Dồn dập cuộc gọi lừa đảo
Sáng nay (20.4), chị Bảo Hạnh (Nhà Bè, TP.HCM) cho biết mới nhận được cuộc gọi từ số di động 0903.283.578 báo chị có một bưu kiện chưa nhận, bấm phím số 9 để nghe nội dung. Sau khi nhấn phím số 9 thì một giọng nam bảo là có thông báo từ ngân hàng Vietbank chi nhánh Đà Nẵng báo chị nợ 45,9 triệu đồng bởi thẻ tín dụng số 7285168066650637 đăng ký ngày 13.1.2020 đứng tên chị. “Tui bảo tui chả chơi với Vietbank, cũng chả mở thẻ nào ở chi nhánh Đà Nẵng, giọng nam nhiệt tình: Vậy là có kẻ mạo danh chị mở tài khoản, em sẽ chuyển máy cho công an để chị báo về sự việc và yêu cầu ngăn chặn việc này, bưu điện hỗ trợ hoàn toàn và cuộc gọi là miễn phí…bla…bla. Đặc biệt, phía gọi bảo trong vòng 2h đồng hồ nếu không báo công an để ngăn chặn các thứ thì tiền này sẽ bị trừ vào các tài khoản khác”, chị Bảo Hạnh chia sẻ.
Không lâu sau đó, vào trưa 20.4, chị Thu Thủy (Quận 7, TP.HCM) cũng chia sẻ trên trang cá nhân mới có số điện thoại + 42138882240 gọi báo chị có bưu kiện tòa án gửi. Cũng khẳng định đó là cuộc gọi lừa đảo nên chị Thủy khuyên người gọi đừng làm vậy nữa vì nếu bị công an bắt phải đi tù... Ngay lập tức, người gọi quay sang thách thức chị hãy gọi công an ngay đi chứ hết giờ làm việc... Trước chia sẻ của chị Thủy, nhiều bạn bè cho biết đã nhận được những cuộc gọi tương tự.
Trước đó một ngày, bà Kim Yến (Quận 1, TP.HCM) cũng cho biết nhận được cuộc gọi báo có bưu kiện và muốn biết chi tiết bà phải bấm số 9. Mới nghe tới đây bà Yến đã tắt máy. Bà nói thêm những cuộc gọi kiểu này bà đã được nghe vài lần và nội dung na ná nhau. “Chỉ có ai quá tham hoặc không nghe kể về các trường hợp này mới có thể bị tụi nó lừa đảo. Mà sao tụi này nó cứ làm hoài mà không có bị sao hết ha?”, bà Yến nêu vấn đề.
Giả mạo trang web, cài mã độc
Từ đầu năm đến nay, Zoom là phần mềm phổ biến cho học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa. Bất ngờ giữa tháng 4, hàng trăm ngàn người tại Việt Nam phát hoảng với thông tin về việc phần mềm họp trực tuyến Zoom bị lỗ hổng khiến người dùng bị lộ thông tin cá nhân. Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT) cũng thông báo đã ghi nhận có hơn 500.000 tài khoản Zoom bị lộ thông tin cá nhân như email, mật khẩu, đường dẫn các cuộc họp và mật khẩu kèm theo.
Bên cạnh đó, tình trạng giả mạo trang web của nhiều đơn vị, tổ chức vẫn diễn ra. Công an TP.Hà Nội mới thông báo phát hiện trang web giả mạo ViettelPay - ứng dụng thanh toán di động của tập đoàn Viettel. Với thủ đoạn đề nghị giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, người dân chỉ cần truy cập vào trang Viettelpay.jweb.vn sẽ nhận được tiền ủng hộ. Khi truy cập vào đường dẫn giả mạo, hệ thống sẽ hiển thị thông tin về giới thiệu về ViettelPay và được yêu cầu điền các thông tin như mật khẩu, ngân hàng, mã OTP để xác nhận tài khoản để nhận tiền. Khi có được thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản của khách hàng và thực hiện các hành vi chuyển khoản, rút tiền, đăng ký vay online…
|
Thậm chí, Bộ Công an đầu tháng 4 cũng thông tin Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vừa phát hiện một trang web mạo danh Cổng thông tin điện tử Bộ Công an có tên miền 024113vn[.]com. Khi người dùng truy cập liên kết “Hệ thống kiểm kê trực tuyến”, trình duyệt sẽ mở ra giao diện yêu cầu người dùng khai báo một số thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến. Nếu người dùng truy cập liên kết “Phần mềm giám sát an toàn”, thiết bị sẽ tự động tải về 1 tập tin cài đặt ứng dụng (đây là một tệp tin mã độc) có đuôi “.apk”. Khi truy cập một liên kết không tồn tại trên trang tin này, người dùng sẽ nhận được một thông báo bằng tiếng nước ngoài. Qua đó, phần mềm gián điệp này sẽ tự động thu thập thông tin điện thoại, thông tin máy tính... rồi gửi ra máy chủ tại nước ngoài. Các đối tượng sẽ lợi dụng những thông tin đánh cắp được để lấy tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân...
Qua đó, Bộ Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm mạng; tuyệt đối không cung cấp thông tin nhân thân, tài khoản ngân hàng, tài khoản thư điện tử, mạng xã hội của mình cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội và các kênh trực tuyến khác, kể cả cá nhân tự nhận là đại diện của cơ quan công an.
Theo ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, càng có nhiều người phải làm việc qua mạng, học sinh và sinh viên phải học online thì lừa đảo, trộm cắp trên mạng càng gia tăng. Đó là chưa kể hành vi lừa đảo qua điện thoại hay trên mạng khó bị công an bắt giữ, điều tra hơn thực hiện trực tiếp bên ngoài. Điều này càng khiến nhiều cá nhân táo tợn khi lặp lại hành vi lừa đảo của mình.
“Các thủ đoạn hầu như không mới nhưng tập trung đánh vào nhóm người dùng mới như học sinh, sinh viên, người đi làm văn phòng chuyển sang làm việc qua mạng. Những đối tượng này có thể chưa được trang bị kiến thức về an toàn an ninh mạng nên dễ bị sụp bẫy. Do vậy ngoài việc nâng cao cảnh giác mỗi người cần tự trang bị thêm kiến thức về an toàn, an ninh và chống lừa đảo trong môi trường mạng”, ông Võ Đỗ Thắng nói.
Bình luận (0)