Người ta tìm đến Phú Quốc thời điểm này không chỉ để nghỉ dưỡng, trải nghiệm những sản phẩm du lịch liên tục được làm mới, đa dạng mà còn để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Lên thành phố (TP), thị trường bất động sản (BĐS) Phú Quốc lại bắt đầu “dậy sóng”!
Nghỉ dưỡng không chỉ là ăn và ngủ
Chở chúng tôi một vòng quanh dự án Grand World Phú Quốc thuộc quần thể nghỉ dưỡng Phú Quốc United Center tại bắc đảo, tài xế T. - kiêm hướng dẫn viên du lịch, đã 3 đời ở Phú Quốc - giới thiệu: Khu này đang được kỳ vọng trở thành "TP không ngủ", tụ điểm vui chơi lớn nhất Phú Quốc. Diện tích khoảng 85 ha, có đầy đủ cả shop thương mại, condotel và mini hotel. “Từ cuối năm ngoái tới nay, người đến Phú Quốc tìm hiểu thị trường nhiều lắm. Mấy dự án lớn như thế này, hàng ngàn căn hộ nhưng cũng bán gần hết rồi. Thật ra bây giờ người ta đến đây toàn tìm những dự án lớn, theo kiểu mua căn hộ thứ 2 để đầu tư chứ không tìm mua đất nhỏ nhỏ như trước nữa. Phú Quốc lên TP, du lịch còn phát triển nhiều nên đầu tư ở đây khá lắm”, anh T. nói.
Thạc sĩ Huỳnh Phước Nghĩa nhận định: “Nguyên tắc của phát triển BĐS từ hàng trăm năm qua, được áp dụng trên toàn thế giới là: Muốn khai thác hiệu quả thị trường BĐS tại những nơi có vị thế đẹp như Phú Quốc, phải giao cho những chủ đầu tư có tâm, có tầm nhìn, có nguồn lực mạnh như VinGroup, SunGroup… Chỉ những nhà đầu tư tiềm lực lớn mới đủ sức tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh, cả hệ sinh thái, có giá trị về mặt định vị so với thế giới. Chỉ có tiêu chuẩn ở đẳng cấp cao và tầm nhìn khai thác trong dài hạn mới có thể biến Phú Quốc thật sự trở thành đảo ngọc”
|
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS VN, đánh giá: Trước đây, các nhà đầu tư thường chỉ tận dụng lợi thế sẵn có như biển, khí hậu, chỉ tạo ra chỗ cho khách đến nghỉ và hưởng thụ những sản phẩm có sẵn đó. BĐS du lịch tại Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang… chủ yếu chỉ thiên về lưu trú. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu của du khách ngày càng đa dạng và đòi hỏi chất lượng cao, sản phẩm nào càng thỏa mãn được nhiều nhu cầu phục vụ thì nơi đó càng thành công. Đó là lý do những quần thể nghỉ dưỡng đầy đủ sản phẩm ăn, nghỉ, vui chơi, giải trí như Phú Quốc United Center lại thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Phân tích thêm về thị trường, ông Đính cho rằng Phú Quốc đã có nhiều năm phát triển “nóng” nên việc lên TP sẽ không lập tức tạo ra “cơn sốt” đất như những vùng mới nổi. Tuy nhiên giai đoạn tới, chắc chắn Phú Quốc sẽ chứng kiến một cuộc chuyển mình mạnh mẽ, tăng tốc trong việc kêu gọi các dòng vốn đầu tư để tạo ra một TP đảo du lịch lớn, mạnh, có sức cạnh tranh mạnh tương đương các “thủ phủ” du lịch nổi tiếng thế giới. Đang trong giai đoạn khởi đầu, phía bắc, nam đảo dần hình thành những khu dân cư, hạ tầng chuẩn nhưng mới ở mức sơ khai nên chắc chắn còn nhiều dư địa phát triển đa dạng các mô hình kinh tế, kéo theo sự phát triển của các hệ thống hạ tầng, tăng giá trị BĐS rất nhiều. Giá BĐS trong tương lai có thể ngang với giá tại các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội.
“Đặc biệt, Phú Quốc cam kết quy hoạch giữ nguyên 70% là rừng nguyên sinh, chỉ còn khoảng 30% đất, bao gồm cả đất quốc phòng, làng chài... Như vậy, quỹ đất rất hạn hẹp. Trong bối cảnh đó, phát triển đòi hỏi tương xứng với tiêu chuẩn cao thì nhà đầu tư nào thức thời, đầu tư càng sớm sẽ càng hưởng lợi. Nếu chờ sau khi hệ thống hạ tầng đã hình thành mạnh mẽ mới vào mua thì giá sẽ cao hơn, lợi nhuận không nhiều”, vị này nhận định.
Hút “đại bàng” để phát triển bền vững
Mặc dù đang đứng trước cơ hội bứt tốc rất lớn nhưng bài học từ những “cơn sốt” đất năm 2018 - khi Chính phủ ban hành Nghị quyết thống nhất xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đối với Phú Quốc - vẫn còn “nóng hổi”. Chỉ sau 1 năm, cơn “địa chấn” chưa bao giờ có tại khu vực này đã khiến hàng ngàn người lâm cảnh vỡ nợ, ôm đất khóc ròng. Quan trọng hơn, sau thời gian phát triển vượt bậc, Phú Quốc bắt đầu hụt hơi. Nhiều nhà đầu tư lớn cũng phải lắc đầu ngao ngán, chuyển hướng sang khu vực khác.
Ông Nguyễn Văn Đính đặt niềm tin rằng làn sóng đầu cơ, sự lộn xộn, nhếch nhác sẽ khó có cơ hội tái diễn sau khi Phú Quốc lên TP vì chính quyền tỉnh Kiên Giang và TP.Phú Quốc đã nhiều lần chia sẻ về chiến lược quy hoạch, định hướng quản lý nhà nước tốt hơn trong giai đoạn tới, quyết tâm phát triển Phú Quốc thực sự trở thành 1 TP biển đảo mang tầm quốc tế. Với phần tài nguyên đang hạn hẹp hiện nay, Phú Quốc buộc phải tạo ra những công trình, hạ tầng có chất lượng và phù hợp. Do đó, lãnh đạo TP cũng đã nhìn nhận ra hướng phải đi và bày tỏ sẽ tạo cơ chế, chính sách để thu hút “đại bàng” về Phú Quốc chứ không phải để đàn chim sẻ đua nhau “xỉa mồi” như trước.
Thạc sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng cho rằng hiện nay Phú Quốc đã phát triển vượt quá kỳ vọng, đã đi qua giai đoạn phát triển “nóng” và bắt đầu chuyển hướng sang phát triển bền vững. Quỹ đất trong dân hiện đang bị chia nhỏ rất nhiều, manh mún. Thời cứ chiếm đất, phân lô, đẩy giá lên rồi lướt sóng kiếm lời của các nhà đầu tư cá nhân đã qua rồi. Thứ nhà đầu tư hướng đến hiện nay là khai thác bền vững. Mà muốn khai thác hiệu quả, cần có đủ năng lực để tạo ra đầy đủ hệ sinh thái, 1 sản phẩm BĐS hoàn chỉnh mới đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Bình luận (0)