Bệnh đậu mùa khỉ sắp có tên mới

23/11/2022 12:17 GMT+7

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang có kế hoạch đổi tên bệnh đậu mùa khỉ thành “MPOX” và có thể thông báo điều này vào ngày 23.11.

Một bé gái 6 tuổi bị bệnh đậu mùa khỉ hồi tháng 10 ở Cộng hoà dân chủ Congo

reuters

Politico dẫn lời ba nguồn tin cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang có kế hoạch đổi tên bệnh đậu mùa khỉ thành “MPOX”. Quyết định này có thể được công bố sớm nhất vào ngày 23.11. Động thái này theo sau một thỏa thuận ban đầu mà WHO đưa ra trong mùa hè để xem xét các đề xuất cho tên mới của bệnh đậu mùa khỉ.

Việc đổi tên được cho là để đối phó với áp lực ngày càng tăng từ các quan chức cấp cao của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Họ đã thúc giục WHO đổi tên và cho biết Mỹ sẽ đơn phương hành động nếu WHO không nhanh chóng làm điều này.

WHO chịu trách nhiệm điều phối các vấn đề sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu, bao gồm tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đề xuất tên cho các bệnh.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden trong nhiều tháng qua lo ngại rằng tên của căn bệnh này đang làm gia tăng sự kỳ thị - đặc biệt là đối với những người da màu. Theo các nguồn tin, sự chần chừ của WHO cũng đang cản trở chiến dịch tiêm chủng.

Lãnh đạo WHO khuyên người đồng tính nam giảm số lượng bạn tình để tránh nhiễm đậu mùa khỉ

WHO và Nhà Trắng từ chối bình luận về các thông tin trên.

Các chuyên gia y tế cộng đồng và nhà hoạt động LGBT cũng đã kêu gọi bỏ tên gọi đậu mùa khỉ, được đặt ra sau khi căn bệnh được phát hiện lần đầu năm 1958, kể từ khi nó bắt đầu lan rộng vào mùa xuân vừa qua. Họ lập luận rằng tên gọi đậu mùa khỉ là không chính xác, tạo ra định kiến ​​​​phân biệt chủng tộc về châu Phi và gây bất lợi cho phản ứng chống dịch trên toàn cầu.

Bệnh đậu mùa khỉ bắt đầu lây lan nhanh chóng ở Mỹ vào tháng 5 và đã thúc đẩy nỗ lực trên toàn quốc nhằm kiểm soát các ổ dịch. Nhà Trắng vào tháng 8 đã tiếp quản công tác ứng phó, đồng thời chỉ định ra 2 điều phối viên cho việc kiểm soát đậu mùa khỉ.

Mỹ đã ghi nhận gần 30.000 ca nhiễm bệnh trong đợt bùng phát đậu mùa khỉ lần này, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật. Tuy nhiên, nhờ chiến dịch tiêm chủng của chính phủ, cuộc khủng hoảng dường như đã dịu lại. Số ca nhiễm đã giảm từ mức hơn 400 ca mỗi ngày trong mùa hè xuống chỉ còn vài chục ca/ngày trong những tuần gần đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.