Bất động sản công nghiệp vẫn là mảng “sáng”
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), trong năm 2020, bất động sản khu công nghiệp là mảng "sáng" của thị trường do có sự tăng trưởng tích cực cả về giá thuê và tỉ lệ lấp đầy.
Ở phía Bắc, các địa phương trọng điểm như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng… đều có tỉ lệ lấp đầy cao, đạt gần 90%. Tương tự, ở phía Nam, khu công nghiệp tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… cũng có tỉ lệ lấp đầy đến 87%.
Bộ Xây dựng lý giải nguyên nhân là do sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), nhu cầu cho đất công nghiệp cũng tăng trên cả nước.
Nhu cầu bất động sản công nghiệp tăng kéo theo mức giá chào thuê đất của một số khu công nghiệp tại Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương ở miền Bắc và TP.HCM, Đồng Nai và Long An ở miền Nam tăng 20% đến 30% theo năm.
Theo Bộ Xây dựng, giá chào thuê đất công nghiệp trung bình theo khu vực: Tại miền Bắc giá chào thuê đất công nghiệp trung bình khoảng 1,8 triệu đồng/m2/chu kỳ thuê. Tại miền Trung giá chào thuê đất công nghiệp trung bình khoảng 768 nghìn đồng/m2/chu kỳ thuê. Tại miền Nam giá chào thuê đất công nghiệp trung bình khoảng 1,7 triệu đồng/m2/chu kỳ thuê.
Bên cạnh đó, hoạt động của kho và nhà xưởng xây sẵn duy trì ở mức ổn định theo năm do nguồn cung lớn được đưa vào hoạt động trong năm 2019 và 2020. Giá chào cho thuê nhà xưởng tại các khu công nghiệp trung bình khoảng 60 - 80 nghìn đồng/m2/tháng.
Cụ thể, tại miền Bắc giá chào thuê nhà xưởng trung bình khoảng 90 nghìn đồng/m2/tháng; tại miền Trung giá trung bình khoảng 65 nghìn đồng/m2/tháng; tại miền Nam giá trung bình khoảng 70 nghìn đồng/m2/tháng.
Theo Bộ Xây dựng, trong thời gian tới, bất động sản công nghiệp vẫn là mảng sáng của thị trường bất động sản bởi nhiều nguyên do như: Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam…
|
Mảng "tối" bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng
Trong khi bất động sản công nghiệp phát triển tích cực thể hiện là mảng “sáng” của thị trường thì năm 2020, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng rơi vào tình trạng phát triển èo uột, được xem là mảng “tối” của thị trường.
Theo Bộ Xây dựng, cả năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn giảm mạnh (giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2019) do chưa mở cửa du lịch quốc tế, đường bay thương mại quốc tế cũng hạn chế chỉ mở với một số khu vực đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19.
Ngành du lịch đã có dấu hiệu phục hồi khi Chính phủ thực hiện kích cầu du lịch trong nước trong quý 3. Tuy nhiên, sang quý 4, lượng khách du lịch nội địa không duy trì được đà tăng do đã trải qua thời gian cao điểm của mùa du lịch.
Công suất thuê phòng khách sạn bình quân trong quý 4 không có sự cải thiện so với 3 quý của năm. Tính trong cả năm 2020 chỉ đạt khoảng 30 - 40% (giảm mạnh so với năm 2019). Giá cho thuê phòng khách sạn bình quân toàn thị trường cũng giảm nhiều, chỉ đạt khoảng 40% so với năm 2019.
Bình luận (0)