Đột phá kinh tế từ du lịch: Kéo đại bàng về xây tổ

18/10/2019 06:38 GMT+7

Đó là quan điểm của TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, khi trả lời câu hỏi : “Làm thế nào để du lịch thật sự trở thành ngành mũi nhọn , bứt phá phát triển kinh tế ?”.

* Theo ông, tại sao du lịch được chọn để định hướng trở thành nền kinh tế mũi nhọn? Đột phá du lịch sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung?
- Hiện tại, du lịch đang là ngành trỗi dậy mạnh mẽ nhất ở nước ta. Trong bối cảnh đất nước mở cửa mạnh mẽ, khi tất cả mọi người rầm rộ lên đường đi khám phá cái mới và tận hưởng cuộc sống thì việc VN lựa chọn du lịch làm ngành mũi nhọn để bứt phá phát triển là hoàn toàn đúng đắn.
Rõ ràng hiện nay, chúng ta không thể trông cậy vào những ngành truyền thống - hoàng hôn, lấy đó làm chỗ dựa chính để thoát khỏi tụt hậu và trở nên hùng cường vì những ngành này đã bão hòa. Trước mắt, cũng chưa thể kỳ vọng quá nhiều vào các ngành công nghệ cao. Dù các ngành này sẽ đóng vai trò quyết định tương lai, vẫn cần nhiều thời gian để chúng kịp lớn lên.
Chọn du lịch làm ngành mũi nhọn là định hướng phát triển du lịch đẳng cấp cao, xác định đây là “trục” trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế. Theo cách tiếp cận đó, phát triển nền nông nghiệp đặc sản công nghệ cao để phục vụ phát triển du lịch; các đô thị phải trở thành đô thị du lịch, chọn kinh tế ban đêm làm mũi nhọn...
* Chủ trương có, tài nguyên có, vậy theo ông tại sao du lịch vẫn chưa thể đột phá, chưa thể khai thác hết tiềm năng để đóng góp nhiều hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế?
- Du lịch vẫn chưa phát triển đúng tầm nghĩa là còn thiếu những điều kiện, còn bị tắc nghẽn ở khâu nào đó. Những điểm yếu đó hiện nay cơ bản đã bộc lộ ra hết rồi. Đó là giao thông kết nối, là hạ tầng du lịch, là nhân lực, là các rào cản thể chế - văn hóa, là sự phiền hà thủ tục... Muốn du lịch bùng nổ, đơn giản là phải “đột” mạnh vào đó. Nhưng phải "đột" đến mức “phá” được chúng. Nếu không thì sẽ tiếp tục chậm, tiếp tục trì trệ và kém phát triển kéo dài.
* Cụ thể thì phải "đột" thế nào để "phá" được các nút thắt, các rào cản, các hạn chế mà ông vừa nêu ra?
- Muốn làm như vậy, du lịch VN phải xác định rõ mục tiêu phát triển thành “đẳng cấp và khác biệt”. Giải pháp cũng hiện ra hết rồi. Chúng ta có thể nhìn thấy qua Đà Nẵng, Hội An, Sa Pa, Phú Quốc hay gần đây là Bình Thuận, Quảng Bình… những bức tranh du lịch buồn tẻ, đơn điệu chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành điểm đến tầm cỡ thế giới. Cách các địa phương này làm cần được tổng kết, nhận thức và nhân rộng ra.
Trong số những bài học đó, tôi muốn nhấn mạnh bài học “kéo đại bàng về xây tổ”. Sun Group định hình chân dung du lịch hiện đại cho Đà Nẵng và Sa Pa. Vingroup cũng làm như vậy với Phú Quốc, Nha Trang. Còn nhiều ví dụ khác nữa để minh chứng rằng, việc mời gọi các nhà đầu tư tư nhân đến phát triển du lịch địa phương, tạo thuận lợi cho họ phát huy năng lực đã được đền đáp xứng đáng. Nỗ lực “trải thảm” và “nhổ đinh” của Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh đã giúp các địa phương này tạo dựng được chân dung phát triển mới, vượt lên một đẳng cấp khác, đời sống nhân dân được cải thiện mạnh mẽ.
Không có lý do gì để không thừa nhận và khẳng định vai trò, công lao của khối doanh nghiệp tư nhân trong công cuộc phát triển du lịch theo tinh thần đột phá ở nước ta, ở các địa phương tiên phong trong thời gian qua. Sự ghi nhận đó còn đậm hơn nếu hiểu thật sâu sắc hai điều. Một, làm du lịch là khó bậc nhất so với bất cứ ngành nào. Hai, tiên phong làm du lịch theo hướng đẳng cấp cao là đặc biệt rủi ro.
* Ông vừa nói đến rủi ro... đó là một thực tế mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt. Từ Bà Nà Hill, Phú Quốc, Sa Pa và mới đây là câu chuyện của Tam Đảo... cho thấy, nhiều sản phẩm du lịch giúp địa phương lột xác, giúp quảng bá hình ảnh của VN tới du khách thế giới nhưng cũng bị chỉ trích về môi trường. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Bản chất của phát triển là đánh đổi. Không thể “được” cả mà không “mất” gì. Trong điều kiện nguồn lực hữu hạn và khan hiếm thì nguyên tắc đánh đổi càng thể hiện rõ, càng chi phối. Được kinh tế, có thu nhập thì phải bán tài nguyên, môi trường bị tổn hại. Không có gì cho không cả. Theo logic nghiệt ngã đó, vấn đề đặt ra không phải là có đánh đổi hay không mà là đánh đổi như thế nào để đạt được hiệu quả phát triển cao nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.