Bí ẩn Ngũ Hành Sơn: Gian nan cuộc tu bổ lịch sử

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
27/05/2022 06:15 GMT+7

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt “Nam thiên đệ nhất danh thắng” Ngũ Hành Sơn thế nào không còn là ẩn số, khi mới đây đồ án quy hoạch đã được thông qua. Nhưng “siêu dự án” cần hàng ngàn tỉ đồng để tu bổ, phục hồi này còn rất nhiều việc phải làm...

Thoát phận dự án “siêu treo” ?

Tháng 3 vừa qua, hay tin HĐND TP.Đà Nẵng (HĐND TP) thông qua nghị quyết đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn để trình Chính phủ phê duyệt, nhiều cư dân khấp khởi vui mừng vì hy vọng sớm thoát khỏi dự án Công viên văn hóa lịch sử “siêu treo” này. 13 năm qua, dù mang tiếng là cư dân thành phố nhưng nhiều người dân lại phải sống trong những căn nhà lụp xụp, nhiều nhất là khu vực lân cận ngọn Kim Sơn. Đà Nẵng phát triển đô thị đến chóng mặt nhưng riêng khu vực này nhếch nhác, kém khang trang.

Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn từ lâu là địa điểm tham quan, hành hương nổi tiếng

Trong tờ trình gửi HĐND TP, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho hay diện tích quy hoạch khu danh thắng Ngũ Hành Sơn ảnh hưởng đến 1.022 hộ dân của 14 tổ dân phố; tổng diện tích quy hoạch khu danh thắng lên gần 105 ha (trong đó khu vực bảo vệ 1 gần 19 ha). Đà Nẵng định hướng bảo tồn toàn bộ các giá trị nổi bật của khu danh thắng, bao gồm hệ thống núi đá vôi và các hang động, công trình di tích - danh thắng, ma nhai, các vị trí khảo cổ, hệ sinh thái và các yếu tố phi vật thể. Trong giai đoạn từ năm 2022 - 2045, TP sẽ đầu tư 7 nhóm dự án, trong đó có đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và cắm mốc di tích; tu bổ, tôn tạo giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực bảo vệ 1; bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa phi vật thể...

Còn nhớ, tháng 6.2009, Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 hướng đến xây dựng thành khu danh thắng có giá trị đặc biệt, phát triển kinh tế xã hội, hòa nhập hữu cơ vào đời sống xã hội… Nhưng sự “hòa nhập” đến nay vẫn chưa thành hiện thực, ngược lại người dân phải khổ sở “hòa nhập” với dự án “treo” hơn 1 thập kỷ qua. Bởi vậy, khi được hỏi chuyện, bên cạnh vui mừng vì tín hiệu khả quan, nhiều người dân ở tổ 20 (P.Hòa Hải) rất lo lắng vì nhà cửa xuống cấp lâu năm không được sửa sang. Cạnh đó, ước kinh phí dự án trên 2.000 tỉ đồng, sau quy hoạch liệu người dân có được nhanh chóng đến nơi khác để ổn định cuộc sống.

Theo tài liệu của PV, trước đó, theo chỉ đạo của UBND TP.Đà Nẵng, đồ án quy hoạch Ngũ Hành Sơn để trình T.Ư phê duyệt phải hoàn thành vào tháng 6.2021. Nhưng việc lập đồ án cũng chậm tiến độ và như đã nói, đến tháng 3 vừa qua, HĐND TP mới có thể thông qua nghị quyết. Với việc dự án “treo” đã 13 năm qua cùng với tiến độ ì ạch trong thực hiện các thủ tục, người dân lo lắng là điều dễ hiểu.

Xử lý công trình xâm hại

Trước khi được HĐND TP thông qua, đồ án quy hoạch Ngũ Hành Sơn đã được lấy ý kiến từ người dân cho đến các chuyên gia. Một số hội nghị phản biện xã hội cũng được mở để ghi nhận các đề xuất nên tu bổ di tích đặc biệt Ngũ Hành Sơn theo hướng nào (Thanh Niên ngày 10.11.2021 đã có bài ghi nhận). Hòa thượng Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm - một người tâm huyết với di sản Ngũ Hành Sơn, đã gửi nhiều ý kiến đóng góp. Khi được hỏi, vị hòa thượng nhấn mạnh đến việc phải có quy chế quy hoạch, bảo vệ cảnh quan xung quanh di tích.

Số phận thang máy được gắn thô bạo vào Thủy Sơn được người dân quan tâm khi tu bổ di tích

HOÀNG SƠN

Theo hòa thượng Thích Huệ Vinh, vấn đề này được quan tâm quá trễ mà hậu quả có thể thấy rõ từ trường hợp một tòa nhà che khuất tầm nhìn ra biển khi đứng ở Vọng Hải đài. “Ở Ngũ Hành Sơn có Vọng Hải đài nhìn ra biển và Vọng Giang đài nhìn về phía sông Cổ Cò. Thế nhưng bây giờ, đứng ở Vọng Hải đài chỉ thấy thấp thoáng nước biển. Cố gắng nhìn nghiêng thì còn một chút xíu. Nhưng nếu phần đất này được xây dựng cao ốc tiếp thì Vọng Hải đài dù còn đó nhưng cũng xem như bị “xóa sổ”. Chúng ta sẽ trả lời với hậu thế, với du khách quốc tế thế nào khi họ đứng ở Vọng Hải đài mà không thấy biển đâu. Cho nên, việc khống chế tầm cao các công trình xung quanh Ngũ Hành Sơn là rất quan trọng”, hòa thượng nói.

Tại cuộc họp báo ngày 18.4 qua, trả lời câu hỏi về việc sẽ xử lý thế nào đối với những công trình xâm hại đến di tích, mà đặc biệt là chiếc thang máy cao 5 tầng được gắn thô bạo vào ngọn núi đá Thủy Sơn, ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, cho biết đây là công trình đã tồn tại khá lâu và dư luận đã nhiều lần lên tiếng do thang máy được làm bằng bê tông gây mất mỹ quan. “Sau này “sẽ có cách xử lý” để vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị di tích. Các ngành sẽ có những tính toán để đảm bảo hài hòa”, ông Xử nói.

Ở góc độ huy động nguồn vốn xã hội cho nhiều hạng mục của dự án, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, cảnh báo việc xã hội hóa nguồn lực tài chính ở Ngũ Hành Sơn cần có những đòi hỏi đặc thù. “Việc thu hồi vốn sau đầu tư cần được tính toán cân đối hài hòa nhằm vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, vừa phải quan tâm giữ lại một số không gian công cộng nhất định đảm bảo đáp ứng nhu cầu tham quan, chiêm bái của đông đảo người dân. Cần tránh tình trạng biến “đất công” thành “đất ông” của một số nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận”, ông Tiếng nhấn mạnh.

Bí ẩn Ngũ Hành Sơn

Tàng thư ẩn trên vách núi

Ly kỳ chuyện chọn người vào vai Quán Thế Âm

Nơi Huyền Trân công chúa từng dừng chân?

Đi tìm bến ngự

Tấm bia nào cổ nhất ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.