Bí ẩn về loại vũ khí Nga vừa tung vào xung đột ở Ukraine

Bí ẩn về loại vũ khí Nga vừa tung vào xung đột ở Ukraine

10/08/2024 14:00 GMT+7

Lực lượng Nga dường như đã bắt đầu sử dụng một loại tổ hợp tên lửa chống tăng tự hành của Triều Tiên gần biên giới với Ukraine.

Một phương tiện kỳ lạ xuất hiện trong hình ảnh do máy bay không người lái của Ukraine chụp gần Vovchansk, khu vực có giao tranh dữ dội ở vùng Kharkiv (đông bắc Ukraine), hồi cuối tháng 7.

Nghi ngờ đã được đặt ra, cho rằng đó có thể là một xe phóng tên lửa chống tăng kiểu Bulsae-4 của Triều Tiên. Nếu được xác nhận là chính xác, đây sẽ là lần đầu tiên Nga sử dụng xe bọc thép do Triều Tiên cung cấp.

Tuy nhiên ông Vitali Sarantsev, người phát ngôn của bộ chỉ huy quân sự khu vực Kharkiv, nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Suspilne hôm 30.7 rằng ông không thể xác nhận độ chính xác của thông tin này.

Dù vậy, các nhà phân tích của trang thông tin quân sự Ukraine Defense Express tin rằng khả năng xuất hiện của tên lửa chống tăng có điều khiển Bulsae-4 trong biên chế quân đội Nga “ở một mức độ nào đó là điều đã được dự đoán”.

Giới quan sát quân sự cũng nghi ngờ Nga đã dùng Bulsae-4 trong một vụ tấn công phá hủy một pháo tự hành AS-90 của Ukraine.

Một video về vụ tấn công này cho thấy pháo Ukraine bị bắn trúng bằng một loại đầu đạn mang đặc tính đường bay của tên lửa chống tăng có điều khiển. Tuy nhiên, video này đã xuất hiện từ hồi tháng 3.2024.

Ukraine và phương Tây cáo buộc Triều Tiên cung cấp vũ khí đạn dược để Nga sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine. Cả Moscow và Bình Nhưỡng đã bác bỏ cáo buộc này.

Bí ẩn về loại vũ khí Nga vừa tung vào xung đột ở Ukraine- Ảnh 1.

hệ thống tên lửa chống tăng tự hành tầm xa Bulsae-4 của Triều Tiên

KCNA

Bulsae-4 là hệ thống tên lửa chống tăng tự hành tầm xa của Triều Tiên. Không có dữ liệu chính xác về đặc điểm của phương tiện này. Một số nguồn ước tính tầm bắn của hệ thống này là 10-25km.

Về nguồn gốc của loại vũ khí này trong quân đội Triều Tiên, trang Defense Express nhắc đến hai giả thuyết.

Khả năng đầu tiên là các tay súng Hezbollah vào giữa thập niên 2000 đã thu được các mẫu tên lửa Spike của Israel, và dùng nó làm cơ sở để phát triển không chỉ tên lửa Bulsae-4 mà còn cho tên lửa Almas của Iran, trong đó phiên bản Almas-3 có tầm bắn 10km.

Một khả năng khác, do Hàn Quốc đưa ra, là Bulsae-4 là bản sao của tên lửa HJ-10 của Trung Quốc, cụ thể là phiên bản AFT-10 gắn trên xe, điều khiển bằng cáp quang và tầm bắn lên tới 10km. Mẫu này lần đầu tiên được trình diễn trong một cuộc tập trận vào năm 2014.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.