Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cho biết tại buổi họp báo thông tin Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ thuê nhà cho người lao động vừa diễn ra chiều nay 30.3.
Bộ LĐ-TB-XH cho biết, người lao động sẽ được hỗ trợ từ 500.000 - 1 triệu đồng tiền thuê nhà trọ tối đa trong 3 tháng |
T.H |
Lao động thử việc cũng được hỗ trợ
Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, Bộ LĐ-TB-XH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ).
Ông Bình cho hay: “Mục đích của chính sách là chia sẻ, hỗ trợ cho NLĐ còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc; hỗ trợ doanh nghiệp "giữ chân" NLĐ để có nhân lực cho phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh; “thu hút” được lao động vào làm việc, hạn chế việc doanh nghiệp phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu lao động. Đặc biệt là hút trở lại những lao động do tác động của đại dịch Covid-19 đã phải di chuyển từ các trung tâm kinh tế - xã hội về quê”.
Cụ thể, NLĐ đang làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng khi có đủ các điều kiện sau:
Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1.2 - 30.6.2022.
Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1.4.2022; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng, phương thức chi trả 1 lần hoặc theo từng tháng.
Đối với NLĐ quay trở lại thị trường lao động, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng khi có đủ các điêu kiện sau: ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1.4 - 30.6.2022.
Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1.4 - 30.6.2022, trừ hợp đồng lao động giao kết tiếp nối của hợp đồng lao động đã giao kết và thực hiện trước đó.
Đang tham gia bảo hiểm xã hội hoặc chưa tham gia nhưng phải có tên trong danh sách chi trả lương của người sử dụng lao động. Thời gian tối đa 3 tháng, phương thức chi trả hàng tháng.
Lý giải việc thời điểm áp dụng chính sách hỗ trợ đối với NLĐ quay trở lại thị trường từ 1.4, ông Bình cho rằng, đây là cách để thu hút NLĐ đang ở quê, còn băn khoăn chưa biết đi hay ở. Khi có khoản hỗ trợ này, NLĐ sẽ có động lực để quay lại thành phố làm việc. “Không chỉ lao động chính thức được ký hợp đồng, lao động thử việc cũng được nhận hỗ trợ, miễn là có giao kết hợp đồng từ 1 tháng trở lên”, ông Bình nhấn mạnh.
Bộ LĐ-TB-XH dự kiến sẽ có khoảng 3,4 triệu lao động được thụ hưởng từ chính sách này. Tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách là 6.600 tỉ đồng.
Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia để tránh trục lợi tiền hỗ trợ
Trả lời câu hỏi làm thế nào để tiền hỗ trợ đến với NLĐ nhanh nhất, đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho biết, NLĐ phải làm đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu nộp lên công ty. Doanh nghiệp lập danh sách, công khai tại nơi làm việc trong 3 ngày rồi gửi tới cơ quan bảo hiểm xã hội để xác nhận lao động đang đóng bảo hiểm. Hồ sơ sau đó tiếp tục gửi về UBND cấp huyện thẩm định, cấp tỉnh phê duyệt.
Tiếp đó, chính quyền cấp huyện sẽ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp chậm nhất ngày 15.8. Quy trình kéo dài tối thiểu 11 ngày, tiền sẽ đến tay NLĐ. “Đây là tiền ngân sách nên phải đúng trình tự thủ tục, chúng tôi đã thảo luận với Bộ Tài chính, kho bạc, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam… Đây trình tự thủ tục đơn giản nhất có thể”.
Để tránh trục lợi chính sách, Bộ LĐ-TB-XH cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn cập nhật kết quả hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin NLĐ. Thiếu tướng Nguyễn Bạch Đằng, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), cho hay dữ liệu dân cư sẽ được đối chiếu để tránh tình trạng thụ hưởng tại nhiều nơi và hưởng nhiều lần. Công an các địa phương sẽ phối hợp với Sở LĐ-TB-XH địa phương để triển khai thực hiện.
Bộ LĐ-TB-XH cũng lưu ý, đối với NLĐ thuê trọ, cần có xác nhận chủ thuê trọ theo mẫu. Chủ sử dụng lao động sẽ gửi thông tin sang UBND cấp huyện để xác nhận thông tin thuê trọ. UBND cấp huyện sẽ có thẩm quyền xác nhận qua hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư để có thông tin chính xác.
Ngoài ra, đối với NLĐ quay trở lại thị trường lao động, thay vì nhận gộp 2 - 3 tháng, NLĐ ký hợp đồng tháng nào thì được hưởng tháng đấy, tránh trường hợp NLĐ sau khi nhận tiền chuyển sang chỗ làm mới.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh: “Trong quá trình xây dựng chính sách, chúng tôi đã khảo sát các doanh nghiệp, việc hỗ trợ lần này là có lợi cho chủ sử dụng lao động nên họ sẽ triển khai rất nhanh. Bên cạnh đó, còn có công đoàn giám sát thực thi. Sau cuộc họp báo này, Bộ LĐ-TB-XH sẽ đôn đốc các địa phương triển khai với tinh thần chi trả sớm nhất cho NLĐ. Trách nhiệm của địa phương trong triển khai chi trả chính sách hỗ trợ rất quan trọng. Nếu trong quá trình thực hiện có những vấn đề phát sinh, vướng mắc chưa phù hợp với thực hiện, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp thu và điều chỉnh”.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, năm 2020, Việt Nam có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc,nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Năm 2021 được kỳ vọng là năm của sự phục hồi, nhưng sự bùng phát phức tạp của đợt dịch thứ 4 còn tác động đến thị trường lao động nghiêm trọng hơn so với những hậu quả của dịch bệnh mà năm 2020 đã trải qua.
Đặc biệt trong quý 3 và quý 4/2021, có tương ứng 28,2 triệu và 24,7 triệu lao động bị ảnh hưởng, trong đó 2,3 triệu người bị mất việc; 12,4 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 8,8 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 16,9 triệu lao động bị giảm thu nhập. Hầu hết những đối tượng bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 25 đến 54 tuổi chiếm 73,3%.
Đáng chú ý, do tâm lý e sợ dịch Covid-19, không có việc làm, thu nhập bấp bênh không đảm bảo cuộc sống tại các tỉnh, thành kinh tế trọng điểm phía nam nên có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương, gây ra nguy cơ thiếu hụt lao động cho khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.
Bình luận (0)