Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ băn khoăn về tỷ lệ sinh ở đô thị giảm

Vũ Hân
Vũ Hân
28/02/2020 07:21 GMT+7

Tại buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn về tỷ lệ sinh ở đô thị giảm.

Làm việc với Sở Y tế TP.Hà Nội đúng ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2), ông Vương Đình Huệ đã nhắc lại bức thư Bác Hồ gửi ngành y tế, một bức thư “rất ngắn gọn, chỉ có 368 từ thôi, và Bác nói có 3 việc”, nhưng rất thấm thía.
Việc thứ nhất Bác dặn, theo Bí thư Vương Đình Huệ, là phải đoàn kết. “Đoàn kết đây là đoàn kết thật thà, thật lòng, thật bụng, chứ không phải cái kiểu bằng mặt mà không bằng lòng. Đoàn kết trên cơ sở các nguyên tắc, các quy tắc, quy định, chứ không phải xuôi chiều, kéo bè kéo cánh”, ông Huệ nhấn mạnh.
Thứ hai, Bác nói phải thương yêu người bệnh như anh như em ruột thịt trong nhà, xứng với câu “lương y như từ mẫu”.
Thứ ba là phải xây dựng một nền y học dân tộc, "phải kết hợp cả đông y và tây y".
Nghị quyết 20/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới có nêu “sức khỏe là vốn quý nhất của người dân và xã hội”, theo ông Huệ.
“Quý nhất có nghĩa là không có quý nhì đâu. Anh này là số một. Như người ta nói, 1 triệu con số 0 vẫn là con số 0, nhưng thêm số 1 ở trước thì thành con số 10, thêm một số 0 nữa là thành 100, thêm nữa là thành 1.000, cứ kéo dài mãi như vậy. (Sức khỏe) là số 1 của từng người dân, toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đấy là quan điểm trong Nghị quyết 20”, ông Huệ phân tích.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, quán triệt lời dạy của Bác, Nghị quyết 20 nêu “nghề y là nghề đặc biệt”, “nhân sự y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức”, rồi “tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. Do đó, ông Huệ mong các y bác sĩ luôn xứng đáng với tất cả kỳ vọng này.

"Phụ nữ ở đô thị là ít chịu đẻ con lắm"

Bên cạnh Nghị quyết 20, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng trao đổi với các đại biểu ngành y tế Thủ đô về tinh thần của Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới.
Theo đó, chúng ta đã chuyển từ kiểm soát số sinh, tức là sinh đẻ có kế hoạch, sang gắn dân số với phát triển, chú trọng vào chất lượng dân số.
“Rất may 10 năm qua, tỷ lệ sinh thay thế của cả nước là khá ổn định. Nếu mà tỷ lệ sinh thay thế xuống dưới 2 là nguy lắm các đồng chí ạ. Đợt điều tra vừa rồi, trong 10 năm, tỷ lệ sinh (thay thế) của khu vực đô thị cả nước là 1,83. Phụ nữ ở đô thị là ít chịu đẻ con lắm. Rất nhiều nguyên nhân. Anh Tuấn (Giám đốc Bệnh viện tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn - phóng viên) ở đây không được làm ngành dân số, làm tim mạch, có phát hiện ra chuyện này không? Chị em bây giờ là lười đẻ lắm, (nhưng) có người muốn đẻ lại không đẻ được”.
“Lúc mà Trung Quốc bỏ chế độ 1 con, có thí điểm phân bổ 2 triệu quota người đẻ con thứ 2. Sau 2 năm vận động, chỉ có hơn 500.000 người đăng ký. Có người không muốn đẻ, có người muốn mà đẻ không được. Lạ thế!”, ông Huệ bày tỏ băn khoăn, đồng thời chia sẻ, do tỷ lệ sinh ở nông thôn là 2,26, nên tính trung bình, cả nước vẫn duy trì được tỷ lệ sinh là 2,02, chưa chạm mốc báo động.
Tuy vậy, theo ông Huệ, “TP.HCM là nơi đẻ ít nhất, tỷ lệ sinh thay thế chỉ có 1,39 thôi. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy, nói cái này rất nhiều… Nếu tỷ lệ sinh đã xuống dưới 2 thì lịch sử thế giới không có nước nào lại tăng lên, chỉ có thấp xuống thôi”, ông Huệ nêu thực tế, và căn dặn ngành y tế Hà Nội quán triệt tinh thần của Nghị quyết 21
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.