Bất an vì sạt lở bủa vây

Đình Tuyển
Đình Tuyển
22/08/2019 07:36 GMT+7

Vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có tổng cộng 564 điểm sạt lở với chiều dài trên 834 km; trong đó sạt lở bờ sông là 512 điểm với chiều dài 566 km, đe dọa cuộc sống của hàng vạn người dân.

Đây là những con số được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nêu ra trong buổi làm việc với tỉnh An Giang ngày 21.8 sau khi đi thị sát điểm sạt lở nghiêm trọng trên QL91, đoạn thuộc ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, H.Châu Phú, An Giang.
Hiện trường sạt lở nghiêm trọng QL91, đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, ẢNH: ĐÌNH TUYỂNH.Châu Phú, An Giang

Hiện trường sạt lở nghiêm trọng QL91, đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, H.Châu Phú, An Giang

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Quốc lộ 91 bị cắt đứt, dân bất an

Đến chiều 21.8, điểm sạt lở tuyến QL91, nơi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình thị sát diễn biến phức tạp, khi nhiều vết nứt dài tiếp tục xuất hiện. Trước đó, hàng trăm mét chiều dài quốc lộ, ăn sâu vào bên trong hàng chục mét đã bị sạt xuống sông. Tuyến đường độc đạo từ TP.Cần Thơ, TP.Long Xuyên lên TP.Châu Đốc và các huyện giáp biên giới Campuchia bị cắt đứt hoàn toàn và 26 hộ dân buộc di dời khẩn cấp.
30 năm sinh sống ở đây, chưa bao giờ tôi thấy bất an như lúc này. Cuộc sống, sinh hoạt đảo lộn, lúc nào cũng lo sợ không biết có sạt hết nhà mình không
Ông Nguyễn Văn Bờ (ngụ ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, H.Châu Phú, An Giang)

Âu lo ngày đêm vì sạt lở bủa vây ở An Giang

Hiện tại, hai đầu đoạn sạt lở là những thảm trải nhựa còn lại, đứt gãy, trơ ra nham nhở, trong khi tầng đất phía dưới bờ sông lõm vào tạo thành một “hàm ếch” khổng lồ, sâu hoắm. Khu vực trên đã được lực lượng chức năng phong tỏa, làm rào chắn ngăn không cho qua lại. Các phương tiện giao thông được phân luồng đi vào tuyến đường tránh đang được thi công dang dở. “30 năm sinh sống ở đây, chưa bao giờ tôi thấy bất an như lúc này. Cuộc sống, sinh hoạt đảo lộn, lúc nào cũng lo sợ không biết có sạt hết nhà mình không. Giờ xã không cho bám trụ ở nhà nữa, phải bỏ nhà cửa đi ở đậu nhà người quen”, ông Nguyễn Văn Bờ (65 tuổi, ngụ ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ) nói, mắt đỏ hoe.
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo khắc phục sạt lở ở An Giang sau khi đi thị sát

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo khắc phục sạt lở ở An Giang sau khi đi thị sát

Ngồi bó gối trên chiếc ghế đá, trước căn nhà đang bị sạt lở lăm le tấn công, bà Trương Thị Diệu Hằng buồn rầu cho biết, không chỉ mất nhà, sinh kế của gia đình bà cũng đang bị đe dọa. “Tôi sống nhờ vào tiệm bán tạp hóa, giờ đã phải đóng cửa vì đường phong tỏa. Tình hình này không biết chèo chống được tới đâu”, bà Hằng nói. Bi kịch hơn là gia đình bà Nguyễn Thị Kim Tuyết vừa phải đóng cửa tiệm bán gạo vừa như ngồi trên lửa vì đường ống dẫn nước cho ao nuôi cá tra phía sau nhà đã bị sập hoàn toàn theo đoạn bờ sông phía trước. “Lở như vậy, mình đâu có thể xuống để sửa chữa được, thành thử không có nước ra vô, hầm cá 40 tấn giờ không biết có sống nổi không”, bà Tuyết than thở.
Đây là lần thứ 2 trong 10 năm qua, người dân sống dọc đoạn quốc lộ trên đối mặt với đại họa sạt lở. Trước đó, tháng 3.2010, đoạn quốc lộ cách điểm sạt lở hiện tại chừng 200 m cũng bị sạt lở tan nát, cắt đứt hoàn toàn. Giải thích về nguyên nhân hình thành “điểm đen” sạt lở trên, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết đoạn sông giáp QL91 trên như một điểm nút thắt cổ chai, sông hẹp chỉ 300 m, trong khi hướng về thượng nguồn vài trăm mét, sông rộng 630 m, hướng về hạ nguồn sông rộng 800 m. Chính vì thế mà đoạn “nút thắt cổ chai”, dòng chảy rất mạnh cuộn vào bờ, hình thành nên những hố xoáy, hàm ếch và gây sạt lở.

834 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở

Báo cáo với Phó thủ tướng về tình hình sạt lở chung của An Giang, ông Trần Anh Thư cho biết không chỉ đoạn QL91 đi qua xã Bình Mỹ, tình trạng sạt lở ở An Giang đang ngày càng nghiêm trọng, ở khắp các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di...; gây thiệt hại lớn đối với kinh tế - xã hội địa phương, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. “Cả tỉnh hiện có 51 điểm sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến 20.000 hộ dân, trong đó điểm sạt lở này đã nằm trong khu vực theo dõi, cảnh báo của các cơ quan chuyên môn của tỉnh. Nhờ vậy đã kịp thời phân luồng giao thông, bố trí di dời dân. Hiện tại, bố trí chỗ ở tạm cho 26 hộ dân, tỉnh cũng hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng để di dời”, ông Thư nói. An Giang cũng đề xuất T.Ư hỗ trợ 25 tỉ đồng để xử lý khẩn cấp 160 m đoạn sạt lở hiện nay. Về lâu dài, An Giang cũng sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT tính toán nạo vét đoạn sạt lở hiện tại, chỉnh trị dòng chảy đưa dòng chảy ra xa bờ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định, sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL nói chung đang diễn ra phức tạp, gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân. “Theo số liệu thống kê, toàn vùng ĐBSCL có tổng cộng 564 điểm sạt lở với chiều dài trên 834 km. Trong đó sạt lở bờ sông là 512 điểm, với tổng chiều dài 566 km, chủ yếu diễn ra theo dọc sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Tôi xin chia sẻ với những thiệt hại của bà con tỉnh An Giang đã gánh chịu bởi những vụ sạt lở trong thời gian qua. Chỉ trong 7 tháng qua đã xảy ra 17 điểm sụt lún, sạt lở, ảnh hưởng 78 căn nhà phải dời khẩn cấp”, Phó thủ tướng nói.
Qua thị sát cũng như nghe lãnh đạo tỉnh An Giang báo cáo, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành tuyến tránh 5 km tránh toàn bộ khu vực sạt lở QL91 với kinh phí 250 tỉ đồng trước 30.9 để đảm bảo an toàn giao thông, đi lại cho người dân. Phó thủ tướng đồng ý về chủ trương bàn giao đoạn QL91 đang bị sạt lở cho tỉnh An Giang quản lý sau khi tuyến tránh hoàn thành. Tỉnh An Giang khẩn trương phối hợp với Bộ NN-PTNT và Bộ GTVT lập dự án xử lý đoạn sạt lở với kinh phí dự kiến khoảng 160 tỉ đồng, Bộ KH-ĐT chủ trì tổng hợp từ nguồn dự án đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách T.Ư 10.000 tỉ đồng về phòng chống thiên taibiến đổi khí hậu về cho tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Sạt lở bờ sông ven QL1 và QL80, thiệt hại hàng chục căn nhà

Sạt lở bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu ven QL1, đoạn thuộc khóm 2, P.Hộ Phòng, TX.Giá Rai, gây thiệt hại hàng chục nhà dân Ảnh: Trần Thanh Phong

Sạt lở bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu ven QL1, đoạn thuộc khóm 2, P.Hộ Phòng, TX.Giá Rai, gây thiệt hại hàng chục nhà dân

Ảnh: Trần Thanh Phong

Ngày 21.8, tin từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu cho biết từ cuối tháng 6 đến nay, tuyến sông Cà Mau - Bạc Liêu nằm ven QL1, đoạn thuộc khóm 2, P.Hộ Phòng, TX.Giá Rai, liên tiếp xảy ra hàng chục vụ sạt lở bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, nhà cửa và tài sản của người dân.
Qua thống kê, tổng số nhà bị sụt một phần nhà và xuất hiện các vết nứt đất là 75 căn, có 375 người dân bị ảnh hưởng. Bề rộng sạt lở và các vết nứt sâu vào nhà dân từ 5 - 7 m. Chiều dài đoạn sạt lở và xuất hiện các vết nứt đất gần 400 m. Nguyên nhân sạt lở là dòng chảy sông Cà Mau - Bạc Liêu tập trung vào bờ bên phải khu vực dân cư và phần lớn các hộ dân xây dựng nhà lấn chiếm bờ sông. Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu đề nghị UBND P.Hộ Phòng khẩn trương cắm biển cảnh báo, cử lực lượng xuống địa bàn giúp dân khắc phục thiệt hại do sạt lở gây ra. Đồng thời, đề nghị UBND TX.Giá Rai xem xét hỗ trợ kinh phí trước mắt đối với các hộ có nhà bị sạt lở để tạm thời khắc phục thiệt hại.
Trước đó, rạng sáng 29.7, tại kênh Rạch Sỏi - Hậu Giang ven QL80, đoạn qua ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, H.Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ) xảy ra sạt lở đất với chiều dài hơn 40 m. Hậu quả là 2 căn nhà bị sụp hoàn toàn xuống sông, 2 căn sạt lở một phần, 1 căn hư hỏng nhẹ và 2 trụ điện cao thế buộc phải di dời. Ước thiệt hại tài sản gần 1 tỉ đồng. Ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Thạnh, cho biết trưa 28.7, khi thấy 4 căn nhà xuất hiện dấu hiệu rạn nứt, địa phương đã vận động người dân tháo dỡ, di dời tài sản đến nơi an toàn, nhờ vậy khi sạt lở xảy ra không gây thương vong.
Trần Thanh Phong - Châu Anh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.