Bão số 9 gây mưa lớn
25/11/2018 07:01 GMT+7
Sáng nay, bão số 9 đổ bộ đất liền từ nam Bình Thuận đến Bến Tre.
Tự động phát
[VIDEO] Bão số 9 gây sóng gió dữ dội ở Phú Quý, đe dọa đất liền
|
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tâm bão ở ngay trên bờ biển các tỉnh từ nam Bình Thuận đến Bến Tre, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, tức là từ 60 - 75 km/giờ, giật cấp 10. Sau khi vào đất liền, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực đất liền Campuchia.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận, khu vực nam Tây nguyên và Nam bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm, có nơi 250 - 300 mm; khu vực bắc Tây nguyên và tây Nam bộ có mưa to 50 - 100 mm. Đặc biệt, do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh từ phía bắc tăng cường nên mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến ở các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa từ 50 - 80 mm/ngày; ở Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Phú Yên có mưa từ 80 - 150 mm/ngày; Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định có mưa từ 100 - 200 mm/ngày.
|
[VIDEO] Đêm trong nhà tạm cư trú bão của những trẻ em ở Cần Giờ
|
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, lúc 22 giờ 30 hôm qua, vùng biển Gò Công (Tiền Giang) trời bắt đầu có mưa. TP.HCM cũng bắt đầu có mưa và gió. Tại các huyện ven biển ở 2 tỉnh Trà Vinh, Bến Tre bắt đầu có mưa nhỏ và giông nhẹ. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, đại tá Đào Quang Hiển, Phó chỉ huy, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết vùng biển Phước Thuận (H.Xuyên Mộc) có sóng cao khoảng 3 m.
Theo ông Nhân, khi bão đổ bộ đảo Phú Quý, lượng mưa không lớn, gió chỉ trên cấp 6. Tuy nhiên, tại khu vực cảng Phú Quý, sóng đánh cao trên 3 m, khiến người dân lo sợ. Vẫn có tình trạng người dân sợ thiệt hại tài sản nên lao mình ra sóng để chằng néo lại ghe thuyền khi bão đang đổ vào đảo. Khi phát hiện, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão đã yêu cầu bộ đội biên phòng trên đảo ngăn chặn không cho bà con ra biển.
Lưu ý phương án xả lũ
Sáng 24.11, đoàn công tác của T.Ư do ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN-PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, dẫn đầu đã cùng Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm trực tiếp thị sát, kiểm tra tình hình phòng chống bão tại H.Cần Giờ. Ông Cường đề nghị lãnh đạo UBND TP.HCM, lãnh đạo H.Cần Giờ cũng như các địa phương khác phải đảm bảo di dời toàn bộ người dân ở vùng trũng thấp, nơi có nguy cơ sạt lở... đến nơi tránh trú bão an toàn, đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân, đặc biệt là người dân ven biển và đang nuôi trồng khai thác thủy, hải sản.
[VIDEO] TP.HCM đã di dời, sơ tán hàng ngàn dân trước giờ bão số 9 đổ bộ
|
Lãnh đạo các địa phương "lên mọi phương án, kịch bản có thể xảy ra trong việc ứng phó với diễn biến bất thường của bão", trong đó đặc biệt lưu ý đến kịch bản mưa trên diện rộng, buộc phải xả lũ thủy điện, thủy lợi xuống toàn tuyến hạ lưu ở các địa phương Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, TP.HCM...
|
Chiều cùng ngày, đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau khi đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại các địa phương ven biển của tỉnh. Tại buổi làm việc, ông Cường lưu ý đây là cơn bão không quá lớn nhưng nguy hiểm, không thể chủ quan. Các vùng biển của tỉnh này có sóng biển khoảng từ 2,5 - 3 m gần bờ. Vì vậy Bà Rịa-Vũng Tàu đến tối 24.11 phải tiếp tục thực hiện việc di dời dân ra khỏi nơi xung yếu.
[VIDEO] Bà Rịa – Vũng Tàu phải tiếp tục di dời dân vì bão số 9
|
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến trưa 24.11, toàn tỉnh có gần 5.000 tàu đã vào bờ an toàn, số khác đang hoạt động ngoài vùng nguy hiểm. Hiện Bà Rịa-Vũng Tàu có 55 công trình thủy lợi, gồm các hồ chứa, đập nước và đê ngăn mặn… Dự kiến 4 công trình sẽ xả lũ gồm hồ chứa nước Sông Ray, Sông Hỏa, Đá Đen và đập dâng Cầu Mới. Thời gian xả lũ dự kiến từ 8 giờ ngày 25.11.
Di dời dân, gia cố đê biển
Trước đó, trưa 24.11, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đã ký công văn yêu cầu Sở GD-ĐT cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học kể từ 13 giờ cùng ngày trước nguy cơ bão số 9 đổ bộ vào. Đến chiều tối 24.11, theo kế hoạch Bến Tre sơ tán, di dời hơn 16.000 người tại các khu vực ven sông, ven biển, cồn bãi… thuộc 3 huyện ven biển Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại.
tin liên quan
Tạm ngừng hoạt động phà Cát Lái và Bình Khánh do ảnh hưởng bão số 9Cũng trong ngày 24.11, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đã thực địa kiểm tra công tác phòng chống bão tại các khu vực dọc theo tuyến đê biển thuộc xã Phú Tân và điểm xung yếu thuộc xã Phú Thạnh, H.Tân Phú Đông cũng như một số khu vực ven sông, ven biển nơi sẽ rất dễ bị tổn thương khi có mưa bão xảy ra tại H.Gò Công Đông, TX.Gò Công… Tại 2 huyện ven biển của tỉnh là Gò Công Đông và Tân Phú Đông đã tổ chức sơ tán bước 1, di dời dân khỏi những nơi không an toàn, các hộ ở ngoài đê vào trong đê. Tỉnh cũng đã huy động hơn 150 bộ đội gia cố 4 điểm xung yếu trên tuyến đê biển Gò Công.
[VIDEO] TP.HCM ngưng hoạt động tất cả các bến phà do bão số 9 tiến sát bờ
|
UBND tỉnh Trà Vinh thông báo đến các huyện Châu Thành, Trà Cú, TX.Duyên Hải khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng công tác sơ tán dân. TX.Duyên Hải là vùng trũng, thấp, có 26 km bờ biển, khi bão đổ bộ kèm theo gió mạnh, có sức tàn phá lớn, nước biển dâng, kết hợp thủy triều lên cao, gây ngập lụt làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND TX.Duyên Hải chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa; kịp thời khắc phục sự cố cây ngã đổ; tổ chức sơ tán, di dời dân tại Vàm Láng Nước, ấp Nhà Mát ra khỏi vùng nguy hiểm…
Tại Sóc Trăng, Cần Thơ, các phương án ứng phó bảo số 9 cũng được triển khai. UBND TP.Cần Thơ yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện không đi khỏi địa bàn vào ngày thứ bảy và chủ nhật (25.11) để theo dõi sát diễn biến bão số 9, chuẩn bị phương án bảo vệ dân và tài sản ở cấp độ bị ảnh hưởng theo phương châm “4 tại chỗ”, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành, huy động lực lượng nhân dân tại cơ sở để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố.
Di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân ở TX.La Gi
Tối 24.11, trả lời PV Thanh Niên, Chủ tịch UBND TX. La Gi (Bình Thuận) Phạm Trọng Nhân cho biết do triều cường dâng cao, hơn 60 hộ dân ở xã Tân Phước (TX.La Gi) đã phải di dời ra nơi trú ẩn an toàn vào chiều 24.11. Trong đó có khoảng 20 hộ dân được chính quyền địa phương đưa đến trú ở trường học, số còn lại đến nhà người thân ở tạm. Theo ông Nhân, do triều cường bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu của bão, sóng cao 2 - 3 m, nước biển dâng cao tràn vào nhà dân gây ngập lụt.
|
Bình luận (0)