Bệnh viện Từ Dũ lần đầu can thiệp tắc mạch bướu máu bánh nhau thành công

Duy Tính
Duy Tính
29/08/2023 11:46 GMT+7

Bướu máu bánh nhau nếu không được can thiệp kịp thời thì nguy cơ sản phụ sinh non và thai nhi tử vong rất cao.

Ngày 29.8, bác sĩ Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), cho biết việc phối hợp sản - nhi lần đầu tiên đã can thiệp mạch bướu máu bánh nhau thành công, cứu sống được thai nhi từ trong bụng mẹ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trịnh Nhựt Thư Hương, Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết thêm: sản phụ V.T.T.N (35 tuổi, ngụ Tây Ninh) được phát hiện bướu máu bánh nhau lúc thai 17 tuần và khối bướu ngày càng phát triển.

Đến 26 tuần, sản phụ được Bệnh viện Từ Dũ hội chẩn với Bệnh viện Nhi đồng 1 và chẩn đoán có bướu máu bánh nhau gây thiếu máu và phù thai, suy thai… Kích thước bướu máu bánh nhau to bằng cái chén.

Bệnh viện Từ Dũ lần đầu can thiệp tắc mạch bướu máu bánh nhau thành công - Ảnh 1.

Tắc mạch nuôi bướu máu bánh nhau

BVVC

"Nếu không can thiệp thì khối bướu máu sẽ gây nhiều biến chứng. Theo đó, 30% sẽ gây chuyển dạ sinh non và tỷ lệ tử vong lên đến hơn 50%. Bệnh viện cũng không thể đưa em bé ra ở thời điểm 26 tuần", bác sĩ Thư Hương nói.

Sản phụ được chỉ định can thiệp tắc mạch máu nuôi bướu. Thủ thuật này được thực hiện tại Bệnh viện Từ Dũ, phối hợp ê kíp của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 vào lúc thai 26,5 tuần. Sau đó thai nhi được truyền máu.

Theo bác sĩ Thư Hương, trước giờ, với những ca như trên thì chỉ điều trị hỗ trợ, tức là em bé có thiếu máu thì truyền máu, phù tim thì sử dụng thuốc trợ tim chứ chưa điều trị gốc là tắc mạch máu nuôi bướu bánh nhau và nguyên nhân gây thiếu máu cho em bé, tức chưa điều trị trúng đích.

10 ngày trước, sản phụ nhập viện để được theo dõi sát vì khối bướu máu bánh nhau to, dày, dính và có nguy cơ băng huyết sau sinh, hơn nữa người mẹ có vết mổ cũ…

Bệnh viện Từ Dũ lần đầu can thiệp tắc mạch bướu máu bánh nhau thành công - Ảnh 2.

Sáng 29.8, y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã mổ bắt con thành công cho sản phụ

BVCC

Sáng 29.8, tức thai nhi đến thời điểm 37,5 tuần, Bệnh viện Từ Dũ đã mổ bắt con cho sản phụ. Dự phòng được các tình huống nguy cơ băng huyết, ê kíp bác sĩ đã kiểm soát được chảy máu trong vòng 2 phút sau mổ, em bé chào đời phát triển tốt, cân nặng 2,9 kg.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Hải, đây là trường hợp can thiệp nội mạch gây tắc mạch chọn lọc điều trị bướu máu bánh nhau thành công tại Việt Nam, can thiệp lúc thai 26,5 tuần. Vì là lần đầu tiên can thiệp, tất cả mọi người thấp thỏm vì nguy cơ chảy máu, nhau bong non, thai nhi tử vong…

Bướu máu bánh nhau là khối bướu mạch máu không thuộc nguyên bào nuôi của bánh nhau với tỷ lệ gặp chỉ khoảng 1%. Tỷ lệ mắc bệnh lý bướu máu bánh nhau lớn (hơn 4,5 cm) là hiếm gặp, khoảng 1/3.500 – 1/9.000/ca. Nếu bướu máu bánh nhau nhỏ thì có thể không có triệu chứng bất thường. Tuy nhiên, khi khối bướu máu bánh nhau lớn (từ 4 - 5 cm) có thể gây các biến chứng có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn nhau thai.

Biến chứng của bướu máu bánh nhau lớn bao gồm: Phù thai (14% - 28% các trường hợp); thiếu máu thai; sinh non; suy tim thai; thai chậm tăng trưởng; thai lưu.

Tắc mạch máu bánh nhau là một kỹ thuật can thiệp nội mạch hiện đại. Trên thế giới hiện nay có các phương pháp điều trị bướu máu bánh nhau lớn, như: can thiệp nội mạch làm tắc mạch máu bánh nhau bằng hóa chất, bằng cồn, laser mạch máu...

Trong đó, can thiệp nội mạch gây tắc mạch chọn lọc điều trị bướu mạch máu bánh nhau là một can thiệp có kỹ thuật cao dưới hướng dẫn của siêu âm, chọn lọc chính xác mạch máu hơn kỹ thuật laser, không có độc tính như tiêm cồn vào lòng mạch và không gây biến chứng chảy máu sau khi rút kim.

Kỹ thuật can thiệp này cần xác định chính xác mạch máu nuôi khối bướu của bánh nhau, sau đó đưa ống luồn đi sâu vào lòng khối bướu, bơm chất tắc mạch vào lòng mạch gây tắc mạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.