'Bí quyết' chống lão hóa tâm lí và thể chất của tuổi xế chiều

28/08/2020 20:36 GMT+7

Khi đã về "chiều", ai cũng cố tìm cho mình một niềm vui. Thực chất là mọi người đi tìm các cách thức chống lại việc lão hóa tâm lý đang diễn ra rất rõ ràng ở giai đoạn cao niên.

Niềm vui từ yoga, dưỡng sinh, lớp học làm bánh

Thói quen của cô Hoa (55 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM) là từ 5 giờ sáng hằng ngày, cô ra công viên Lê Thị Riêng tập dưỡng sinh với những người bạn. Cô đã tập khoảng 2 năm nay, đó là cách để cô cảm thấy cơ thể mình vẫn dẻo dai và bắt đầu một ngày mới thật nhiều năng lượng.
Chồng cô Hoa lại rất vui với hội bạn chơi bóng bàn vào mỗi buổi chiều. Mỗi người một môn thể thao khác nhau nhưng ai cũng thấy vui, thấy ngày ngắn hơn và cuộc sống trở nên thú vị hơn. Cả hai đều thấy tiếc khi đã không chơi thể thao như vậy sớm hơn từ khi còn trẻ.
Cô Chi (70 tuổi, ở quận 3, TP.HCM) sáng nào cũng đi tập yoga. Lớp yoga dành cho người lớn tuổi có các động tác vừa phải, không quá khó mà lại giúp cô giãn gân cốt thật dễ chịu. Từ khi tham gia lớp, cô nhanh nhẹn hơn, khỏe khoắn hơn và về nhà cứ đốc thúc mấy cô con gái: “Tập từ giờ đi con, đừng chờ già giống như mẹ mới đi tập”. Nhìn từ phía sau, phần eo co của cô, không ai biết cô đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Lớp yoga còn mang đến những người bạn mới, cùng nhau đi ăn uống, đi du lịch thật là vui.

Học làm bánh cũng là cách vừa để thư giãn vừa giúp gắn kết gia đình

ẢNH MINH HỌA: LÊ HỒNG HẠNH

Nhà cô Ngọc, chú Hòa (60 tuổi, ở quận 1, TP.HCM) cứ cuối tuần là mấy đứa cháu mong được về với ông bà bởi bà hay nấu các món bánh ngọt rất ngon. Học làm bánh cũng là câu chuyện mà bà tự hào nhất và hay kể nhất vì từ khi về hưu bà mới bắt đầu đi học. Nhiều lúc bà ngẫm nghĩ sao mình không chịu học sớm hơn.

Muôn cách để ngăn lão hóa thể chất và tâm lí

Khi đã về chiều, ai cũng cố tìm cho mình một niềm vui. Thực chất là mọi người đi tìm các cách thức chống lại việc lão hóa tâm lý đang diễn ra rất rõ ràng ở giai đoạn cao niên. Tuy nhiên, tốc độ lão hóa tâm lý không phụ thuộc hoàn toàn vào tuổi tác mà còn được quyết định bởi đặc điểm tâm lý và tính cách.
Nếu lao động trí óc nhiều, luôn cởi mở, lạc quan thì dù già vẫn không “lão” và ngược lại, có thể chưa lớn tuổi mà đã già. Vì vậy, có người mới qua 40 mà đã nói trước quên sau, không còn hào hứng với những điều mới lạ, dễ cáu kỉnh, dễ lo nghĩ, bất an, bảo thủ... Nhưng có người dù đã 80 vẫn tràn đầy sức sáng tạo.

Nếu lao động trí óc nhiều, luôn cởi mở, lạc quan, siêng tập thể dục thì dù già vẫn không “lão” 

ẢNH MINH HỌA: SHUTTERRSTOCK

Để tâm lý không bị lão hóa, để khi già vẫn có thể tận hưởng niềm vui được cống hiến, được công nhận, có các phương pháp liên quan đến việc chăm sóc thể chất và tinh thần mà chúng ta, đặc biệt là người nhiều tuổi cần quan tâm.
Về thể chất, cần ăn uống giàu chất đạm có trong sữa, trứng, cá, cua, các loại ngũ cốc; luyện tập thể dục; sinh hoạt điều độ; thường xuyên kiểm tra sức khỏe.
Về tinh thần, cần có ít nhất là một sở thích; tích cực hoạt động trí óc; giao lưu với người trẻ; không được nghĩ mình đã già; tập thích nghi với mọi hoàn cảnh; hiểu chính mình và yêu thương mình.
Khi đã nắm được các bí quyết, thì ngay từ khi mới chớm "chiều" hay sớm hơn thế nữa, mỗi chúng ta hãy cùng nhau chống lại việc lão hóa tâm lý. Đừng đợi khi về già mới có cho mình một vườn hoa rực rỡ, một bộ sưu tập cây quý hiếm hay tự đan cho mình một chiếc khăn len… Đừng đợi hoàng hôn mới vội vã sống điều độ và lạc quan. Đừng đợi nắng sắp tàn mới chăm chỉ đi tập thể dục… Đừng đợi, hãy làm ngay từ giờ, mọi người nhé.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.