Đó là điều đáng tiếc!
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, khi quản lý nguồn nước sự cố như vừa qua, nhiều người mới nghĩ đến nguồn nước sông Đà, hồ Đồng Bài... trong khi thực tế thì từng khu vực, từng hộ dân, khu chung cư cũng phải cẩn thận, giữ gìn. Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh nguồn nước, và lực lượng chức năng, cụ thể là công an.
“Chúng ta thường nói đến an ninh chính trị nhưng không nghĩ đến an ninh nguồn nước, tức là vệ sinh, an toàn. Cho nên sau vụ này, phải quan tâm hơn”, ông Hải nói thêm.
Nói tới giải pháp, ông Hải cho biết, phải chia trách nhiệm cho từng công đoạn trong việc cung cấp nước sạch cho người dân. Đối với doanh nghiệp, trong một nhà máy cũng phải chia ra theo từng phân xưởng, công đoạn chứ không thể để toàn bộ hệ thống quan trắc mà không phát hiện ra, hoặc phát hiện ra nhưng xử lý lúng túng.
“Không thể như ông Tốn (Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà - pv) nói là tôi không biết là nên dừng hay không. Cái đó là cái nhất định phải chấn chỉnh”, ông Hải nói.
Đối với những nơi phân phối, ông Hải cũng cho rằng, cần phải có hệ thống quan trắc để phát hiện. “Đầu tiên, khi anh cấp nước thì anh phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước. Vậy anh chịu trách nhiệm bằng cách nào thì phải giải trình với cơ quan nhà nước”, ông Hải nói.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, qua một vụ việc, người dân cung quan tâm hơn tới vấn đề an ninh nguồn nước.
“Anh có để xảy ra lần sau không, hay xin lỗi lần nữa? Đó là việc thành phố, các sở, ngành, doanh nghiệp phải rút kinh nghiệm, sau đó, ra các quy định chặt chẽ. Tôi yêu cầu anh muốn xây dựng nhà máy cấp nước thì cần phải có những công nghệ, điều kiện tối thiểu như thế nào”, ông Hải nói, và cho biết đó là những việc mà Thành phố sẽ rà soát lại, để không xảy ra nữa.
“Thành phố mình 10 triệu dân. Đấy là cái rất đáng tiếc. Thành phố phải rút kinh nghiệm để chỉ đạo khắc phục và không để xảy ra những việc tương tự”, ông Hải nói thêm.
Đã cung cấp nước sạch thì phải bảo đảm chất lượng nước cho dân
Trong khi đó, liên quan tới việc kiểm soát nguồn nước đầu vào của các nhà máy, ông Trần Đăng Ninh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình, cho biết hiện nguồn nước của Công ty nước sạch sông Đà lên tới 16 km2, nằm trên một khu vực rất lớn, nên việc kiểm soát phải thường xuyên.
“Bây giờ tất cả lắp camera, rải lực lượng công an thì cũng không thể có lực lượng lớn như vậy. Vì thế, anh dùng nguyên liệu đầu vào sản xuất thì anh phải kiểm soát”, ông Ninh phân tích.
Theo ông Ninh, hiện tại, nước thải từ các khu dân cư, nhà máy trên khu vực địa bàn khi thải ra môi trường đều phải đạt loại B, sau này có thể tăng lên loại A. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn là việc các công ty nước kiểm soát nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất.
“Đã cung cấp nước sạch thì phải đảm bảo chất lượng nước cho người dân. Khi chưa đảm bảo thì trước hết phải nhận trách nhiệm là người cung cấp nước cho người dân. Bây giờ công ty nói thực chất một số số liệu vẫn đảm bảo nhưng người dân phản ánh nước đó có mùi khét thì mình phải chịu trách nhiệm”, ông Ninh nói.
Về hướng chỉ đạo của địa phương, ông Ninh cho biết, tỉnh đang đề nghị Công ty nước sạch Sông Đà phải lấy ở nước mặt sông Đà là chính. “Hiện tại đang ở hồ Đầm Bài với 16 km2 nên khi mưa nước lưu vực xuống nhiều”, ông Ninh nói.
Bình luận (0)