào”.
Tình trạng biến đổi khí hậu đã rất cấp bách
Ngô Thảo, bạn trẻ làm việc tại CHANGE, tổ chức môi trường đã thực hiện hàng loạt chiến dịch truyền thông sáng tạo, tập huấn dành cho giới trẻ để cùng lên tiếng và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, nói với phóng viên Báo Thanh Niên, nhìn những hình ảnh vô cùng thương xót của người dân Trung Trung bộ hơn 2 tuần qua và liên tiếp các thiên tai từ năm 2019 đến nay ở Việt Nam cũng như thế giới, cô thật sự lo lắng về mức độ nghiêm trọng và cấp bách của tình trạng biến đổi khí hậu.
|
|
“Rõ ràng, những nghiên cứu, số liệu và cảnh báo về việc Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu đang thực sự xảy ra. Hiện nay, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện tại Việt Nam với tần suất ngày càng tăng cao, mức độ ngày càng trở nên dữ dội, tạo ra các ảnh hưởng rõ nét lên cuộc sống của con người và hệ sinh thái. Một trong số những điều lo lắng nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan vốn xảy ra không theo quy luật, dưới tác động của biến đổi khí hậu sẽ càng trở nên khó dự báo và cảnh báo hơn”, chị Ngô Thảo phân tích.
Cứu miền Trung từ những việc nhỏ bé
Chị Ngô Thảo đưa ra những gợi ý mà mỗi người hoàn toàn có thể làm mỗi ngày như lựa chọn ăn các sản phẩm địa phương, ăn nhiều rau, hạt, giảm thịt; trồng thêm cây xanh trong khu vực sống…
Sống tối giản, mua sắm tiêu dùng vừa đủ nhu cầu; tìm cách tái chế các sản phẩm trong nhà; tìm phương thức di chuyển, đi lại phù hợp với từng hoàn cảnh để giảm thiểu phát thải và chia sẻ thông tin, kêu gọi những người xung quanh cùng thay đổi lối sống cũng là chúng ta đang cứu tương lai của chính mình.
Chị Ngô Thảo cho hay, Earth Overshoot Day là ngày con người sử dụng hết lượng tài nguyên thiên nhiên mà trái đất có thể tái tạo trong năm đó. Trong 20 năm (1970 - 2019) Earth Overshoot Day đã bị đẩy sớm lên 2 tháng, Earth Overshoot Day 2019 là ngày 29.7.2019.
Thế nhưng, Earth Overshoot Day năm nay lại được lùi lại đến 3 tuần: 22.8.2020; dấu chân sinh thái toàn cầu giảm 9,3%; dấu chân sản phẩm rừng giảm 8,8%, dấu chân các bon giảm 14,5%, riêng dấu chân thực phẩm thì không thay đổi. Nguyên nhân lớn nhất, là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới việc di chuyển, sinh hoạt, làm việc của con người.
Điều đó càng khẳng định rằng các hoạt động của con người gây tác động to lớn lên môi trường. Bằng cách thay đổi lối sống, chúng ta có thể cứu chính mình, miền Trung và cứu thế giới.
|
Cùng quan điểm này, anh Vũ Viết Kiên, nhà sáng lập Cộng đồng Không ống hút nhựa, khuyên mọi người nên rút hết tất cả thiết bị sạc, cục sạc pin ra khi không sử dụng; tắt bớt đèn khi không cần thiết; tắt máy lạnh, tắt quạt khi rời văn phòng công ty.
Tiết kiệm nước, ngay từ việc đánh răng, nhiều người có thói quen đánh răng vẫn mở vòi nước rất lãng phí.
|
Người trẻ hãy tiết kiệm giấy ăn, giấy in ở các văn phòng công ty nhất có thể. Tăng cường dùng phương tiện công cộng, dùng chung xe máy cùng đi làm, đạp xe đạp…
Đặc biệt, anh Kiên nhấn mạnh, mỗi người nên nói không với các loại đồ dùng bằng nhựa một lần, từ túi ni lông, chai nhựa, ống hút nhựa, muỗng nĩa nhựa… là đang chung tay cứu miền Trung bão lũ, cứu tương lai của mình và cộng đồng. “Ngày mai lại đến, cuộc sống vẫn tiếp diễn… Nhưng nếu chúng ta không hành động ngay hôm nay thì những ngày bình yên phía trước càng ngày càng ít dần lại. Rồi sẽ đến lúc bạn hối tiếc thì cũng đã quá muộn màng”, Vũ Viết Kiên nhắn gửi.
Bình luận (0)