Cảnh giác sóng cao 3 - 5 m
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 23 giờ ngày 29.8, vị trí tâm bão số 4 ở ngay trên vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh đến bắc Quảng Trị.
Vùng gần tâm bão có sức gió cấp 8 - 9 (từ 60 - 90 km/giờ), giật cấp 11. Bão di chuyển theo hướng tây, tốc độ 20 km/giờ.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo sáng 30.8 bão đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến bắc Quảng Trị, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt, vùng mây bão lệch hẳn về phía tây so với vị trí tâm bão nên khi tâm bão còn cách đất liền 400 - 500 km đã gây mưa to ở các tỉnh Trung bộ. Mưa ở các tỉnh Trung bộ tập trung trong hai ngày 30 - 31.8. Lượng mưa tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị dự báo từ 250 - 400 mm. Các tỉnh Bắc bộ có mưa từ 31.8 cho đến hết ngày 2.9. “Khi bão đổ bộ, cần cảnh giác với sóng cao từ 3 - 5 m và nước biển dâng sau bão từ 0,5 - 1 m ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình”, ông Lâm nói.
Do ảnh hưởng của bão số 4, khoảng 12 giờ 45 ngày 29.8, lốc xoáy đã xảy ra tại xã Kỳ Hoa (TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và kéo dài khoảng 10 phút khiến căn nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Lịch (41 tuổi, ngụ thôn Hòa Tiến, xã Kỳ Hoa) sập hoàn toàn; 41 nhà khác bị tốc mái; 2 người dân bị thương phải nhập viện cấp cứu.
Tính đến chiều 29.8, hầu hết tàu cá của các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam đã trú ẩn an toàn và đã nắm thông tin đường đi của bão. Tuy nhiên có 2 tàu cá gặp sự cố trên đường về trú ẩn đang ở trên biển cần cứu hộ là tàu cá QB 91124 TS của ông Nguyễn Quang Thoại (ở xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) bị hỏng máy và tàu cá QB 98128 TS của chủ tàu Nguyễn Ngọc Hải (ở P.Quảng Phúc, TX.Ba Đồn). Tỉnh Bình Định có 3 tàu cá đang bị sự cố trên biển. Trong đó có tàu cá BĐ 94204 TS của ông Huỳnh Thạnh (ở xã Mỹ Thắng, H.Phù Mỹ), trên tàu có 3 người, bị hỏng máy vào sáng 29.8. Tàu cá BĐ 98032 TS của ông Nguyễn Văn Bình (ở xã Hoài Mỹ, H.Hoài Nhơn), trên tàu có 8 người, bị phá nước tại vùng biển cách TP.Nha Trang 134 hải lý từ sáng 28.8. Tàu cá BĐ 96863 TS của ông Đỗ Văn Rằng (ở xã Hoài Mỹ, H.Hoài Nhơn), trên tàu có 9 ngư dân, bị hỏng máy, thả trôi tại vùng biển cách đông nam TP.Quy Nhơn 135 hải lý từ chiều 24.8, đang được một tàu cá khác tiếp cận, lai dắt...
|
Không nghỉ lễ 2.9 để tập trung chống bão
Do ảnh hưởng của bão số 4, dự kiến dịp lễ 2.9, thời tiết ở nhiều tỉnh thành trên cả nước chuyển biến xấu, trong đó có nhiều nơi mưa to, nước biển dâng cao. Tại Thanh Hóa, các huyện ven biển như Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và TP.Sầm Sơn, từ 5 giờ ngày 29.8 đã có lệnh cấm biển. Đến 13 giờ cùng ngày, toàn bộ hơn 7.200 tàu thuyền, bè mảng của ngư dân đã được hướng dẫn vào nơi tránh trú. Khoảng 260 người dân ở các chòi canh ngao của H.Hậu Lộc đã được thông báo vào bờ trong chiều cùng ngày. Tại 11 huyện miền núi của tỉnh này cũng đã thành lập các ban chỉ đạo và trực 24/24 giờ để chống bão, đặc biệt là tại 2 huyện Quan Sơn và Mường Lát vừa chịu thiệt hại do bão số 3.
Ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND H.Mường Lát, cho biết 8 tổ công tác cấp huyện gồm biên phòng, công an, quân đội đã xuống các xã để chống bão số 4. Tất cả cán bộ huyện, xã của H.Mường Lát sẽ không nghỉ lễ 2.9 để tập trung chống bão. Tại H.Quan Sơn, chính quyền cũng tổ chức túc trực từ ngày 29.8 đến khi bão tan và không gây ảnh hưởng mới rút quân.
Tạm dừng nhiều hoạt động vui chơi, du lịch
Tại Nghệ An, từ sáng 29.8, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, địa phương tập trung tối đa lực lượng, chủ động ứng phó với bão. Tại TX.Cửa Lò, hơn 1.000 khách du lịch đang lưu trú. Chính quyền địa phương đã có lệnh cấm tắm biển từ chiều 29.8. Cũng trong chiều qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, đã kiểm tra công tác phòng chống bão tại Nghệ An và yêu cầu chính quyền cần chủ động thông tin cho người dân phòng chống.
Thời điểm mưa bão cận kề dịp nghỉ lễ khiến việc đảm bảo an toàn cho các điểm đến, khu du lịch ở vùng ảnh hưởng bão được quan tâm hàng đầu. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết đã thông báo cho du khách, các công ty lữ hành về việc ngừng phục vụ trong những ngày có mưa bão. Còn Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã phát thông báo tạm dừng đón khách tham quan động Phong Nha, Tiên Sơn… từ chiều 29.8.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết Sở đã có thông báo trên website của Sở và gửi email cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch, lữ hành, các cơ sở lưu trú, khu du lịch… trên địa bàn thông tin diễn biến mưa lũ; khuyến cáo các đơn vị chủ động phòng chống bão lụt; tạm ngưng các tour du lịch tiềm ẩn nguy cơ cho du khách.
Tại Quảng Nam, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, đã yêu cầu dừng hoạt động của tuyến thủy nội địa Cửa Đại - Cù Lao Chàm nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Lãnh đạo Đồn biên phòng Cù Lao Chàm cho biết, đồn đã cử lực lượng đến các cơ sở lưu trú trên đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An) vận động, đưa vào đất liền 125 người; trong đó có 56 du khách vào sáng 29.8.
BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay đã đưa ra cảnh báo nguy cơ sạt lở và khuyến cáo du khách không nên di chuyển lên bán đảo Sơn Trà. Theo ông Phan Minh Hải, Phó BQL, do ảnh hưởng của bão nên thời tiết tại TP.Đà Nẵng có mưa lớn, sẽ gây nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Đối với tuyến đường Yết Kiêu dẫn lên bán đảo Sơn Trà (P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà) trước đây đã có nhiều điểm sạt lở, BQL đặc biệt cảnh báo du khách không nên di chuyển tại tuyến đường này khi có mưa.
Vùng 3 Hải quân cứu nhiều tàu cá bị nạn do ảnh hưởng bão số 4
Dự kiến sáng nay 30.8, tàu 305 Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân lai dắt tàu cá QB 98799 TS của tỉnh Quảng Bình về cảng số 1, Vùng 3 Hải quân (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) để sửa chữa. Trước đó, tàu cá này với 2 ngư dân hành nghề cách Đà Nẵng 125 hải lý thì bị hỏng máy, lúc này vùng biển thời tiết xấu do ảnh hưởng bão số 4, thuyền trưởng Nguyễn Văn Dũng (ngụ TX.Ba Đồn, Quảng Bình) cầu cứu. Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cho tàu 305 khẩn trương tìm kiếm, phát hiện tàu cá trong tình trạng phá nước, sắp chìm nên tiến hành bơm nước ứng cứu, chăm sóc y tế cho ngư dân và lai dắt tàu cá về bờ.
Nguyễn Tú
|
Hà Nội: Cây xanh đổ do mưa giông khiến 1 người tử vong
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của phần rìa cơn bão số 4, các tỉnh Bắc bộ, trong đó có khu vực Hà Nội, đã hình thành những vệt mây giông có xu hướng hút vào vùng trung tâm cơn bão, gây mưa giông mạnh, giông sét. Ghi nhận ở các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Tây Hồ, đã có nhiều cây xanh gãy đổ khiến giao thông ùn tắc. Nghiêm trọng nhất là vụ đổ cây xảy ra trên đường ven hồ Tây (Q.Tây Hồ, Hà Nội) khiến 1 người tử vong tại chỗ. Nạn nhân là 1 nam thanh niên nhà ở P.Xuân Đỉnh, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Hoàng Phan
|
Bình luận (0)