Bài viết tham gia cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen:

Bị phạt vì 'dòng sông... lơ đãng'

Nguyễn Hoàng Thảo
(42 Huỳnh Tịnh Của, P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
13/06/2023 14:12 GMT+7

Tôi vẫn thường "bị" cả nhà từ chị đến mấy đứa cháu đưa vào danh sách "phạt nguội" vì thói quen "dòng sông… lơ đãng", đó là bệnh cứ hay mở cửa tủ lạnh quá lâu để tìm kiếm thức ăn, đồ uống mình ưa thích.

Hành vi mở cửa tủ lạnh quá lâu tôi nghĩ nhiều người hay mắc phải, vô tình làm hơi lạnh của tủ thoải mái thất thoát ra ngoài, máy sẽ hoạt động nhiều công suất để tái tạo hơi lạnh, hao tốn nguồn năng lượng điện.

Chuẩn bị sẵn tiền lẻ

Gia đình tôi có thói quen bao năm qua là bất cứ ai, trừ trẻ con ra, hễ về tới nhà là lục hết túi quần ra đếm xem còn tiền mệnh giá từ 1.000 đến 10.000 đồng thì xếp lại ngay ngắn, xong lấy cái kẹp giấy bằng nhôm, inox hay loại kẹp hồ sơ văn phòng "bó" hết "quỹ tiền tiết kiệm" đó lại để dùng khi "hữu sự".

Bị phạt vì 'dòng sông... lơ đãng' - Ảnh 1.

Tác giả bài viết thường xuyên vệ sinh các thiết bị điện trong nhà để tiết kiệm điện

NVCC

"Hữu sự" đó, theo bà chị cả của tôi: "Tiền lẻ tuy nhỏ nhưng có… võ lắm đó. Lúc đi lại bằng xe buýt hay mua hành, tỏi, chanh, ớt, gia vị, mì gói, quả trứng, ổ bánh mì, báo chí, đồ tiêu dùng lặt vặt, phí đổ rác hằng tháng... thì dễ giao dịch với người bán hơn tiền có giá trị lớn, vì người bán phải có sẵn nhiều tiền lẻ để trao đổi, thối lại cho người mua". Và còn một việc nữa không nói ra nhưng ai cũng hiểu: đóng phạt khi vi phạm quy định tiết kiệm điện như mở cửa tủ lạnh quá lâu, bật máy lạnh nhiệt độ thấp, không tắt thiết bị điện khi không sử dụng...

Theo đó, sau mỗi lần có thành viên "bị phạt tiền" vì thiếu tinh thần, trách nhiệm về tiết kiệm điện, thì gia đình tôi lại có thêm khoản để chi trả hóa đơn điện. Đó cũng là để hình thành thói quen tiết kiệm ở từng thành viên trong gia đình…

Tiết kiệm điện "mọi lúc mọi nơi"

Thói quen tốt và dễ thực hiện nhất trong tiết kiệm điện đó là tắt hết các đèn, quạt, máy lạnh khi không cần sử dụng, khi ra khỏi phòng.

Nếu có điều kiện thì nên mua các thiết bị điện có chế độ tiết kiệm điện thông minh dán nhãn "Smart, Inverter" hay đèn led sẽ tiết kiệm điện từ 30% đến 50% nguồn hao tốn điện năng khi sử dụng. Quá trình sử dụng cần vệ sinh thiết bị thường xuyên, vì thiết bị dơ bẩn sẽ khiến máy tốn nhiều công suất hoạt động, từ đó gây hao tốn điện năng, khiến tiền chi phí điện hằng tháng tăng thêm.

Tủ lạnh và máy lạnh nên hạn chế tắt mở nhiều lần vì sẽ làm hao tổn điện năng khi máy tủ lạnh, máy lạnh hoạt động trở lại cần nhiều công suất để làm đủ hơi lạnh bị thất thoát ra bên ngoài hay ngưng hoạt động.

Chỉ sử dụng những thiết bị khi cần thiết và phù hợp với nhu cầu. Thí dụ thay vì đun nước sôi ở lò vi sóng thì nên đun nước ở bình siêu tốc giảm hao tốn điện hơn. Chờ lượng quần áo đủ cho một lần giặt thì mới bỏ tất cả vào máy để tránh lãng phí lượng điện và nước. Quần áo ít quá thì nên giặt bằng tay.

Tránh sử dụng nhiều thiết bị trong cùng một lúc ở giờ cao điểm từ 18 giờ đến 22 giờ, đó là giờ mọi người từ chỗ làm, trường học trở về nhà và nhu cầu sử dụng từ các thiết bị điện rất cao như ti vi, máy lạnh, máy tính, tủ lạnh...

Biện pháp hữu hiệu, đơn giản là có thể ra khỏi phòng thay đổi không khí đón nắng gió thiên nhiên ở một không gian nhiều cây cảnh xanh tươi. Hay ban ngày nên mở tung hết các cánh cửa để đón ánh nắng ban mai tràn ngập vào nhà, cung cấp đủ ánh sáng, tiết kiệm nguồn điện năng rất lớn khi bật mở nhiều đèn nếu nhà thiếu ánh sáng vì đóng kín cửa.

Ban đêm chỉ mở máy lạnh khi thời tiết quá nóng bức. Luồng gió mát thiên nhiên, trong lành vào buổi sáng hay ban đêm vẫn tốt hơn, nhất là đối với những người mắc bệnh về hô hấp, huyết áp, đột quỵ ở trong phòng có điều hòa suốt ngày đêm thiếu nguồn ô xy, là điều nên tránh.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.