Bình đẳng giới, có cần san bằng giới tính?

18/03/2016 16:44 GMT+7

Nếu không có sự khác biệt giới tính, chắc đàn ông sẽ phản đối khi luật lao động đã cho phép nữ giới được nghỉ 30 phút vào những ngày hành kinh. Nhưng họ đã không làm điều đó...

Nếu không có sự khác biệt giới tính, chắc đàn ông sẽ phản đối khi luật lao động đã cho phép nữ giới được nghỉ 30 phút vào những ngày hành kinh. Nhưng họ đã không làm điều đó...

Không cần thiết phải san bằng giới tính trong hành trình tiến đến sự bình đẳng giới - Ảnh: ShutterstockKhông cần thiết phải san bằng giới tính trong hành trình tiến đến sự bình đẳng giới - Ảnh: Shutterstock
Thật thú vị khi dịp 8.3 năm nay, tôi đọc được khá nhiều bài viết về bình đẳng giới. Trong nhiều bài do phụ nữ viết thì có sự lên tiếng của một đấng mày râu tranh luận với Nguyễn Phương Mai, tác giả bài viết Bao giờ có bình đẳng giới? (xem thêm bài 2 ở đây). Đồng ý với những suy nghĩ của Trần Bá Thiện, tác giả bài viết Làm sao có bình đẳng giới mà không gây bất bình đẳng khác?, tôi xin đưa một vài ý kiến của mình quanh các quan niệm về bình đẳng giới đã được đăng tải trên Báo Thanh Niên.
Những điển hình về bất bình đẳng giới vẫn còn được gặp ở nhiều nơi trên thế giới. Đó là hình ảnh những người phụ nữ bị xem thường, bị chà đạp, bị bạo hành.. Không cam chịu điều đó, ở Ấn Độ, những nữ hiệp sĩ sa ri hồng đã đoàn kết mạnh mẽ đấu tranh nhằm tìm lại công bằng cho phụ nữ nước này.
Có vẻ như đối nghịch với những kiểu bất công trên, là hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam ở làng Đồng Sau (xã Đồng Sơn, TP. Bắc Giang), một tay cáng đáng mọi việc trong ngoài. Họ vừa là trụ cột kinh tế, phải bôn ba buôn bán xa nhà, vừa phải lo toan chuyện nhà cửa con cái bằng cách nhờ gia đình bên ngoại hay tìm người giúp việc. Còn mấy ông chồng thì làm gì? Họ chỉ việc ở nhà chơi bài trong sự đồng tình của các bà vợ vì mấy bà suy nghĩ rằng thà cho chồng chơi bài còn hơn để chồng đi chơi gái hay nhậu nhẹt còn mang bệnh vào người. Đến việc ăn uống ngoài hàng, người đàn ông cũng chỉ việc ăn uống thỏa thích rồi ghi nợ với chủ quán, mọi việc đã có vợ lo (*). Đọc bài này, tôi không biết phải đòi sự công bằng cho nữ giới hay cho nam giới ở cái làng này? Có bất công cho đàn bà khi họ phải gánh vác cả hai vai trò cùng một lúc trong khi đàn ông thì ăn không ngồi rồi? Hay có bất công cho người đàn ông khi họ bị biến thành một người yếu đuối và vô tích sự (như cái nhìn của tôi về họ). Không biết tác giả Nguyễn Phương Mai nghe câu chuyện này sẽ nghĩ thế nào khi cái yếu đuối của người đàn ông được dân làng này tôn trọng một cách tuyệt đối, còn cái mạnh mẽ của người phụ nữ được phát huy một cách tối đa. Đây là hình ảnh của bình đẳng giới hay bất bình đẳng giới?
Tạo hóa mầu nhiệm đã tạo ra sự đa dạng về sinh học. Từ sinh vật đơn bào sinh sản vô tính đã tiến hóa đến ngày nay với vô số giống loài với sự sinh sản hữu tính. Với những loài có giống đực và giống cái, bộ gien và hóc môn đã qui định về đặc điểm hình thể bên ngoài và tính cách bên trong khác nhau giữa hai giống. Ở con người, chắc ai cũng công nhận đại đa số nam giới có sức lực mạnh mẽ hơn nữ giới. Do đó, có nhiều việc nặng nhọc nam giới đã gánh vác thay cho nữ giới như nam giới phải có nghĩa vụ quân sự trong khi nữ giới thì không. Điều này không có nghĩa là nữ giới không có quyền được tham gia quân đội.
Nếu đòi hỏi bình đẳng giới bằng cách san bằng giới tính, có lẽ chúng ta (những người phụ nữ), đừng yêu cầu nam giới phải lịch sự nhường bước cho mình khi đi qua cánh cửa hẹp, đừng trông chờ họ lịch sự kéo ghế mời mình ngồi, đừng trông họ sẽ ưu tiên nhường cơ hội sống cho mình khi xảy ra thảm họa. Hãy quên đi câu cửa miệng “Lady first”.
Nếu đòi hỏi bình đẳng giới bằng cách san bằng giới tính, có lẽ chúng ta (những người phụ nữ), đừng yêu cầu nam giới phải lịch sự nhường bước cho mình khi đi qua cánh cửa hẹp, đừng trông chờ họ lịch sự kéo ghế mời mình ngồi, đừng trông họ sẽ ưu tiên nhường cơ hội sống cho mình khi xảy ra thảm họa. Hãy quên đi câu cửa miệng “Lady first”.

Nếu không có sự khác biệt giới tính, chắc hẳn đàn ông sẽ phản đối khi luật lao động đã cho phép nữ giới được nghỉ 30 phút vào những ngày hành kinh. Nhưng họ đã không làm điều đó vì họ hiểu rằng những ngày này nhiều người nữ mệt mỏi và khó chịu.
Có lần, qua Hàn Quốc, tôi rất khâm phục cô bác sĩ nội trú ở đây khi cô phải tham gia trực tại bệnh viện với lịch trực cách ngày khi con mới được hai tháng. Một cô bác sĩ Hàn khác kể với tôi là cô vẫn đi trực khi thai gần ngày sanh và vẫn nhảy lên giường ấn tim cấp cứu cho bệnh nhân với cái bụng lặc lè khiến các cô điều dưỡng hoảng hồn kéo xuống. Hỏi thăm thì được biết họ không có chế độ nghỉ thai sản như Việt Nam. Họ không được nghỉ trực đêm khi thai bắt đầu trên 7 tháng và con chưa đầy tuổi. Lúc trước tôi cảm thấy bất công cho bác sĩ nữ khi trường Y qui định bác sĩ nội trú nữ không được mang thai và có con trong thời gian học nội trú nhưng bây giờ tôi đã hiểu tại sao. Khi học nội trú, họ phải có mặt ở bệnh viện và tham gia trực đêm thường xuyên. Nếu có con, họ sẽ được nghỉ thai sản như luật định mà như vậy nhà trường sẽ không thể bắt họ trực nếu họ không muốn, mà nếu không trực họ sẽ không thể trở thành bác sĩ nội trú giỏi được.
Vậy khi nào có bình đẳng giới? Theo tôi, bình đẳng giới có được khi người nam và nữ đều có quyền như nhau làm một công việc mà họ mong muốn hay yêu thích mà không bị cản trở bởi rào cản xã hội, định kiến hay luật pháp.
Nói đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện về một người phụ nữ cúi xuống cởi giày cho chồng trong bài Đừng mong bình đẳng khi phụ nữ phải lệ thuộc vào đàn ông. Nguyễn Thị, tác giả bài viết, phê phán cô gái đã phải mua hạnh phúc bằng một hành động hạ thấp giá trị bản thân mình. Chúng ta có biết cô gái ấy cảm thấy vui vẻ tự nguyện hay đang ấm ức khi làm công việc ấy? Nếu trả lời được câu hỏi ấy, chúng ta sẽ biết có bình đẳng giới hay không trong hành động này. Cái chúng ta thấy là hình ảnh người vợ cúi xuống cởi giày cho chồng nhưng cái chúng ta không thấy là gì? Có thể là hình ảnh một người chồng ban đêm xoa bóp chân cho vợ, là hình ảnh một người chồng vụng về chải mái tóc rối của vợ vào mỗi sáng. Vậy nếu thấy hình ảnh đó, chúng ta có lên án anh chồng quá mềm yếu khi phải phục vụ vợ hay không? Tại sao chúng ta lại phải can thiệp vào cách vợ chồng họ chăm sóc nhau? Tại sao chúng ta lại yêu cầu người phụ nữ tự giải phóng bản thân mình khỏi nam giới trong khi họ tự nguyện làm và vui vẻ vì điều đó. Hay người giải phóng là chính chúng ta, những người đang bị trói buộc trong mớ ngôn từ và ngữ nghĩa về bình đẳng giới. Trong cơ quan tôi, có chị mỗi ngày đi làm đều được chồng pha cà phê, bỏ vào bình giữ lạnh, treo sẵn ở xe; có chị được chồng dậy sớm chuẩn bị sẵn cơm cho vào hộp để mang đi. Vậy thì hành động cúi xuống cởi giày có gì là ghê gớm nếu nó xuất phát từ sự chăm sóc và yêu thương lẫn nhau?
Cùng trong bài viết này là câu chuyện về một cô gái đã nhanh chóng ly dị chồng trong vòng hai tháng sau cưới vì thường xuyên bị chồng đánh đập. Cô đã đi phẫu thuật thẫm mỹ và nói với mọi người rằng mình đang tìm một tấm chồng mới. Nguyễn Thị đã cho rằng việc thay đổi bản thân vì một người đàn ông là biểu hiện của sự phụ thuộc vào nam giới, Sao tác giả không nghĩ rằng cô ấy đã rất can đảm khi quyết định ly dị chồng ngay sau cưới. Vậy là cô đang thực hiện quyền bình đẳng giới đấy chứ khi cô đã không cho phép người đàn ông đối xử thô bạo với thân thể mình. Hành động phẫu thuật thẫm mỹ có thể chỉ là một cách cô tự chữa vết thương lòng đang rướm máu. Cái đầu vàng hoe, cái mũi cao vót, nụ cười toe toét tuyên bố sẽ sớm kiếm chồng khác có thể chỉ là cái vỏ che đậy nỗi đau đang bóp nghẹt tim cô. Thay vì xoa dịu nỗi đau của người phụ nữ, tác giả lại phê phán cô. Chúng ta kêu gọi tự do, nhưng chúng ta lại muốn người khác làm cái điều chúng ta tự áp đặt là đúng mà không hề nghĩ đến cảm giác hay mong muốn của người khác thế nào.
Trở lại câu chuyện khác biệt về giới tính trong bình đẳng giới, không phải là tôi không đồng tình với nhiều điểm hay và thú vị mà Nguyễn Phương Mai đã nêu ra như tìm kiếm sự bình đẳng không chỉ cho nữ giới mà cho cả nam giới, cần bình đẳng trong lúc giáo dục con, cho phép con được sống đúng với điều con muốn hơn là những định kiến sáo mòn và cũ rích và những kiểu bất bình đẳng giới kín đáo khác. Tuy nhiên, cách san bằng giới tính lại là cách chúng ta đi ngược nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá thể, để họ có thể phát huy được thế mạnh của mình.
Trước khi kết thúc bài viết, tôi xin kể lại một câu chuyện vui. Nhân ngày 8.3,cơ quan tôi thưởng tiền cho chị em phụ nữ. Có một đồng nghiệp nam mới vào làm, nhìn chị em hồ hởi nhận tiền nên có vẻ thắc mắc. Cô bé bên công đoàn cầm tiền đi ngang qua nói đùa: “Đây là tiền mua băng vệ sinh, anh có nhu cầu sử dụng không thì em phát tiền cho anh?”. Anh chàng bối rối: “À, cái đó thì anh không có nhu cầu”.
Vâng có những cái em cần nhưng anh không cần vì vậy không cần thiết phải san bằng giới tính trong hành trình tiến đến sự bình đẳng giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.