Ngoài sân bay Côn Đảo (H.Côn Đảo) và sân bay Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu), hiện nay ở Bà Rịa- Vũng Tàu còn có một sân bay khác ở H.Đất Đỏ, đó là sân bay Lộc An, do Công ty TNHH dự án Hồ Tràm đang trong giai đoạn xin chủ trương đầu tư xây dựng để chở khách du lịch đến Hồ Tràm.
Thế nhưng, ở Bà Rịa-Vũng Tàu từng có một nơi mà mỗi ngày có 2 loại máy bay liên tục đáp và cất cánh trong thời chiến tranh (những năm 1965 – 1971) mà đến nay ít người biết đến, đó là đường bay Núi Đất.
Đường bay Núi Đất không gọi là sân bay mà được gọi là đường bay hay đường phi đạo, chuyên phục vụ cho máy bay đầm già (trong chiến tranh Việt Nam, từ ngữ máy bay bay bà già hay máy bay đầm già là từ lóng chỉ những chiếc máy bay cánh quạt làm nhiệm vụ trinh sát, dọ thám và chỉ điểm- PV) và máy bay Dakota.
Đường bay này dài hơn 1km, rộng trên dưới 30m, được xây dựng năm 1965 bằng bê tông, mặt trên được phủ những vỉ sắt thẳng tắp.
Chú Lê Văng Thường (74 tuổi, ngụ xã Long Phước, TP.Bà Rịa) cho biết đường bay này có thể do Úc làm để đáp máy bay đầm già và máy bay Dakota, phục vụ cho chiến trường Núi Đất, xã Long Phước, TP.Bà Rịa ngày nay.
Theo chú Thường, năm 1964, đại đội C20 của Huyện đội Châu Đức thành lập do ông Ba Mai (đã hy sinh trong trận đánh với Úc tại P.Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ ngày nay) làm đại đội trưởng. Thời điểm này chú Thường là lính của đại đội C20. Toàn bộ đại đội của Úc ở trên Núi Đất, cách đường bay vài trăm mét. "Khi đường bay hoàn thành, hàng ngày Úc cho đáp và cất cánh máy bay đầm già, Dakota. Cũng có lúc Úc đáp máy bay sâu rọm, là loại chuyên vận chuyển xe tăng, trang thiết bị... Máy bay đầm già Úc thường dùng để kiếm điểm để bắn, tiêu diệt đại đội C20, trong khi máy bay Dakota thì để cho lính nhảy dù, thả trái sáng", chú Thường cho hay.
Thời chiến tranh, liên tục đánh nhau nhưng chưa lần nào đại đội này đến được đường bay này. Năm 1971, khi rút khỏi chiến trường Núi Đất, giao đường bay lại cho Mỹ nhưng Mỹ cũng không quản lý nên người dân địa phương đã ra đường bay cạy sắt, bê tông về làm chuồng heo, làm nhà ở…
Ngày nay, đường bay này đã không còn bê tông mà đã được trải nhựa, trở thành con đường dân sinh. Đầu đường bay giáp với rừng cao su thuộc xã Long Phước (TP.Bà Rịa), trong khi đoạn cuối đường bay là một trường học cũ thuộc xã Nghĩa Thành (H.Châu Đức).
Đường bay này hiện đã bị cắt ngang bởi Hương Lộ 2, kéo dài từ vòng xoay chợ mới TT.Long Điền (H.Long Điền) ra quốc lộ 56, đoạn ngã ba Cô Đơn thuộc xã Nghĩa Thành. Nhiều người đi ngang Hương lộ 2 qua ngã tư này thường đặt câu hỏi sao đoạn đường này rộng, dài và thẳng tắp như thế?.
Bình luận (0)