Các tình trạng về sức khỏe tinh thần vốn đã gây ảnh hưởng đến một tỉ người trên thế giới và làm tiêu tốn hàng ngàn tỉ USD mỗi năm. Các nhà nghiên cứu mới đây công bố báo cáo cho thấy tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ làm vấn đề này trở nên trầm trọng hơn trừ khi con người có các hành động giải quyết.
Theo giới nghiên cứu, các tác động của khí hậu làm gia tăng những khó khăn về sức khỏe tinh thần, khiến con người trở nên dễ bị tổn thương hơn nữa khi đối mặt những hậu quả khác.
Tờ The Guardian dẫn lời tiến sĩ Emma Lawrance của Đại học Hoàng gia London (Anh), người dẫn đầu nhóm thực hiện báo cáo, cho biết tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe tinh thần là chưa từng thấy. “Đó là một vấn đề lớn, sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều người trong tương lai và đặc biệt là làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Rất có thể đây sẽ là một khoản tổn thất rất lớn chưa được tính tới”, bà Lawrance nói.
Hậu quả khôn lường
Biến đổi khí hậu gây ra rất nhiều ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần. Các đợt nắng nóng dữ dội làm gia tăng tỷ lệ tự tử, thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt và cháy rừng đang khiến các nạn nhân bị sang chấn tâm lý, việc mất nguồn lương thực, nhà cửa và sinh kế dẫn đến căng thẳng và trầm cảm. Các nhà khoa học cho rằng lo lắng về tương lai cũng gây hại cho sức khỏe tinh thần của con người, đặc biệt là ở giới trẻ.
|
Biến đổi khí hậu cũng có thể gián tiếp gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của con người khi người thân của họ bị ảnh hưởng, gây mất việc làm hoặc nhà cửa, giảm quyền tiếp cận thức ăn, nước uống và dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc khiến họ phải đi khỏi cộng đồng.
Điển hình, những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Anh và Thái Lan, những người ở Puerto Rico và Florida phải di dời sau bão Maria (năm 2017) hay những người phải di dời từ khu vực nông thôn vào các thị trấn sau hạn hán ở Úc và Sudan đều báo cáo là bị giảm sút sức khỏe tinh thần.
Gia tăng nguy cơ tự tử
Theo tiến sĩ Lawrance, những cú sốc và tổn thương do các vấn đề khí hậu gây ra có thể khiến một số người rơi vào tình trạng đau khổ kéo dài hay được chẩn đoán mắc rối loạn căng thẳng sau sang chấn, lo âu, trầm cảm cũng như tăng nguy cơ tự tử.
Các nhà nghiên cứu cho rằng có mối quan hệ giữa nhiệt độ tăng và tỷ lệ tự tử, với một nghiên cứu cho thấy khi đến một ngưỡng nhất định, nhiệt độ cứ tăng 1 độ C thì tỷ lệ tự tử sẽ tăng 1%.
Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như cháy rừng và bão cũng có thể góp phần làm tăng tỷ lệ tự tử. Hơn nữa, những người đã mắc bệnh tâm thần, đặc biệt là rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ và lạm dụng chất kích thích có nguy cơ tử vong trong các đợt nắng nóng cao gấp 2-3 lần so với người bình thường.
Tuy chưa rõ nhiệt độ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần như thế nào nhưng các nhà khoa học cho rằng tác nhân chính có thể là do thay đổi trong lưu lượng máu đến não và mất ngủ.
|
Ngay cả đối với những người không bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, thứ gọi là sự lo lắng về tương lai của hệ sinh thái cũng có tác động đến họ. Tiến sĩ Lawrance cho biết ngay cả khi đang ở giữa đại dịch vào năm 2020, những người trẻ tuổi ở Anh vẫn cảm thấy căng thẳng về biến đổi khí hậu hơn nhiều so với Covid-19.
Các nhà nghiên cứu cho biết việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu có thể sẽ giúp cải thiện tình hình. Sự chung tay của các cá nhân, cộng đồng và chính phủ không chỉ giúp cắt giảm tác động của sự nóng lên toàn cầu mà còn nâng cao sức khỏe tinh thần cho người dân bằng cách mang lại cho họ cuộc sống khỏe mạnh hơn, với cảm giác hy vọng và quyền tự chủ.
“Các hành động vì môi trường tạo ra các thành phố xanh hơn, sạch hơn và giảm bất bình đẳng có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của tất cả công dân”, bà Lawrance nói thêm.
Bình luận (0)