Nhiều nơi trên cả nước xảy ra các hiện tượng gây mưa lớn kèm giông, lốc, sét, thậm chí mưa đá…
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bộ phận không khí lạnh ở phía bắc tiếp tục di chuyển xuống phía nam. Ở phía nam, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 8 - 11 độ vĩ bắc nằm nối với một vùng áp thấp trên khu vực nam Biển Đông.
Ngày 29.4, TP.HCM nhiều nơi xảy ra mưa lớn do ảnh hưởng của rãnh áp thấp |
Chí Nhân |
Vùng núi Bắc bộ 16 - 18 độ C
Dự báo đêm mai 30.4, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi Bắc bộ. Từ gần sáng và ngày 1.5 ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc bộ và bắc Trung bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở trung Trung bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp nên từ chiều tối 30.4 - 1.5 ở Bắc bộ có mưa vừa, mưa to và giông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40 - 70 mm/đợt, có nơi trên 100 mm/đợt. Ngày 1 - 2.5, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa vừa, mưa to và giông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70 - 150 mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Từ ngày 1.5, ở Bắc bộ và bắc Trung bộ trời chuyển lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 18 - 21 độ C, vùng núi Bắc bộ chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 16 - 18 độ C.
Nhìn ở góc độ thời tiết, sự cố ở Quảng Nam vừa qua, một trong những nguyên nhân quan trọng là do tàu du lịch (ca nô) ra khơi trong điều kiện thời tiết không an toàn. Nhắc lại điều này cũng để cảnh báo những du khách và đơn vị du lịch chú ý hơn trong việc bảo đảm an toàn cho du khách trong kỳ nghỉ lễ lần này.
Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây nguyên và Nam bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to từ 29 - 30.4, lượng mưa 70 - 120 mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt. Trong mưa giông có thể xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Từ đêm 30.4, trên đất liền gió chuyển hướng đông bắc cấp 3, vùng ven biển cấp 4. Từ gần sáng 1.5, vịnh Bắc bộ gió chuyển hướng đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2 - 4 m. Từ chiều 1.5, khu vực bắc Biển Đông và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió chuyển hướng đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3 - 5 m ở khu vực bắc Biển Đông và từ 2 - 4 m ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển là cấp 2; cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá là cấp 1.
Áp thấp dị thường gây thời tiết xấu
Theo Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia thời tiết, ở phía nam có dãy hội tụ nhiệt đới, trên dãy hội tụ này xuất hiện vùng áp thấp, ngay trên quần đảo Trường Sa của VN. Theo mô hình dự báo uy tín của các nước, ngày 28.4 vùng áp thấp này di chuyển về phía tây (đất liền VN) và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới; đến ngày 29.4 vùng áp thấp này lại có xu hướng giảm nhưng vẫn hướng về phía tây. Chính vì vậy, Nam bộ và nam Tây nguyên đón đợt mưa lớn kéo dài đến ngày 2.5. Đợt áp thấp này cũng tạo điều kiện cho gió mùa tây nam hoạt động mạnh lên và đều hơn. Đây là yếu tố có thể khẳng định Nam bộ chính thức bước vào mùa mưa với kiểu thời tiết đặc trưng là sáng nắng chiều mưa, lượng mưa phổ biến từ 30 - 50 mm. Các tỉnh, thành Nam bộ cần đề phòng mưa to, lốc xoáy và tàu bè trên vùng biển Kiên Giang cần đề phòng vòi rồng.
“Thời điểm này mà hình thành áp thấp hay áp thấp nhiệt đới ở vùng biển ngay trên khu vực quần đảo Trường Sa là bất thường. Điều gì bất thường cũng không tốt vì nó nằm ngoài quy luật nên rất khó đoán và thời tiết lại càng phức tạp. Điều này cũng là cảnh báo về một mùa mưa bão sớm. Nguyên nhân là do hiện nay chúng ta vẫn đang ở trong trạng thái La Nina yếu. Trạng thái này có thể kéo dài đến tháng 6 - 7, sau đó mới chuyển sang giai đoạn trung tính”, bà Lan nhận xét.
Trong những ngày qua, Nam bộ đón đợt nắng nóng bất thường. Theo Th.S Lê Thị Xuân Lan, trước đây vào giai đoạn chuyển mùa nắng nóng theo từng đợt, hết đợt này đết đợt khác và mỗi đợt kéo dài chỉ khoảng 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, năm nay nắng nóng kéo dài hơn rất nhiều và không chia ra thành từng đợt như thế. Mặt khác, nhiệt độ trong lều khí tượng chỉ 35 - 37 độ C, nhưng nhiệt độ cảm nhận (nhiệt độ quan trắc thực tế) đến 39 - 41 độ C, thậm chí có nơi đến 42 độ C. Nắng nóng kéo dài từ 8 - 18 giờ, có nghĩa là thời gian nắng nóng kéo dài rất lâu trong ngày. Nhưng sau đợt lễ này, Nam bộ bước vào mùa mưa, hiện tượng nắng nóng sẽ giảm mạnh và nhiệt độ có thể giảm xuống bình quân từ 3 - 5 độ C.
Trong khi đó, ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung do những ngày qua đang nắng nóng nay lại chịu ảnh hưởng của không khí lạnh. Hai khối không khí đối lập nhau này sẽ tạo ra các hiện tượng cực đoan như mưa giông, mưa đá và lốc xoáy rất nguy hiểm.
Cẩn trọng các hoạt động vui chơi, giao thông trên biển
Trong khi trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên về tình hình thời tiết, Th.S Lê Thị Xuân Lan nhận cuộc điện thoại của một ngư dân gọi đến từ Quảng Ngãi. Người này muốn tham vấn ý kiến chuyên gia về thời tiết trước khi ra khơi vào ngày 30.4. Sau khi thông tin về khả năng áp thấp nhiệt đới xuất hiện, bà Lan khuyên: “An toàn nhất là hãy ở nhà nghỉ đến sau ngày 2.5 hãy quyết định”. Tuy nhiên, ngư dân này cho biết rất khó hoãn lại vì đã chuẩn bị xong hết mọi thứ, kể cả nước đá. Vì vậy, bà Lan khuyên nếu phải ra khơi hãy đi về hướng bắc vì biển ổn định hơn và có thể tìm nơi trú ẩn trong vịnh Bắc bộ nếu chẳng may thời tiết diễn biến bất thường. “Nếu có đi như dự định, nên gọi lại cho tôi trước khi đi”, bà Lan khuyên ngư dân.
Bà Lan tâm sự: “Có khả năng họ sẽ ra khơi bất chấp cảnh báo vì mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn hết. Điều đó cũng đồng nghĩa họ sẽ đối mặt với rủi ro rất cao. Chính vì vậy công tác dự báo và dự báo sớm là rất quan trọng, không chỉ với ngư dân mà nhiều hình thức khác như vận tải biển, du lịch biển... Hiện nay, VN còn yếu cả về nguồn nhân lực và vật lực cho công tác này. Từ đầu năm đến nay trên vùng biển VN thường xảy ra các sự cố chìm tàu, kể cả thương mại và du lịch. Một trong những vụ việc đau lòng là chìm tàu du lịch xảy ra ở Quảng Nam hồi đầu tháng 3. Cần phát triển ngành dự báo và cảnh báo thời tiết để tránh những điều đáng tiếc. Tuy nhiên, ở góc độ ngược lại, việc tổ chức các hoạt động giao thông, du lịch biển cũng cần chú ý đến các dự báo thời tiết. Các doanh nghiệp du lịch lữ hành cần phối hợp với các cơ quan dự báo thời tiết để nhận những bản tin chuyên dùng. Đây là giải pháp đã được sử dụng rộng rãi trong ngành vận tải biển”.
Bình luận (0)