Bảo tàng không thu hút giới trẻ: Cần thay đổi về nhận thức

06/09/2012 03:05 GMT+7

Để tạo sức hút, hệ thống bảo tàng cần có những giải pháp đổi mới, nhất là hiện đại hóa phương tiện nghe nhìn và tạo ra nhiều sự kiện, mô hình sinh hoạt gần gũi với giới trẻ và khách tham quan.

Phần lớn hiện vật… để trong kho

Cán bộ phụ trách một bảo tàng tại TP.HCM xót xa: “Nói bảo tàng đang ngủ nên cần phải đánh thức là chưa đúng đâu. Thực sự nó không phải đang ngủ mà là đang bị bó tay bó chân trong những điều kiện hạn chế, nên khó có thể làm gì được!”.

Với diện tích chưa đến 2.000 m2, mỗi ngày Bảo tàng Lịch sử (TP.HCM) phải chọn trưng bày luân chuyển gần 3.000 hiện vật trên tổng số khoảng 45.000 hiện vật đang có. Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử tại TP.HCM, tiến sĩ Phạm Hữu Công, cho biết: “Chúng tôi muốn có những phòng tổ chức thực tế dành cho học sinh, sinh viên khám phá. Chẳng hạn, các em có thể tìm hiểu làm nghề này nghề kia như thế nào hay cách suy nghĩ của lãnh tụ hoặc nhân vật lịch sử… Thế nhưng, ở đây không có đủ một phòng nào để làm điều đó. Mặt bằng chật nên mỗi lần có đoàn học sinh đến chừng vài trăm em là đã kín chỗ”.

 Bảo tàng không thu hút giới trẻ: Cần thay đổi về nhận thức
Khách tham quan tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - Ảnh: Đ.T.N

Thậm chí, ngay tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - nơi đã trải qua một vài lần tu bổ - số hiện vật trưng bày hằng ngày chỉ chiếm 1/10 tổng số 15.000 hiện vật đang có. Bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc bảo tàng này, cho biết: “Có những hiện vật nếu muốn đưa ra trưng bày thì cần phải có thêm nhiều điều kiện của dự án hiện đại hóa. Chẳng hạn, một số loại vũ khí nhất thiết phải có những loại tủ kệ, bục bệ chuyên dùng rất hiện đại, bên cạnh đó phải có phim 3D minh họa mới có tác dụng, chứ nếu không chúng chẳng khác nào những cục sắt bình thường”.

 

Bảo tàng của chúng ta đúng nghĩa là nhà trưng bày hiện vật thôi, mà hiện vật trưng bày cũng còn nghèo nàn lắm

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt

Trong khi đó, theo bà Lê Thị Thúy Hồng - Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM), nhu cầu khách tham quan bảo tàng (bao gồm cả học sinh, giáo viên) rất cần cập nhật những hiện vật hay chứng cứ lịch sử mới được phát hiện. Bà Thúy Hồng dẫn chứng, các bản đồ của Trung Quốc trước đó không có Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là một cứ liệu lịch sử cực kỳ quý giá và thuyết phục liên quan đến chủ quyền Việt Nam. “Hệ thống bảo tàng cần nhanh chóng cập nhật chứng cứ này vào bộ sưu tập của mình và thông tin đến các trường rằng hiện bản đồ đó đang được trưng bày tại đâu, để các trường có thể đưa học sinh tham quan tìm hiểu. Không có cách nào dạy học sinh tốt hơn về chủ quyền biển đảo khi cho các em tận mắt xem những chứng cứ như những bản đồ mà chúng ta từng phát hiện” - bà Thúy Hồng đặt vấn đề.

Trông người, ước ta…

Từng sống hơn 2 năm tại Anh, chị Ng.N. (làm trong lĩnh vực truyền thông tại TP.HCM) cho hay: Việc đến bảo tàng vào dịp cuối tuần đã trở thành thói quen, nếp sinh hoạt của nhiều gia đình trẻ ở Anh. Chị N. kể, trong các bảo tàng thường có cả chuỗi chương trình phong phú, với những chủ đề sinh hoạt riêng cho các nhóm khách tham quan lựa chọn cũng như những trò chơi cho trẻ em. Có hệ thống máy tính, những phương tiện nghe nhìn hiện đại để giới thiệu hay hỗ trợ khách tìm hiểu thêm thông tin, hình ảnh quan tâm. “Sức hút của bảo tàng đối với công chúng rất lớn. Luôn luôn có nhiều hoạt động khiến du khách không bao giờ thấy nhàm chán”, chị N. nói.

 

Căn phòng Bồ Câu Trắng

Bà Huỳnh Ngọc Vân cho hay hiện nay bảo tàng sử dụng một số phần thuyết minh và chú thích riêng dành cho trẻ em (chữ to hơn và ít từ ngữ hơn, có hình con bồ câu ở trong góc). Hơn nữa, nơi đây còn dành một căn phòng nhỏ xinh, ấm áp có tên là Bồ Câu Trắng để giáo dục hòa bình cho trẻ, đồng thời tạo điều kiện cho trẻ và cha mẹ cùng sinh hoạt, vui chơi bên nhau. Ngoài những chương trình giao lưu với nhân chứng sống được tổ chức thường xuyên, còn diễn ra nhiều hoạt động, đáp ứng nhu cầu phong phú của khách, như: Ẩm thực thời kháng chiến, Ông bà cháu cùng đến bảo tàng, Hướng dẫn viên nhí, Gặp gỡ những nạn nhân chất độc da cam…

So sánh với những bảo tàng ở nước ta, chị N. trăn trở: “Theo tôi, vấn đề không phải là do chúng ta không có điều kiện đầu tư trang thiết bị hiện đại mà bắt nguồn từ nhận thức, quan niệm về bảo tàng. Nhiều người thường nghĩ bảo tàng là những cái gì cũ kỹ, những cái đã “chết”, nằm một chỗ… nên không có sự đầu tư tương xứng và không có ý thức tìm hiểu để đáp ứng nhu cầu của du khách”.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, bảo tàng là một phương tiện giáo dục trực quan rất sinh động mà không nước nào không có. Và có thể xem bảo tàng như là những gì “thay lời muốn nói” cho linh hồn của dân tộc. Ông Mỹ cho biết, gần đây, ông có dịp đưa khách du lịch đến tham quan một bảo tàng tại Dubai. Tuy bảo tàng khá nhỏ, nhưng ở đây lại gây ấn tượng mạnh cho khách khi chiếu phim 3D giới thiệu một lò rèn hồi xưa ở nước họ. “Chúng tôi thấy ông thợ rèn thật như ngoài đời, nghe tiếng động và nghe cả mùi rèn luôn! Thế là người ta khoái liền”, ông Mỹ nói. Đối chiếu với trong nước, ông Mỹ nhận xét: “Bảo tàng của chúng ta đúng nghĩa là nhà trưng bày hiện vật thôi, mà hiện vật trưng bày cũng còn nghèo nàn lắm. Thực ra, đâu cần phải có diện tích rộng rãi mới làm được những điều như người ta”.

Bà Huỳnh Ngọc Vân cho biết bảo tàng này đang xây dựng dự án hiện đại hóa toàn bộ với kinh phí ước tính 80 tỉ đồng. Trong đó, trọng tâm của dự án này là những trang thiết bị trưng bày hiện đại, sử dụng những thiết bị nghe nhìn hiện đại, tạo ra những cảnh tượng lịch sử để người xem như sống trong khoảnh khắc lịch sử của sự kiện nào đó. Bên cạnh đó, còn có hệ thống máy tính, phần mềm… phục vụ công chúng.

Để chuẩn bị, bảo tàng chọn những mẫu vật điển hình và phối hợp một trường ĐH để làm phim 3D về những tính năng, ảnh hưởng của những hiện vật đó. “Nếu hiện đại hóa mà con người không theo kịp cũng không được. Thành ra, những người công tác ở đây phải chuẩn bị tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng những khoa học kỹ thuật tiên tiến, có khả năng chuyển hóa, vận dụng linh hoạt từ việc học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài thành cái của mình”, bà Vân nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM, cho biết: Mỗi năm bảo tàng này đón khoảng 250.000 - 300.000 lượt khách đến tham quan, trong số đó chỉ có khoảng ¼ là những người trẻ. Theo tiến sĩ Xinh, hiện đơn vị đang thực hiện dự án cải tạo khu vực khuôn viên, hướng tới thực hiện mô hình “bảo tàng công viên” trong tương lai (chọn một số khu vực lồng ghép hoạt động vui chơi giải trí dành cho giới trẻ). Bên cạnh đó, sẽ hiện đại hóa các thiết bị nghe nhìn mà trước mắt sẽ áp dụng âm thanh nổi. Theo kế hoạch trong 2 năm tới, sẽ xây dựng thêm phòng trưng bày đa năng, phòng chiếu phim, hội trường... để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan.

Ý kiến:

Hình thành “văn hóa bảo tàng”

“Do nhiều yếu tố nên bảo tàng của chúng ta chưa thể “cất cánh”. Nếu có được cơ sở vật chất tốt hơn, nhân viên được đào tạo, trang bị nhiều kiến thức mới, phương pháp mới, biết cách tổ chức phù hợp từng loại hình, tổ chức phục vụ từng đối tượng khác nhau… thì chắc hẳn sẽ thu hút khách nhiều hơn, hình thành văn hóa bảo tàng ở Việt Nam”.

  Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Không nên đi theo phong trào

“Tôi thấy có những đơn vị mỗi lần đưa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn học sinh đi tham quan bảo tàng. Người lớn đặt ra chỉ tiêu có khi mỗi ngày phải đi đến 8 nơi! Bảo tàng vốn đã “khô” mà đi ào ào, đông đúc như vậy làm sao có hiệu quả. Lẽ ra, các em cần có điều kiện nhất định để “thấm” từ từ, cần có người hướng dẫn, gợi ý và sau đó phải được tham gia những trò chơi hấp dẫn để ôn lại những kiến thức vừa được học trong bảo tàng”.

Nguyễn Văn Mỹ
Giám đốc Công ty Lửa Việt

Yếu tố thành bại là con người

“Nhà nước cần có kế hoạch đầu tư để cải tạo, cải cách toàn bộ cho bảo tàng mở về không gian. Đặc biệt, yếu tố quyết định sự thành bại chính là phải tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên thường xuyên đi học tập, tham quan, giao lưu với các bảo tàng trong nước, cả khu vực và quốc tế. Từ đó, họ có thể thay đổi về nhận thức và tư duy để có cách làm mới cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”.

PGS - TS Hà Minh Hồng 
 Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

Như Lịch - Lê Thanh - Minh Luân

>> Bảo tàng không thu hút giới trẻ
>> Sẽ có Bảo tàng Võ Nguyên Giáp
>> Hiến bản đồ Trung Quốc cho Bảo tàng Lịch sử
>> Bảo tàng Lịch sử quốc gia xây dựng ở khu đô thị mới tây hồ Tây
>> Hiến tặng bức sắc phong cổ cho bảo tàng
>> Bảo tàng chuyện ở tù
>> Bảo tàng chưa thu hút du khách 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.